Hiệu quả từ mô hình tự quản về an ninh trật tự.

Công an xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) đang tuần tra canh gác. Ảnh Hải Ninh Trong những năm qua, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh trật tự, phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trên địa bàn các tỉnh, thành phố cả nước nói chung, tỉnh Hải Dương nói riêng đã xuất hiện nhiều mô hình quần chúng nhân dân tự quản về an ninh trật tự. Các mô hình phong trào này đã có nhiều nội dung hoà nhập, gắn kết được với các phong trào khác của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, trở thành phong trào tự giác trong tổ chức phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên các mô hình này phần lớn còn mang tính tự phát, chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động; thiếu sự chỉ đạo, hướng dẫn thường xuyên của cấp trên nên còn có những hạn chế.
Hiệu quả từ mô hình tự quản về an ninh trật tự.
Cùng với sự hòa nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế của đất nước, nhận thức, ý thức, tâm lý của người dân đã có những thay đổi, trong đó có vấn đề bảo vệ ANTT. Công tác xây dựng các mô hình quần chúng bảo vệ ANTT hiện nay cũng cần có những đổi mới. Bên cạnh việc phát huy tính tích cực cách mạng của quần chúng cần đặc biệt quan tâm đến lợi ích thiết thực của người dân, gắn quyền lợi với trách nhiệm trong tham gia bảo vệ ANTT. Mặt khác, trước sự phát triển của tình hình kinh tế xã hội trong khi công tác quản lý Nhà nước nói chung và quản lý ANTT nói riêng chưa theo kịp, đã ny sinh nhiều bất cập; lực lượng công an xã, thị trấn tuy hoạt động khá hiệu quả nhưng do địa bàn rộng và lực lượng mỏng, không đủ sức quán xuyến tình hình. Vì vậy, việc xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động của lực lượng cơ sở là điều rất cần thiết và cấp bách để góp phần giữ vững ổn định ANTT ở các địa bàn dân cư. Mô hình "tự phòng, tự quản" về ANTT được làm điểm tại xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ với những nội dung thiết thực, cụ thể, đặc biệt quan tâm đến việc đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của quần chúng nhân dân, đồng thời tăng cường cho lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Xã Tân Kỳ nằm ở phía tây nam của huyện Tứ Kỳ. Xã có 2 thôn với trên 8.500 nhân khẩu. Mặc dù thời gian qua tình hình ANTT của cả nước nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng có nơi, có lúc khá phức tạp, nhưng tại xã Tân Kỳ vẫn luôn được đảm bảo. Cũng như nhiều vùng quê thuần nông khác, một lượng không nhỏ con em nơi đây đã phải rời quê đi làm ăn ở các tỉnh, huyện bạn. Tuy nhiên những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội ở địa phương khác cũng không dễ dàng theo về. Với truyền thống của địa phương cùng với sự cố gắng, nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền thì tội phạm, tệ nạn xã hội không có điều kiện phát triển tại mảnh đất này.
Trên địa bàn huyện Tứ Kỳ hiện nay đang tồn tại 3 loại mô hình lực lượng bảo vệ với 70 tổ ở 18 xã (mô hình lực lượng bảo vệ tập trung tại xã, lực lượng bảo vệ xã theo mô hình thôn, lực lượng bảo vệ thôn). Mỗi mô hình có ưu, nhược điểm khác nhau: mô hình tập trung hoạt động khá hiệu quả khi cần huy động nhanh, tập trung lực lượng, mức đóng góp của nhân dân và chế độ hưởng thụ của lực lượng bảo vệ được thống nhất trong toàn xã, tuy nhiên địa bàn hoạt động trong cả xã thường quá rộng, khó khăn trong công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn; lực lượng bảo vệ xã hoạt động theo mô hình thôn được UBND xã quản lý điều hành, hoạt động chủ yếu trên địa bàn thôn, khi cần có thể huy động tập trung lực lượng và có thể bố trí hoạt động chéo địa bàn, tuy nhiên việc hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng này chưa thường xuyên, ít được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Mô hình bảo vệ thôn hoạt động ít hiệu quả do không được sự chỉ đạo trực tiếp của UBND xã, thu nhập thấp. Một số đơn vị còn kiêm cả nhiệm vụ bảo nông.
