Để từng bước khắc phục khoảng trống về thông tin KHCN phục vụ NN-PTNT đặc thù của tỉnh Hải Dương trên mạng Internet, trong kế hoạch KHCN tỉnh Hải Dương năm 2008-2009, UBND tỉnh đã giao cho Trung tâm Thông tin khoa học - công nghệ và Tin học thuộc Sở KHCN (gọi tắt là Trung tâm) chủ trì và thực hiện đề tài: "Xây dựng trang thông tin KHCN tỉnh Hải Dương trên Internet phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn".
1. Khảo sát, đánh giá thực trạng và nhu cầu cung cấp thông tin về KHCN trên Internet ở 44 xã, 5 phường, 11 thị trấn trên phạm vi toàn tỉnh với các nôi dung:
- Thu thập thông tin chung về tình hình kinh tế xã hội của các xã, phường, thị trấn.
- Thông tin của 600 cán bộ cơ sở đại diện Đảng uỷ, HĐND, UBND, cán bộ phụ trách văn hoá - xã hội, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Khuyến học, Đài Truyền thanh, Điểm Bưu điện - Văn hoá và cán bộ Văn phòng UBND.
- Thu thập thông tin của 240 hộ hoạt động sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại và hoạt động dịch vụ khá, giỏi ở cơ sở.
* Đề tài đã phân tích, xử lý số liệu điều tra và cho một số kết quả chính về thực trạng và nhu cầu cung cấp thông tin về KHCN ở 60 xã, phường, thị trấn như sau:
Tổng số 372 thôn, khu dân cư được điều tra, trong đó có tới 40% thôn, khu dân cư được công nhận thôn, khu dân cư văn hoá.
Khi khảo sát 1.138 người là cán bộ, công chức của 60 cơ sở theo quy định của Chính phủ, trong đó nam 86,2%, nữ 13,8%. Về trình độ chuyên môn được đào tạo có 15,6% trình độ đại học, 4,3% trình độ cao đẳng, 48,6% có trình độ trung cấp, 0,3% có trình độ công nhân kỹ thuật và 31,2% có trình độ khác. Về trình độ tin học 0,1% trình độ đại học, 0,1% trình cao đẳng, 0,1% trình độ trung cấp, 16,2% trình độ B, 19,2% người có trình độ A và 64,3% chưa được đào tạo tin học.
Khi khảo sát trực tiếp 600 cán bộ cơ sở về trình độ chuyên môn và trình độ tin học cũng cho kết quả tương tự và thấy rằng còn tới trên 60% cán bộ cơ sở chưa được đào tạo tin học, số này cần được các cấp đầu tư kinh phí để phổ cập tin học cho cán bộ cơ sở.
Ở nơi làm việc của Đảng uỷ, HĐND, UBND 60 cơ sở có tổng số có 255 máy tính đang được sử dụng, trong đó chỉ có 44 máy vi tính của 31 xã, phường, thị trấn bằng 51,7% đang được kết nối Internet. Đây là tỷ lệ có Internet thấp sẽ ảnh hưởng tới quá trình khai thác thông tin phục vụ quản lý và điều hành của chính quyền cơ sở.
Về nguồn vốn để lắp đặt Internet của 31 cơ sở gồm: 26 máy bằng 59,1% do ngân sách của cơ sở đầu tư, 06 máy bằng 13,6% kinh phí do huyện đầu tư, 04 máy bằng 9,1% kinh phí do tỉnh đầu tư và 08 máy bằng 18,2% do nguồn kinh phí khác đầu tư.
Với 43/60 cơ sở bằng 71,7% xã, phường, thị trấn có Điểm Bưu điện - Văn hoá. Trong số các cơ sở có Điểm Bưu điện - Văn hoá có 25 cơ sở bằng 58,1% đã nối mạng Internet, 30 cơ sở bằng 69,8% phục vụ đọc sách, báo.
Khi thu thập thông tin của 109.811 hộ dân có 2.732 hộ bằng 2,5% đã nối mạng Internet. Trong số các hộ đã được nối mạng Internet có 484 hộ bằng 17,7% kinh doanh Internet.
