Điều tra, đánh giá môi trường Tp Hải Dương

DỰ ÁN ĐIỀU TRA ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ HẢI DƯƠNG, VÙNG PHỤ CẬN VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BỀN VỮNG  

Chủ nhiệm dự án: KS. Vũ Bảo Dương, Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện chính:

- Trung tâm Kỹ thuật Môi trường đô thị và Khu công nghiệp, Đại học Xây dựng.

- Trung tâm Môi trường - Địa chất, Trường Đại học Mỏ địa chất.

Thời gian thực hiện: Năm 1997 - 1998.

Dự án được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Đánh giá hiện trạng môi trường thành phố Hải Dương.

- Đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường bền vững.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Đánh giá hiện trạng môi trường sinh thái khu vực thành phố Hải Dương và vùng phụ cận.

Kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường khu vực thành phố Hải Dương và vùng phụ cận đã triển khai thực hiện được các nội dung của dự án, từ hiện trạng các thành phần môi trường đến hệ sinh thái đô thị và ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khoẻ cộng đồng.

Qua điều tra thu nhập và phân tích số liệu đã phác họa một bức tranh toàn cảnh về hiện trạng các thành phần môi trường, hệ sinh thái của khu vực thành phố Hải Dương.Về tổng thể, môi trường khu vực thành phố Hải Dương và phụ phụ cận chưa biểu hiện sự ô nhiễm nặng, song ở một số khu vực của thành phố đã có diễn biến xấu làm ô nhiễm đến các thành phần môi trường, đòi hỏi phải quan tâm và có biện pháp ngăn ngừa sớm, đó là:

- Khu vực nhận các chất thải sinh hoạt của thành phố như các hào thành, sông, hồ nhận nước thải: Qua số liệu phân tích mẫu nước của sông Bạch Đằng, sông Cống Câu, hồ Bạch Đằng, hồ Bình Minh đều cho thấy hàm lượng ô nhiễm các chất hữu cơ như BOD5, COD đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 - 5 lần, Colifrm vượt tiêu chuẩn cho phép hàng trăm lần, đã phát hiện trong nước thải của một vài thuỷ vực chứa nước thải của thành phố có chứa kim loại nặng như đồng, chì, kẽm...

- Khu vực bãi rác Cầu Cương do không có quy hoạch của một bãi chôn lấp rác kỹ thuật nên quá trình tự phân huỷ các chất hữu cơ và vô cơ trong rác thải đã làm ô nhiễm nước của sông Tứ Kỳ, nước giếng khơi của khu vực dân cư; số liệu phân tích mẫu nước giếng khơi của khu vực dân cư gần bãi rác cho thấy các chất hoà tan, chất BOD5, COD đều đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 5 - 11 lần quy định cho nước sinh hoạt. Các chỉ tiêu phân tích của mẫu nước mặt sông Tứ Kỳ gần khu vực bãi rác Cầu Cương cũng đã vượt tiêu chuẩn cho phép.

- Khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh, lượng rác thải lây lan độc hại cùng với nước thải hoàn toàn chưa được xử lý triệt để, nhất là nước thải của bệnh viện đang thải trực tiếp ra môi trường xung quanh; qua phân tích mẫu nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cho thấy hàm lượng các chất BOD5, COD đã vượt tiêu chuẩn quy định cho nước mặt loại B từ 14 - 36 lần, ôxy hoà tan (DO) thấp hơn tiêu chuẩn cho phép 10 lần, hàm lượng dầu mỡ vượt tiêu chuẩn nhiều lần, Coliform vượt tiêu chuẩn hàng trăm lần... Đây là nguồn thải có nguy cơ gây lây lan bệnh cho cộng đồng.

- Khu vực ven thành phố đã có biểu hiện của tồn dư lượng thuốc sâu trong đất và trong sản phẩm; trong các kênh mương tưới tiêu, kể cả sông Cầu Cất của khu vực ngoại vi thành phố tồn dư hàm lượng kim loại nặng, đáng lưu ý là có chứa chì (Pb), tuy hàm lượng không lớn, song thông qua sản phẩm nông nghiệp sẽ thâm nhập vào cơ thể và gây nên bệnh hiểm nghèo.

- Một số khu vực sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản đã thải ra lượng nước thải có hàm lượng chất BOD5 vượt tiêu chuẩn cho phép, pH thấp; nước của các cơ sở chế biến muối dưa chuột có hàm lượng muối cao cùng với các chất hữu cơ dễ phân huỷ tạo thành các khí độc đã làm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí.

- Nguồn nước ngầm dùng để cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố tại các điểm đã khai thác và thăm dò đều bị ô nhiễm mặn và chứa các Ion, NH+4, NO2, NO3 cao, đặc biệt là nguồn nước ngầm bị nhiễm vi khuẩn khá cao, nước ngầm khu vực Hải Tân có số lượng Coliform vượt quá triêu chuẩn cho phép hàng trăm lần.