Từ năm 1991, Công an xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ đã tham mưu cho UBND xã tuyển chọn, xây dựng lực lượng An ninh quốc phòng và xây dựng văn bản ký kết hợp đồng bảo vệ ANTT với nhân dân trong xã. Theo đó, mỗi sào ruộng cấy, người dân đóng góp 0,5kg thóc 1 vụ. Tài sản ngoài đồng gồm 2 vụ lúa, 1 vụ màu bị mất sẽ được bồi thường 100%. Lực lượng An ninh quốc phòng sau đó được đổi tên thành lực lượng an ninh cơ sở, được duy trì hoạt động trên quy chế dân chủ và nguyên tắc tự nguyện, thông qua chế độ hợp đồng.
Để chủ động trong công tác đảm bảo ANTT ở địa phương, với vai trò nòng cốt của mình, Công an xã đã tăng cường phối hợp với lực lượng quân sự xã, tham mưu cấp ủy, chính quyền củng cố, kiện toàn các tổ tự quản về ANTT tại các xóm, thôn phát huy tinh thần tích cực, xung kích của các lực lượng và người dân trong đảm bảo ANTT. Theo đề nghị của đồng chí Trưởng Ban công an xã, Chủ tịch UBND xã đã quyết định thành lập ở mỗi thôn 01 tổ tự quản về ANTT. Đặc điểm chung ở các tổ tự quản là có sự tham gia tích cực của lực lượng quân sự xã, các đoàn thể và người dân. Điều mà không phải ở địa phương nào cũng có là Lực lượng tự quản đã mạnh dạn ký hợp đồng bảo vệ với dân, trong đó quy định quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên trước tài sản của dân cho dù ở trong nhà hay ngoài đồng.
Để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT, bảo vệ tài sản của nhân dân trong nhà cũng như ngoài đồng theo hợp đồng đã được ký kết, lực lượng tự quản của xã đã đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động nhân dân trong thôn nâng cao cảnh giác, ý thức phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy tắc, nội quy về bảo vệ an ninh, trật tự, quy ước làng an toàn về ANTT; tham gia xây dựng làng văn hoá, đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng làng an toàn, gia đình an toàn về an ninh trật tự, không có tội phạm, tệ nạn xã hội. Đôn đốc, nhắc nhở nhân dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; sử dụng, quản lý chứng minh nhân dân và giấy tờ tuỳ thân khác; quy định về đăng ký hoạt động ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, an toàn phòng cháy, chữa cháy v.v.. Kịp thời nắm tình hình có liên quan đến an ninh trật tự và tổ chức các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đồng thời tích cực phối hợp với Tổ hoà giải tham gia hoà giải các vụ việc về ANTT ở thôn. Những việc làm cụ thể của từng tổ tự quản trong xã góp phần giữ vững ANTT, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 6 tháng đầu năm 2011, toàn xã chỉ xảy ra 2 vụ việc trộm cắp và đều được công an xã xác minh làm rõ. Xã được các cấp đánh giá là một điểm sáng trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới xã Tân Kỳ sẽ tiếp tục củng cố hoạt động của các tổ tự quản, xây dựng ý thức đấu tranh, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội trong mỗi người dân. Hoạt động hiệu quả của các tổ tự quản về ANTT ở Tân Kỳ những năm qua cũng nên được các xã bạn, huyện bạn nghiên cứu áp dụng; được nhân rộng không những ở Hải Dương mà có thể trên phạm vi rộng hơn. Vì mục tiêu cao nhất là đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Từ kết quả xây dựng mô hình "tự phòng, tự quản về ANTT" trên địa bàn xã Tân Kỳ cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn địa phương, được đông đảo nhân dân tích cực tham gia và đón nhận một cách tự nguyện nên đã phát huy tác dụng tốt. Mô hình có thể được nghiên cứu hoàn thiện và nhân rộng trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở thực hiện nguyên tắc dân chủ, có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, gắn trách nhiệm với đảm bảo lợi ích của người dân
Phạm Ninh Hải
Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây