Hoá học là môn học nghiên cứu về cấu tạo và sự biến đổi của các chất, giúp cho học sinh nhìn nhận sự vật hiện tượng dưới góc độ khoa học, trang bị cho học sinh kiến thức về ứng dụng của Hoá học vào một số ngành sản xuất quan trọng khác và vào đời sống góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc nghiên cứu các vấn đề lý thuyết cơ bản của chương trình (như các khái niệm nguyên tử, phân tử, các phản ứng hoá học, các định luật hoá học...) và làm các bài tập hoá học với yêu cầu suy luận để tìm ra lời giải là phương pháp quan trọng phát huy hiệu quả năng lực tư duy sáng tạo cho học sinh.
Do đó, giảng dạy bài tập môn Hoá học là một phần không thể thiếu trong dạy học môn Hoá học, đặc biệt là trong chương trình Trung học cơ sở (THCS), khi học sinh vừa bước đầu làm quen với môn học này.
Anh Nguyên
Với mục đích nâng cao chất lượng học tập môn Hoá học của học sinh THCS, trường Cao đẳng Hải Dương thực hiện đề tài nghiên cứu "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn Hoá học thông qua dạy bài tập Hoá học cấp THCS tỉnh Hải Dương". Sau hai năm thực hiện (2009-2010), Ban chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành đầy đủ mục tiêu và nội dung của đề tài đặt ra. Mục tiêu cụ thể của đề tài là: Nắm được thực trạng dạy môn Hoá học thông qua sử dụng bài tập Hoá học ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dạy môn Hoá học thông qua bài tập Hoá học ở trường THCS trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Thực hiện mục tiêu trên, Ban chủ nhiệm đề tài đã áp dụng phương pháp nghiên cứu lí luận để nắm vững cơ sở rèn luyện trí thông minh cho học sinh, nắm vững cơ sở lí luận của việc rèn luyện năng lực tư duy cho học sinh; tiến hành nghiên cứu cơ sở lý luận về hoạt động nhận thức và phát triển tư duy cho học sinh trong quá trình dạy học môn Hoá học.
Ban chủ nhiệm đề tài cũng đã tiến hành điều tra thực trạng đội ngũ giáo viên hoá học và thực trạng sử dụng bài tập Hoá học ở trường THCS tỉnh Hải Dương, quy mô 300 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, tại 273 trường THCS của tỉnh. Kết quả điều tra cho thấy: một số giáo viên còn chưa đạt chuẩn môn học hoặc còn dạy chéo môn; một số giáo viên chưa thấy hết vai trò và tác dụng của bài tập Hoá học làm hạn chế tác dụng của dạy bài tập Hoá học đối với môn học này (hơn 80% giáo viên xây dựng đề bài tập không đúng quy trình).
Từ kết quả thực trạng điều tra, Ban chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu và đưa ra những giải pháp góp phần khắc phục một số điểm hạn chế. Cụ thể là:+ Viết 4 báo cáo chuyên đề, bao gồm: "Cơ sở lý luận về rèn luyện trí thông minh cho học sinh thông qua dạy bài tập hoá học ở trường THCS"; "Phân tích chương trình và sách giáo khoa hoá học cấp THCS"; "Các phương pháp giải nhanh dùng trong dạy Hoá học lớp 8, lớp 9" và "Giải pháp nâng cao chất lượng dạy Hoá học thông qua sử dụng bài tập Hoá học ở trường THCS". Nội dung các chuyên đề và kết quả điều tra chính là cơ sở lí luận và thực tiễn để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo của đề tài.
+ Xây dựng 5 giáo án thực nghiệm trong đó tích hợp các bài tập nhằm phát triển tư duy và trí thông minh cho học sinh THCS. Đã dạy thực nghiệm 2 vòng với 5 giáo án tại 8 trường thực nghiệm.
+ Viết 2 tài liệu là : "Cách xây dựng và khai thác bài tập Hoá học nhằm phát triển tư duy cho học sinh THCS" và "Bài tập Hoá học cơ bản và nâng cao lớp 8-9" đã được thẩm định và sử dụng làm tài liệu tập huấn giáo viên Hoá học cấp THCS. Đây là các tài liệu hữu ích cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học Hoá học ở trường THCS, làm nền tảng cho quá trình dạy học môn học này ở cấp Trung học phổ thông.
+ Đã công bố 3 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành Trung ương. Đó là: "Một tiếp cận bài toán hấp thụ anhiđrit của axit nhiều nấc vào dung dịch kiềm" (Tạp chí Hoá học và ứng dụng số 16 năm 2009); "Rèn luyện kỹ năng giải bài tập Hoá học có nội dung kiến thức về thực tiễn đời sống cho học sinh trung học cơ sở" (Tạp chí Giáo dục số 232 năm 2010) và "Moving up students' mental abilities by solving developed exercise in chemitry" (Tạp chí Hoá học và Úng dụng, số 3 năm 2010).
+ Tổ chức tập huấn cho 70 giáo viên Hoá học thuộc 12 Phòng Giáo dục và Đào tạo của tỉnh về vai trò, tác dụng của bài tập Hoá học; cách xây dựng, sử dụng và khai thác các dạng bài tập Hoá học vào các kiểu giờ lên lớp. Qua các buổi tập huấn góp phần nâng cao nhận thức cũng như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho một bộ phận giáo viên Hoá học cấp THCS tỉnh Hải Dương.
+ Đưa ra phương pháp sử dụng bài tập trong dạy học Hoá học ở trường THCS ở các kiểu bài. Sử dụng bài tập trong quá trình hình thành khái niệm mới đòi hỏi bài tập phải chứa đựng cả những kiến thức cũ và kiến thức mới cần hình thành cho học sinh; có phần cung cấp thông tin, nội dung thông tin có thể được giáo viên diễn đạt bằng lời nói. Đối với kiểu bài tập Hoá học dùng để ôn tập và củng cố kiến thức, phải đảm bảo các yêu cầu như; chứa đựng nội dung kiến thức trọng tâm, chứa đựng các "bẫy kiến thức" để thông qua đó uốn nắn cho học sinh; đồng thời thể hiện được mối quan hệ của hệ thống kiến thức. Kiểu bài tập dùng để kiểm tra kết quả học tập lại yêu cầu trải rộng các nội dung kiến thức để đánh giá trình độ, kỹ năng của học sinh.
Tại Hội nghị nghiệm thu đề tài, Hội đồng Khoa học của tỉnh đã đánh giá cao tính mới, sáng tạo của đề tài thuộc lĩnh vực giáo dục, với kết quả nghiên cứu rõ ràng, đem lại giá trị thiết thực và hiệu quả áp dụng cao trong việc giảng dạy trong các nhà trường. Từ kết quả trên, TS. Trần Thị Kim Liên, chủ nhiệm đề tài đưa ra kiến nghị áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế để giáo dục trong nhà trường góp phần phát huy tối đa khả năng của học sinh.
Anh Nguyên