- Hầu hết các thuỷ vực của thành phố đều bị ô nhiễm, một số thuỷ vực đang ở trạng thái phì dưỡng, do vậy đã làm giảm số lượng và thành phần các loài sinh vật trong thuỷ vực. Khả năng tự làm sạch của các thuỷ vực nhận nước thải kém, do vậy đây cũng là nguyên nhân làm ô nhiễm các nguồn nước khác.

- Khu vực dân cư có nồng độ bụi, khí thải độc hại, tiếng ồn do hoạt động sản xuất, giao thông... đã vượt tiêu chuẩn cho phép, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng như: trên các tuyến đường 5A, đường Bạch Đằng, đường Lê Thanh Nghị... khí thải độc (SO2, CO2, CxHy) đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1 đến 2 lần tiêu chuẩn cho phép. Phường Bình Hàn, Tứ Minh, khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khu vực Trường Cao đẳng tiếng ồn đã vượt tiêu chuẩn từ 5 đến 13 dBA.

Nguyên nhân chủ yếu của sự ô nhiễm này là do các chất thải sinh hoạt, các hoạt động sản xuất, giao thông, các bệnh viện chưa được xử lý, toàn bộ chất thải trực tiếp thải ra môi trường. Sự ô nhiễm từ trên mặt đất đã lan truyền xuống dưới đất làm ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm. Mặt khác, trong thời gian qua cùng với quá trình phát triển đô thị, việc quy hoạch phát triển đô thị chưa được quan tâm. Cơ sở hạ tầng của thành phố hiện nay đã quá tải, nhất là hệ thống thoát nước và hệ thống giao thông đô thị.

Kết quả điều tra và đánh giá thực trạng môi trường khu vực thành phố Hải Dương và vùng phụ cận đã làm cơ sở cho việc đề ra những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm và ngăn ngừa ô nhiễm cho hiện tại và tương lai.

2. Đánh giá môi trường địa chất khu vực thành phố Hải Dương.

- Lớp đất phân bổ trên bề mặt khu vực thành phố Hải Dương và vùng phụ cận chủ yếu là trầm tích trẻ có tuổi Holoxen chứa nhiều chất hữu cơ dạng than bùn và bùn hữu cơ. Xét về mặt địa chất công trình thì các loại đất trên thuộc loại đất yếu có chỉ số lún và tính biến dạng lớn, nhạy cảm với tác động địa động lực.

- Cấu trúc địa chất thuỷ văn trong trầm tích Đệ Tứ khu vực thành phố Hải Dương cho thấy, có 2 tầng chứa nước Holoxen không có áp hoặc có áp nhẹ, phân bổ ở độ sâu từ 150 m và tầng chứa nước Pleitoxen phân bổ ở độ sâu dưới 50 m. Tầng chứa nước Holoxen tiếp xúc với nước bề mặt đã bị ô nhiễm.

- Khả năng tai biến địa chất của khu vực thành phố Hải Dương là rất lớn, do đó việc xây dựng các công trình phải có nghiên cứu cụ thể để tránh thảm hoạ do địa chấn gây ra.

3. Đề xuất một số biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm.

3.1. Xây dựng dự án tiền khả thi để cải tạo môi trường nước của hệ thống kênh, mương, hồ nội thành, hào thành trong quy hoạch tổng thể thoát nước thành phố Hải Dương.

Thực tế chất lượng của môi trường nước trong các kênh, mương, hồ nội thành, hào thành đã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cảnh quan đô thị, Trung tâm Môi trường đô thị và Khu công nghiệp thuộc trường Đại học Xây dựng đã xây dựng một dự án tiền khả thi về cải tạo chất lượng nguồn nước trên các kênh, mương, hồ của thành phố. Dự án bao gồm các biện pháp tổng hợp từ việc quy hoạch và xây dựng hệ thống thoát nước đến xử lý cục bộ và xử lý tập trung toàn bộ lượng nước thải, cụ thể như sau:

* Giai đoạn năm 2000:

- Nước thải sinh hoạt phải được xử lý sơ bộ bằng phương pháp lắng kết hợp với lên men phân cặn trong bể tự hoại hoặc đặt trong các ngôi nhà hoặc trong các khu nhà tập thể. Nâng tỷ lệ số hộ sử dụng bể tự hoại hợp vệ sinh từ 12% hiện nay lên 50%. Những năm sau 2000, toàn bộ nước thải sinh hoạt phải được xử lý trong bể tự hoại.

- Nước thải của các bệnh viện phải được xử lý triệt để trước khi xả vào hệ thống thoát chung hoặc xả vào nguồn nước mặt khác.

- Nước thải của các nhà máy, xí nghiệp phải được xử lý cục bộ trước khi xả vào hệ thống cống ngầm; nước thải phải đạt tiêu chuẩn loại B.

Trước mắt Công ty Bia - Nước giải khát xây dựng trạm xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học, Công ty Bơm bằng phương pháp hoá học, Công ty Sứ và Nhà máy đá mài bằng phương pháp cơ học. Đối với các nhà máy mới được đầu tư, trạm xử lý nước thải phải được xây dựng đồng bộ cùng lúc với các công trình khác. Những khu vực dân cư mới xây dựng phải có quy hoạch hệ thống thoát nước riêng kết hợp với xây dựng trạm xử lý nước thải tại chỗ.

