Hiện trạng môi trường địa chất vùng Kinh Môn

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG ĐỊA CHẤT VÙNG KINH MÔN ĐỂ PHỤC VỤ QUY HOẠCH KINH TẾ XÃ HỘI CỦA TỈNH  

Chủ nhiệm đề tài: KS. Vũ Bảo Dương, Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Cơ quan Chủ trì thực hiện: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp: Trung tâm Môi trường - Địa chất, Trường Đại học Mỏ địa chất.

Thời gian thực hiện: 1998 - 1999.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

Nghiên cứu thành phần vật chất và đặc điểm địa hóa môi trường đất đối với lớp đất thổ nhưỡng, lớp vỏ phong hóa để phân ra các loại đất tốt, đất xấu phục vụ cho phát triển cây ăn quả lâu năm, qui hoạch phát triển và chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả trên diện tích gò đồi ở khu vực An Phụ, Nhị Chiểu - Kinh Môn.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Kết quả nghiên cứu về thành phần vật chất và đặc điểm địa hoá môi trường đất đồi khu vực Yên Phụ, Nhị Chiểu.

Từ kết quả khảo sát thực tế và kết quả phân tích đánh giá được đặc điểm về thành phần hoá học, thành phần khoáng vật, chất dinh dưỡng, chỉ số địa hoá môi trường của lớp thổ nhưỡng và vỏ phong hoá cho phép rút ra một số kết luận:

- Chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới ẩm, các loại đá phiến sét, cát bột kết của núi Yên Phụ (tuổi D2) đều bị phong hoá tạo thành lớp sản phẩm phong hoá bở rời với độ dày khác nhau và thể hiện tính chất phân đới rõ rệt là đới litoma giàu vón kết laterit, đới litoma và đới saprolit.

- Độ dày và thành phần của các đới phong hoá quyết định chất lượng của đất đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của cây ăn quả lâu năm.

- Theo tiêu chuẩn chất lượng của đất, với sự tồn tại và phát triển bền vững của cây ăn quả lâu năm thì đồi núi vùng Yên Phụ, Nhị Chiểu chia thành 3 loại: đất rất thuận lợi cho cây ăn quả lâu năm là đất gồm lớp thổ nhưỡng và vỏ phong hoá có độ dày lớn hơn 3m với đới litoma giàu vón kết laterit chiếm ưu thế; đất thuận lợi cho cây ăn quả lâu năm là đất có vỏ phong hoá dày lớn hơn 2 m với đới litoma chiếm ưu thế; đất kém thuận lợi cho cây ăn quả lâu năm là đất phát triển trên vỏ phong hoá có độ dày nhỏ hơn 2 m với đới litoma kém phát triển và không liên tục.

- Sơ đồ phân bố các loại đất ở vùng đồi núi Yên Phụ sẽ góp phần định hướng cho công tác quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nhân dân địa phương đạt hiệu quả cao.

2. Kết quả phân tích đặc điểm của nước ở khu vực Nhị Chiểu.

2.1. Đặc điểm về thành phần hoá học của nước.

Số TT

Thành phần ion

Hàm lượng (mg/l)

Mùa khô

Mùa mưa

1

Na+

11,1 - 70,6

25,4 - 120,7

2

NH+4

12,1 - 150,3

0,0 - 0,40

3

Ca++

12,1 - 150,3

19,7 - 168,5

4

Mg++

1,2 - 39,5

0,8 - 32,7

5

Fe++

0,04 - 0,6

0,04 - 0,8

6

Fe+++

0,1 - 2,0

0,1 - 1,5

7

Cl-

10,6 - 184,3

7,5 - 112,6

8

SO42-

1,0 - 52,0

0,5 - 31,2

9

HCO3-

48,8 - 421,1

35,6 - 284,5

10

CO32-

0,0 - 12,0

0,0 - 5,0

11

NO3-

0,34 - 46,7

0,2 - 31,7

2.2. Đặc điểm về chỉ số địa hoá môi trường nước.

Số TT

Chỉ số địa hoá

Mùa khô

Mùa mưa

1

Độ pH

5,2 - 8,7

5,3 - 7,4

2

Độ Eh

(-74,4) - (109)

(-7,2) - (75,3)

3

Độ Ec

0,0 - 1,72

0,0 - 1,70

4

Độ muối

1 - 6

1 - 4

Như chúng ta đều biết, căn cứ vào độ muối người ta phân loại nước thành 3 loại như sau:

- Nước nhạt: có độ muối < 1‰.

- Nước hơi mặn: có độ muối 1 - 25‰.

- Nước mặn có độ muối > 25‰.

Như vậy, nước ở 3 khu vực nghiên cứu thuộc huyện Kinh Môn đều thuộc vào loại nước hơi mặn, trong đó khu vực Hiệp Sơn là khu vực có nước mặn với độ muối cao (6 - 7‰) chiếm ưu thế.

3. Nhận xét về kết quả đo nồng độ bụi, tiếng ồn khu vực Nhị Chiểu và khu vực phía Bắc dãy núi Yên Phụ.

3.1. Ô nhiễm bụi khu vực Nhị Chiểu.