Tại thời điểm điều tra có 58/60 xã, phường, thị trấn bằng 96,6% có hệ thống truyền thanh, trong đó có 50 xã, phường, thị trấn bằng 86,6% Đài truyền thanh cơ sở hoạt động thường xuyên. Có 353 bằng 94,4% thôn, khu dân cư có hệ thống truyền thanh cơ sở phục vụ cung cấp thông tin cho nhân dân.
Về Trung tâm học tập cộng đồng thuộc Hội Khuyến học ở 60 xã, phường, thị trấn được điều tra có 44 xã, phường, thị trấn bằng 73,3% có Trung tâm học tập cộng đồng. Trong số 44 cơ sở có Trung tâm học tập cộng đồng chỉ có 20 cơ sở bằng 45,4% Trung tâm có trụ sở làm việc.
Đề tài đã khảo sát 240 chủ hộ sản xuất trang trại và hoạt động kinh tế dịch vụ giỏi và khá của 60 xã, phường, thị trấn về hiện trạng đã lắp đặt, hình thức lắp đặt và nhu cầu lắp đặt Internet. Kết quả có 30 hộ bằng 12,5% đã lắp đặt Internet.
Khi hỏi 600 cán bộ cơ sở, có 80,5% cán bộ đọc Tạp chí Khoa học, Công nghệ và Môi trường, 92,8% cán bộ xem kiến thức KHCN trên VTV2 và 29,2% cán bộ xem Internet. Có 86,7% đề nghị lắp đặt Internet tại trụ sở UBND, 26,8% đề nghị lắp đặt tại Điểm Bưu điện - Văn hoá, 92 người 15,3% đề nghị lắp đặt tại Trung tâm học tập cộng đồng. Về nguồn kinh phí để lắp đặt Internet cho xã, phường, thị trấn có 3% ý kiến là cơ sở tự lo, 93,5% đề nghị cấp trên tài trợ và 3,5% đề nghị nguồn khác.
Những kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu cung cấp thông tin về khoa học, công nghệ và cơ sở vật chất phục vụ khai thác thông tin trên Internet ở 60 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, các ý kiến của 600 cán bộ cơ sở và 240 chủ hộ sản xuất theo mô hình trang trại và hoạt động kinh tế dịch vụ giỏi và khá ở các địa phương là cơ sở quan trọng cho Ban chủ nhiệm đề tài lựa chọn 04 xã, 01 phường và 01 thị trấn đại diện cho các vùng của tỉnh để xây dựng mô hình khai thác có hiệu quả thông tin KHCN phục vụ NN - PTNT trên Internet.
2. Đề tài đã xây dựng phần mềm dạng web về NN - PTNT tích hợp vào Website Sở Khoa học và Công nghệ:
Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đang phối hợp với một số chuyên gia của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên HDI Hải Dương, nghiên cứu xây dựng các phân hệ phần mềm dạng chuyên trang Web để tích hợp các nhóm cơ sở dữ liệu về NN - PTNT vào Website Sở KHCN và cung cấp thông tin cho nông dân trên Internet. Các phân hệ phần mềm được cài đặt vào máy chủ Web server (Apache server) với hệ điều hành Linux, môi trường PHP, cơ sở dữ liệu My SQL.
Các phân hệ phần mềm dạng Web được xây dựng phục vụ cho viên chức và người lao động của Trung tâm dễ dàng cập nhất các quy trình kỹ thuật về NN-PTNT; những thông tin về kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường; sản phẩm làng nghề; những chính sách có liên quan về nông nghiệp. Các phân hệ phần mềm có thể cập nhật ảnh, phim KHCN vào chuyên trang KHCN nông nghiệp - phát triển nông thôn một cách dễ dàng.
Các phân hệ phần mềm chuyên trang NN - PTNT có đường kết nối với Website Sở KHCN, thuận tiện cho người sử dụng. Khi người sử dụng đang xem thông tin trong Website Sở KHCN chỉ cần kích đúp chuột vào chuyên mục Kiến thức nông nghiệp thuộc trang chủ, Website Sở KHCN tự động chuyển đường kết nối sang chuyên trang về NN - PTNT với các đề mục của các phân hệ phần mềm. Bạn đọc cũng có thể dễ dàng truy cập vào Trang thông tin KHCN Hải Dương theo địa chỉ http://www.haiduongdost.gov.vn/nongnghiep. Các nội dung chính của chuyên trang gồm:
- Tin tức hàng ngày.