* Giai đoạn đến năm 2010:

- Xây dựng các tuyến cống bao quanh hệ thống ao, hồ, hào thành... để tách nước thải và nước mưa về trạm xử lý nước tập trung với công suất 40.000 m3/ngày, đêm của thành phố đặt tại xã Thanh Bình; chỉ tiêu nước thải sau xử lý phải đạt BOD nhỏ hơn 20 mg/l, hàm lượng cặn lơ lửng nhỏ hơn 25 mg/l.

- Một số khu vực mới xây dựng, ngay từ đầu phải xây dựng hệ thống thoát nước riêng và trạm xử lý cục bộ.

- Trên cơ sở tính toán khả năng tự làm sạch nước của một số sông, mương, hồ, hào thành và khả năng đầu tư cho thấy trong khu vực trung tâm thành phố có thể xây dựng một số trạm xử lý nước thải quy mô nhỏ tại các khu dân cư; nước thải đạt tiêu chuẩn xả vào mương, hồ theo tiêu chuẩn môi trường.

3.2. Dự án tiền khả thi thu gom xử lý chế biến rác làm phân hữu cơ.

Qua điều tra về hiện trạng rác thải sinh hoạt (gồm rác thải sinh hoạt, rác đường và rác chợ) của thành phố Hải Dương trong 2 năm qua cho thấy hiện nay lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày của thành phố đang ở mức từ 120 m3 - 140 m3 (ngày giáp Tết có thể lên 180 m3), thành phần rác hữu cơ chiếm khoảng 48% và độ ẩm của rác từ 60 - 70%. Lượng rác này cần phải được thu gom và xử lý để chế biến rác làm phân hữu cơ. Đây là một trong ba phương pháp đang được áp dụng hiện nay ở nước ta.

Phương pháp ủ rác làm phân hữu cơ (phân Compost) chỉ hiệu quả khi thành phần rác sinh hoạt có chứa rác hữu cơ chiếm tỷ lệ cao, nó rất phù hợp với đô thị có lượng rác thải lớn và khó khăn về diện tích chôn lấp. Phân Compost là loại phân sạch không gây ô nhiễm môi trường, trong sản xuất nnông nghiệp phân Compost sẽ dần thay thế cho phân hoá học. Mặt khác, phân Compost được sản xuất từ nguồn rác phế thải của thành phố nếu được xử lý tốt sẽ góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Dự án xử lý chế biến rác thải thành phố để làm phân bón là dự án mang tính khả thi cao. Dự án đã được báo cáo với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và được lãnh đạo tỉnh cho phép lập dự án tiền khả thi để sớm triển khai, thực hiện.

3.3. Cải tạo lò đốt rác thủ công của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Rác thải của bệnh viện được phân làm hai loại là rác thải ít nguy hiểm (chủ yếu là rác thải do sinh hoạt của bệnh nhân và người phục vụ đến chăm sóc, của các y bác sỹ bệnh viện) và loại rác thải đặc biệt nguy hiểm (bông băng thấm máu, mủ, kim tiêm và các bệnh phẩm từ cơ thể bệnh nhân...).

Loại rác thải ít nguy hiểm có thể đưa ra bãi chôn lấp rác của thành phố. Loại rác thải nguy hiểm phải được xử lý bằng lò đốt có nhiệt độ cao. Trong khi chờ nguồn kinh phí lớn đầu tư xử lý bằng các thiết bị hiện đại, tạm thời cải tạo lò đốt rác hiện nay để xử lý phần rác thải độc hại.

Quá trình khảo sát và theo dõi đốt thử lò đốt hiện có của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho thấy khi đốt rác đã gây ra ô nhiễm bụi và chất độc hại quá giới hạn cho phép. Trung tâm Kỹ thuật môi trường đô thị thuộc trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã có phương án thiết kế cải tạo lại để tăng hiệu suất xử lý ô nhiễm của lò, đồng thời giảm nhẹ sức lao động cho công nhân đốt rác và giảm được chi phí trong khâu đốt rác.

Kết quả sau khi lò đốt được cải tạo đã cho đốt rác nguy hại và tiến hành đánh giá hiệu quả xử lý ô nhiễm cho thấy, các chỉ số về bụi, khí độc đã giảm xuống rõ rệt, người công nhân đốt rác được cải thiện điều kiện làm việc, nhân dân xung quanh không còn kêu ca phàn nàn về lò đốt như trước đây, tuy nhiên phần rác thải nguy hại là những bệnh phẩm vẫn không xử lý được ở lò này mà phải đem chôn.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Lò đốt rác cũ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương được cải tạo thành lò đốt cải tiến, tuy chi phí xây dựng thấp nhưng chỉ đốt được rác thải sinh hoạt, bông, băng, ống tiêm.. và không đốt được bệnh phẩm. Hiện nay, bệnh viện đã đầu tư lắp đặt lò đốt rác Hoval hiện đại để đốt các loại rác thải nguy hại và bệnh phẩm.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây