Chủ nhiệm đề tài: KS. Vũ Bảo Dương, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.
Thời gian thực hiện: Năm 1998 và 1999.
Đề tài được tổng kết
I. MỤC TIÊU
- Xây dựng chiến lược lược phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương đến năm 2010.
- Tầm nhìn phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương đến năm 2020.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Thực hiện tổng hợp phân tích bối cảnh Quốc tế, trong nước, khu vực kinh tế phía Bắc tác động đến lựa chọn chiến lược phát triển KHCN và bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương đến năm 2010.
1.1. Thực hiện tổng hợp phân tích cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tác động ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của các nước, dự báo xu thế toàn cầu; vai trò của chuyển giao công nghệ, động lực cạnh tranh giữa các quốc gia, xác định thuận lợi khó khăn của nước ta trong phát triển và hoà nhập.
1.2. Thực hiện tổng hợp phân tích các định hướng phát triển của kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ Việt Nam tác động đối với tỉnh Hải Dương.
1.3. Thực hiện tổng hợp phân tích quy hoạch khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc mà Hải Dương có thể liên kết, hợp tác phát triển nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu, nhất là về môi trường.
2. Xây dựng nội dung chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương đến năm 2010.
2.1. Thực trạng: Thực hiện đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội, tác động của khoa học và công nghệ đến phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra trên cơ sở các thành tựu đạt được, bao gồm: mức độ tăng trưởng kinh tế (1991-1998); tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tỷ trọng của các ngành kinh tế trong GDP; những vấn đề kinh tế - xã hội đặt ra đối với khoa học và công nghệ.
2.2. Thực hiện đánh giá quá trình đổi mới và chuyển giao công nghệ trong giai đoạn 1991-1998, rút ra những ưu điểm, nhược điểm của việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật bằng các hình thức chuyển giao ở trong nước, chuyển giao từ nước ngoài, đầu tư trực tiếp, liên doanh, nhập công nghệ và tài trợ từ các tổ chức quốc tế.
2.3. Thực hiện đánh giá trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh trên thị trường của các sản phẩm mũi nhọn của tỉnh, bao gồm trình độ tiếp thu, làm chủ, thích ứng công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn.
2.4. Thực hiện điều tra các làng nghề về công nghệ, tay nghề, nguyên liệu, thị trường, môi trường... và đánh giá thực trạng tiềm lực phát triển khoa học và công nghệ dựa trên các lĩnh vực như: đội ngũ cán bộ KHCN, công tác đào tạo và đầu tư cho phát triển KHCN và bảo vệ môi trường giai đoạn 1991-1998.
2.5. Thực hiện đánh giá tác động của khoa học, công nghệ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bao gồm: tác động của KHCN (vai trò động lực) trong việc tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp của KHCN trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để làm luận cứ cho việc cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Trung ương đảm bảo phù hợp với điều kiện của tỉnh.
2.6. Đánh giá thực trạng môi trường của tỉnh, bao gồm: hiện trạng về nguồn chất thải trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các đô thị, khu dân cư, bệnh viện. Chất lượng và ảnh hưởng của các thành phần môi trường đến hệ sinh thái và sức khoẻ cộng đồng.
2.7. Thực hiện phân tích quá trình diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai, môi trường tự nhiên tỉnh Hải Dương ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương.
3. Tầm nhìn phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương đến năm 2020.
3.1. Thực hiện phân tích các dữ liệu làm cơ sở để xây dựng chiến lược tầm nhìn tỉnh Hải Dương đến năm 2020.
- Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm nên có thị trường lao động lớn để cân đối lao động đồng thời là một vệ tinh chế biến sản phẩm và cung cấp nguyên liệu cho vùng.
- Phát triển kinh tế vùng là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Hải Dương.
- Là cửa ngõ lớn trong giao lưu kinh tế với hai thành phố lớn và các khu công nghiệp. Đảm bảo khả năng cạnh tranh quốc tế các mặt hàng thương mại.
3.2. Xây dựng chiến lược khoa học, công nghệ tỉnh Hải Dương đến năm 2010.
- Đẩy mạnh áp dụng các thành tựu KHCN để nhanh chóng nâng cao trình độ công nghệ của tỉnh; ưu tiên cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải tiến và hiện đại hoá các ngành nghề truyền thống để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường, tạo việc làm cho người lao động; phát triển kinh tế, phát triển KHCN, khai thác tài nguyên phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
- Tạo môi trường thể chế thuận lợi để gắn KHCN với yêu cầu phát triển sản xuất, khuyến khích đầu tư công nghệ.
- Phát triển KHCN phải có hướng tập trung, ưu tiên trên một số lĩnh vực mũi nhọn, coi trọng yêu cầu thị trường.
- Phát triển nội lực KHCN để có khả năng lựa chọn, tiếp thu và làm chủ KHCN.
- Đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự giúp đỡ trong và ngoài nước.
- Khai thác tối đa năng lực KHCN trong và ngoài tỉnh nhằm phục vụ có kết quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn.
- Xây dựng luận cứ khoa học cho các qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lựa chọn các vấn đề ưu tiên, cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Trung ương phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh, bảo tồn, khai thác, phát huy văn hoá truyền thống để phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
- Tập trung nguồn nhân lực vào một số lĩnh vực KHCN, để đến năm 2010 có tỷ lệ cán bộ KHCN trên vạn dân đạt và vượt mức bình quân chung của cả nước.
4. Định hướng chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương đến năm 2010.
- Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo vệ môi trường, xác định bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội. Từng bước nâng cao chất lượng môi trường của cộng đồng ở các khu công nghiệp, đô thị và vùng nông thôn để góp phần phát triển bền vững.
- Phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là nguyên tắc chủ đạo, xử lý ô nhiễm gắn với cải thiện môi trường. Bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì sự cân bằng sinh thái trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh của Hải Dương là một bộ phận của chiến lược bảo vệ môi trường cả nước và toàn cầu, đồng thời phải gắn với chiến lược bảo vệ môi trường của khu vực phát triển kinh tế trọng điểm phía Bắc.
- Cải tạo phục hồi những hệ sinh thái đã mất cân bằng đang gây tác động đến môi trường ở cả khu vực đô thị, nông thôn, miền núi.
- Bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự đa dạng sinh học, tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là bảo vệ nguồn nước sạch.
- Quản lý và kiểm soát các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, giao thông, bệnh viện, khu vực nông thôn. Cụ thể là:
+ Nông nghiệp: bảo vệ tài nguyên đất, nước, chống xói mòn, chuyển đổi cơ cấu phải đảm bảo hệ sinh thái bền vững. Thực hiện nền nông nghiệp sạch từ sản xuất đến sản phẩm tiêu dùng.
+ Công nghiệp: tiếp thu, áp dụng công nghệ ít chất thải, dần dần loại bỏ những cơ sở sản xuất công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm, có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
+ Du lịch và dịch vụ: xây dựng nội qui, quy chế nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường đối với khu du lịch, thương mại, nhà hàng, khách sạn, công viên, câu lạc bộ,... tổ chức thu gom và xử lý chất thải kịp thời để tránh gây ô nhiễm.
+ Triển khai dự án môi trường Việt Nam - Canađa (VCEP II) nâng cao năng lực quản lý môi trường tỉnh Hải Dương. Xây dựng tiềm lực về quản lý và kiểm soát môi trường như đào tạo cán bộ, tăng cường trang thiết bị kiểm tra, quan trắc, phân tích môi trường.
- Coi trọng đầu tư cho hệ thống giáo dục đào tạo theo hướng đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển KHCN và bảo vệ môi trường trước mắt cũng như lâu dài để thực hiện có kết quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Tăng cường đầu tư KHCN và môi trường bằng nhiều nguồn vốn.
- Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho hệ thống quản lý nhà nước và các đơn vị triển khai áp dụng tiến bộ KHCN trong lĩnh vực KHCN và môi trường từ tỉnh đến cơ sở.
- Đẩy mạnh hợp tác về KHCN và bảo vệ môi trường với một số tỉnh, thành phố trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh) để nắm được xu hướng phát triển của các tỉnh, thành phố bạn; từ đó đề xuất sự liên kết, hợp tác phát triển, đồng thời cùng hợp tác khắc phục, ngăn chặn những hậu quả xấu, nhất là môi trường.
Dự án xây dựng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 là nhiệm vụ của các ngành trong tỉnh. Do đó quá trình xây dựng chiến lược đã huy động lực lượng cán bộ khoa học, công nghệ của các ngành trong tỉnh và được sự hỗ trợ của một số nhà khoa học của cơ quan khoa học Trung ương. Kết quả dự án thu được bao gồm các tư liệu phản ánh hiện trạng về hệ thống quản lý khoa học, công nghệ; đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ phân theo cấp quản lý; công tác sáng kiến, sáng chế, công nghệ thông tin, hệ thống trường đào tạo... Đặc biệt là tư liệu về hiện trạng trình độ công nghệ trong sản xuất ở Hải Dương. Những số liệu này phục vụ cho việc đánh giá hiện trạng khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương sau 10 năm đổi mới (1986 - 1996) và xây dựng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.