- Các quy trình kỹ thuật trong trồng trọt.
- Các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi.
- Các quy trình kỹ thuật trong thuỷ sản.
- Các quy trình kỹ thuật chế biến nông sản thực phẩm.
- Cơ sở dữ liệu về sản phẩm một số làng nghề tiêu biểu của tỉnh.
- Các quy trình kỹ thuật mới.
- Mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.
- Thị trường nông sản hàng hoá.
- Chính sách hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Các cơ sở dữ liệu khoa học thường thức.
- Hỏi đáp về khoa học và công nghệ.
- Tìm kiếm thông tin về kinh tế, khoa học và công nghệ.
Cho đến nay, cùng với hoạt động của Website Sở KHCN, chuyên Trang thông tin KHCN về NN - PTNT Hải Dương do đề tài nghiên cứu và xây dựng đã hoạt động tốt. Nhiều thông tin về KHCN nông nghiệp - phát triển nông thôn, làng nghề, thị trường, chính sách... đã được chuyển tải. Số lượng người truy cập đã dần dần tăng.
3. Xây dựng cơ sở dữ liệu trên Website Sở Khoa học và Công nghệ:
Ban chủ nhiệm đề tài đã sưu tầm toàn văn 24 nghề cổ truyền tỉnh Hải Dương được in trong Sách Nghề cổ truyền Hải Hưng tập I, tập II và tập III để cập nhật vào CSDL làng nghề tỉnh Hải Dương.
Ban chủ nhiệm đề tài đã sưu tầm, lựa chọn 140 hướng dẫn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản đã triển khai thực hiện phục vụ sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Hải Dương trong những năm qua để xây dựng CSDL KHCN của đề tài.
Bước đầu xây cơ sở dữ liệu về chính sách NN - PTNT của Trung ương và của tỉnh. Đã lựa chọn cập nhật 16 mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình (trang trại chuyên canh, trang trại tổng hợp, tổ hợp chế biến nông sản...) vào CSDL nông nghiệp - PTNT.
Các bản hướng dẫn quy trình kỹ thuật, chính sách NN - PTNT, thông tin kinh tế, thị trường nông sản, thực phẩm trong và ngoài tỉnh... do đề tài sưu tầm và lựa chọn đã được lưu trữ vào CSDL đề tài và từng bước chuyển lên Website Sở KHCN trong chuyên mục Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.
Đề tài đã tiếp nhận CSDL về KHCN gồm 100.000 câu hỏi - đáp KHCN và phim KHCN do Trung tâm Tin học và Thông tin khoa học - công nghệ Đồng Nai cung cấp. CSDL đã được cài vào máy chủ do Trung tâm quản lý, phục vụ cung cấp thông tin về NN - PTNT cho các xã, phường, thị trấn trong tỉnh Hải Dương.
4. Đề tài đã duy trì hoạt động thường xuyên của Website Sở Khoa học và Công nghệ với tổng số 602 tác phẩm, trong đó có 405 bài, 100 tin và 98 ảnh các loại được chuyển tải trên Website Sở Khoa học và Công nghệ. Đề tài đã mua sắm một số thiết bị tin học phục vụ duy trì hoạt động thường xuyên của Trang thông tin điện tử tỉnh Hải Dương.
Để thực hiện tốt mục tiêu chung, năm 2009 đề tài thực hiện các nội dung chính sau:
- Tiếp tục sưu tầm cập nhật CSDL bao gồm các hướng dẫn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, chế biến nông sản thực phẩm; các chính sách về NN - PTNT để tích vào Website Sở KHCN.
- Xây dựng mô hình khai thác có hiệu quả CSDL sản xuất NN - PTNT trên Internet ở 06 xã, phường, thị trấn gồm: Tập huấn phương pháp khai thác Internet và phương pháp khai thác thông tin trên trang thông tin KH&CN phục vụ NN - PTNT cho cán bộ và nhân dân; Chuyển giao một số CSDL dạng văn bản và phim về KHCN phục vụ NN-PTNT và khoa học thường thức cho 06 điểm mô hình và một số xã, phường trong tỉnh.
- Theo dõi, hiệu chỉnh chuyên trang thông tin KHCN tỉnh Hải Dương trên Internet phục vụ NN - PTNT.
Nguyễn Văn Vóc, Giám đốc Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học