Tại khu vực Hạ Chiểu nồng độ bụi là 0,42 mg/m3, khu vực Thượng Chiểu là 0,29 mg/m3 và xóm Tây Bích Nhôi là 0,49 mg/m3, so với TCVN5937-1995 thì nồng độ bụi tại 3 điểm đo trên vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 - 1,4 lần. Nguyên nhân là do hệ thống xử lý bụi của nhà máy xi măng chưa đạt yêu cầu. Theo kết quả tính toán thì sự lan tỏa bụi và khí thải cho thấy, miền gây ô nhiễm bụi do sản xuất xi măng gây ra là rất rộng. Kết quả khảo sát tại khu tập thể công nhân của mỏ đá Thống Nhất và khu dân cư Lỗ Sơn cho thấy, nồng độ bụi dao động từ 0,32 - 0,38 mg/m3, so với TCVN 5937-1995 vượt từ 1,1 - 1,2 lần.

Môi trường không khí khu vực xã Duy Tân chịu ảnh hưởng của bụi thải từ Công ty xi măng Duyên Linh và các cơ sở chế biến đá tư nhân gần cảng Công ty xi măng Duyên Linh. Vào các ngày gió Đông và Đông Nam toàn bộ khí, bụi thải từ các nguồn thải đã bao trùm khu vực dân cư thôn Trại Xanh và khu dân cư gần khu vực UBND xã Duy Tân. Mức độ ô nhiễm bụi và khí thải ở khu vực này rất lớn, nồng độ bụi đo được ở mẫu số 8 là 0,72 mg/m3, so với mức quy định 1 giờ (TCVN 5937-1995) lớn gấp 2,6 lần. Nguyên nhân do hệ thống xử lý bụi của Công ty xi măng Duyên Linh đạt hiệu quả thấp, các cơ sở nghiền đá không có hệ thống xử lý bụi đã gây ảnh hưởng đến sức khoẻ khu vực dân cư xung quanh cơ sở sản xuất.

3.2. Khu vực phía Bắc dãy núi Yên Phụ.

Nồng độ bụi đo tại khu vực khai thác đá Tân Mỹ là 0,59 mg/m3, ở điểm bến phà là 0,5 mg/m3 và khu vực động Kính Chủ là 0,35 mg/m3, so với tiêu chuẩn TCVN 5937-1995 vượt từ 1 - 1,7 lần. Khu vực dân cư xã An Sinh, xã Hiệp Sơn, xã An Lưu... nằm xa các nguồn thải sản xuất của khu vực công nghiệp Nhị Chiểu và các cơ sở khai thác và chế biến đá tư nhân nằm dọc 2 bờ sông Kinh Thầy nên mức độ ô nhiễm bụi ở khu vực này là đáng kể. Nồng độ bụi đo tại các điểm dân cư ở mức quy định 24 giờ (TCVN 5937-1995) nhìn chung đều cao hơn ngưỡng cho phép.

3.3. Khu vực các tuyến đường giao thông.

Hệ thống giao thông khu vực Nhị Chiểu và khu vực phía Bắc dãy núi Yên Phụ bao gồm các tuyến đường 189, 188 và các tuyến đường liên thôn, liên xã có chất lượng rất xấu, chiều rộng đường hẹp và có nhiều đoạn đường bị hỏng chưa được rải nhựa, hàng ngày lượng xe lưu hành trên các tuyến đường này rất lớn để vận chuyển hành khách và nguyên liệu từ các cơ sở khai thác ra khu vực xung quanh đã gây ô nhiễm đến khu vực dân cư sống hai bên đường. Nồng độ bụi đo được tại điểm đường 189 là 0,6 mg/m3 và đường 188 là 1,72 mg/m3, đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 0,2 đến 2,4 lần (TCVN 5937-1995).

3.4. Hiện trạng ô nhiễm tiếng ồn khu vực Nhị Chiểu và khu vực phía Bắc dãy núi Yên Phụ.

Qua kết quả đo, khảo sát mức ồn khu vực dân cư và các tuyến đường giao thông khu vực Nhị Chiểu và khu vực phía Bắc dãy núi Yên Phụ cho thấy, mức ồn tương đương tại các điểm đo trong khu vực dân cư và trên tuyến đường giao thông có độ ồn là 50,1 dBA, nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Tại các thời điểm đo ban ngày thì tiếng ồn khu dân cư và tuyến đường giao thông có lúc vượt mức cho phép quy định cho khu vực sản xuất (90 dBA) do tiếng động cơ và còi của phương tiện giao thông gây nên.

4. Nhận xét chung:

- Môi trường không khí khu vực Nhị Chiểu, động Kính Chủ, huyện Kinh Môn chịu ảnh hưởng trực tiếp của bụi thải từ các cơ sở sản xuất và khai thác, chế biến đá trong vùng. Kết quả đo nồng độ bụi tại các điểm ở khu vực dân cư đều vượt tiêu chuẩn cho phép (TCVN-1995).

- Tại các điểm dân cư nằm xa khu vực sản xuất công nghiệp như các xã Phạm Mệnh, Hiệp Sơn, An Lưu,... nồng độ bụi nằm trong giới hạn tiêu chuẩn cho phép. Mức độ ô nhiễm bụi ở khu vực này chủ yếu là do các phương tiện vận tải trong vùng gây nên.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả của đề tài đã phục vụ cho UBND huyện Kinh Môn quy hoạch phát triển một số loại cây ăn quả trên diện tích gò, đồi và cây lâm nghiệp trên khu vực núi Yên Phụ. Tuy vậy, kết quả nghiên cứu chưa được phổ biến rộng nên hàng loạt nhà máy xi măng lò đứng và công trường khai thác tiếp tục đầu tư vào các vùng nhạy cảm về môi trường, tạo nên sự ảnh hưởng ô nhiễm tại huyện Kinh Môn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây