Chủ nhiệm đề tài: KS. Nguyễn Duy Sách, Phó Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thời gian thực hiện: 1997 - 1998.
Đề tài được tổng kết khi kết thúc.
I. MỤC TIÊU
Chí Linh là một huyện nằm trong vùng tam giác phát triển kinh tế quan trọng phía Bắc, là huyện giàu tiềm năng phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Các hoạt động thực hiện phương án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế huyện Chí Linh đến năm 2010 và 2020 sẽ nảy sinh không ít những vấn đề về môi trường tự nhiên cũng như môi trường xã hội.
Mục tiêu của đề tài là thiết lập căn cứ khoa học giúp cho việc hoàn chỉnh phương án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường bền vững khu vực huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Đánh giá sơ bộ về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và nhân văn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Chí Linh.
1.1. Vị trí địa lý.
Vị trí của huyện Chí Linh rất thuận tiện cho việc giao lưu với các trung tâm kinh tế phát triển của miền Bắc nước ta như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh... Vì vậy quy hoạch phát triển thị trấn Sao Đỏ, Phả Lại thành khu đô thị công nghiệp là hoàn toàn đúng hướng.
1.2. Địa chất, địa hình, tài nguyên khoáng sản, khí hậu thuỷ văn và thổ nhưỡng sinh vật:
- Địa chất của khu vực Chí Linh bao gồm các kết cấu đá cát, bột kết và các trầm tích đệ tứ, phân bố rộng ở vùng đồi, đồng bằng thung lũng ven sông suối của huyện.
- Địa chất địa hình và tài nguyên khoáng sản của huyện Chí Linh không nhiều về chủng loại nhưng có một số loại có trữ lượng lớn, có giá trị kinh tế cao, thuận tiện khai thác, phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá của địa phương.
- Chí Linh có nhiệt độ trung bình trong năm là 22 - 23oC, thời điểm nhiệt độ không khí cao nhất trong năm là cuối tháng 6, đầu tháng 7 với nhiệt độ là 37 - 38oC, tháng có nhiệt độ thấp nhất trong năm là tháng 1 và tháng 2 với nhiệt độ khoảng 10 - 12oC, nhiệt độ thấp nhất là 3,1oC. Lượng mưa bình quân là 1.436 ml/năm, đây là vùng mưa ít so với bình quân chung của tỉnh. Độ ẩm tương đối của không khí là 81% -82%. Hạn hán xảy ra thường xuyên và sương muối thường xuất hiện vào tháng 12 làm ảnh hưởng đến hoa màu và cây ăn quả.
- Hệ thống sông suối, hồ tưới tiêu của huyện Chí Linh khá phong phú và chịu ảnh hưởng của hệ thống thuỷ văn sông Phả Lại, lưu lượng nước bình quân trong năm của sông là 286 m3/s, mùa kiệt nhất vào tháng 4 với lưu lượng 181 m3/s, mùa lũ mực nước cao nhất là 7,2 m cao hơn mức báo động cấp 3. Lũ lụt luôn là nguy cơ tiềm ẩn làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
- Đất đai vùng huyện Chí Linh chủ yếu là đất đỏ vàng và đất phù sa đất phù sa thuận lợi cho việc phát triển trồng lúa nước và hoa màu. Tuy nhiên, nhiều nơi trũng hay bị ngập úng, hạn hán nên cần có biện pháp tưới và tiêu úng tốt. Chí Linh có một số sinh vật đặc hữu. Thực vật và động vật hoang dã không nhiều và phân bố chủ yếu ở một số xã miền núi nên thuận lợi cho công tác bảo vệ.
1.3. Điều kiện kinh tế - xã hội và tài nguyên.
- Năm 1995, dân số Chí Linh là 149.169 người, mật độ phân bố không đều giữa các xã và thị trấn trong huyện; 3 thị trấn và các xã Cộng Hoà, Văn Đức, Đồng Lạc, Chí Minh, Tân Dân có mật độ dân số cao.
- Cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu vẫn là nông nghiệp, chiếm 43% tổng giá trị thu nhập; diện tích cây lương thực là 11.060 ha, diện tích trồng cây thực phẩm bình quân đạt 1.048 ha/năm, tổng đàn lợn là 39.386 con/năm, tổng đàn trâu bò bình quân năm đạt 10.268 con/năm. Trong 5 năm 1991-1995 sản xuất lương thực của huyện tăng với tốc độ chậm. Chăn nuôi chưa tương xứng với trồng trọt. Các mặt hàng nông sản còn gặp khó khăn trong tiêu thụ, trình độ thâm canh không cao. Một bộ phận nông dân còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, năng suất và chất lượng nông sản thấp. Huyện có điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trên địa bàn huyện có 41 nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất của Trung ương và của tỉnh như Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Công ty lắp máy, Mỏ đất chịu lửa Trúc Thôn... Công nghiệp địa phương phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của huyện và chưa thu hút được các nhà đầu tư.
- Huyện Chí Linh là huyện có truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời với khu di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng cảnh nổi tiếng như Côn Sơn, Kiếp Bạc, Đền Cao v.v... Các công trình kiến trúc đền, chùa, danh thắng là tiềm năng phát triển ngành du lịch.
- Đời sống, văn hóa, y tế, giáo dục của huyện đang từng bước được phát triển.
2. Nhận xét chung.
2.1. Hiện trạng môi trường sinh thái.
- Môi trường đất: Chí Linh là một trong 2 huyện miền núi của tỉnh Hải Dương có đất phù sa đồng bằng và đất đỏ vàng miền đồi núi. Hiện nay đất đỏ vàng vùng đồi núi đang bị suy thoái do lớp phủ không còn, tầng đất màu bị rửa trôi, nghèo dinh dưỡng. Vùng đồng bằng ở một số nơi đất bị ô nhiễm do các chất thải công nghiệp của các nhà máy như Nhiệt điện Phả Lại, Thuỷ tinh y tế, Xí nghiệp da giày và Mỏ đất chịu lửa Trúc Thôn.
- Nguồn nước: Nhìn chung nguồn nước mặt trên địa bàn huyện Chí Linh hiện chưa bị ô nhiễm, các chỉ số kim loại nặng như Pb, Ca, Cu, As, còn dưới ngưỡng tiêu chuẩn cho phép. Nguồn nước giếng đào và giếng khoan đảm bảo vệ sinh nhưng với tiêu chuẩn nguồn nước này để sử dụng cho sinh hoạt thì chưa đạt được loại A.
- Môi trường không khí: Không khí của khu vực huyện Chí Linh bị ô nhiễm chủ yếu là do bụi vô cơ, nguyên nhân do các hoạt động giao thông vận tải dọc Quốc lộ 18 và bụi từ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Mỏ đất chịu lửa Trúc Thôn...
- Hệ sinh thái: Rừng tự nhiên trong khu vực huyện đang được bảo vệ, có khả năng phục hồi tốt. Hệ sinh thái rừng trồng và hệ sinh thái vườn đang góp phần cải thiện môi trường sống. Tuy nhiên hệ sinh thái đồng ruộng đang có xu hướng gia tăng ô nhiễm do sử dụng nhiều chất hoá học như phân bón, thuốc trừ sâu...
2.2. Môi trường văn hoá, du lịch.
Môi trường văn hoá, du lịch được bảo tồn tương đối tốt, song cần phải quy hoạch và có kế hoạch tôn tạo, bảo vệ và nâng cấp. Cơ sở hạ tầng xung quanh các khu di tích lịch sử và danh thắng đang được cải tạo. Hoạt động tham quan, du lịch còn chưa khai thác được thế mạnh và tiềm năng của huyện.
2.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường đất.
- Ảnh hưởng tích cực: Đất đỏ, vàng vùng đồi núi dần được cải thiện, quá trình xói mòn sẽ từng bước được hạn chế. Mùn và các chất dinh dưỡng trong những năm tới sẽ khá hơn do diện tích trồng rừng tăng và rừng tự nhiên được phục hồi. Tăng hiệu quả sử dụng đất vùng đồng bằng và vùng đồi núi do đa dạng hoá cây trồng và loại hình sản xuất.
- Ảnh hưởng tiêu cực: Dự báo trong vòng 25 năm tới quỹ đất nông nghiệp của huyện sẽ giảm 1.541 ha, đất lâm nghiệp sẽ giảm 551 ha. Mặc dù kết quả phân tích chất lượng đất chưa cho thấy có dấu hiệu ô nhiễm nặng, nhưng với công suất khai thác và hoạt động của các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ như hiện nay thì chất lượng đất của khu vực huyện Chí Linh có nguy cơ bị suy thoái và ô nhiễm do các chất thải.
3. Phương án quy hoạch và hướng phát triển kinh tế đến năm 2010.
3.1. Mục tiêu và phương hướng.
- Mục tiêu: Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế để thu nhập bình quân tính theo đầu người của khu vực huyện Chí Linh đến năm 2010 tăng 2,5 lần so với năm 1990, năm 2020 tăng gấp 2,3 lần so với năm 2010. Trong những năm tới, hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện là tập trung chuyển đổi theo: kinh tế nông nghiệp xanh, kinh tế công nghiệp sạch và dịch vụ - du lịch hấp dẫn.
- Phương hướng chung về phát triển kinh tế - xã hội: Thúc đẩy công nghiệp hoá - hiện đại hoá, kết hợp nhiều thành phần, nhiều ngành nghề, tạo việc làm, thích ứng với yêu cầu thị trường, đạt hiệu quả cao, tính luỹ ngày càng lớn, phát triển vững chắc nông, lâm, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tăng mạnh về dịch vụ, du lịch, tăng nhanh tỷ suất hàng hoá, xây dựng nông thôn mới, có kinh tế phát triển, đời sống văn hoá phong phú.
3.2. Các giải pháp.
- Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa nhân tố phát triển tài nguyên con người lên hàng đầu, tận dụng và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, quy hoạch phát triển Chí Linh thành khu du lịch văn hoá, thắng cảnh của khu vực.
- Tránh tăng dân số bằng con đường cơ học, ảnh hưởng đến việc khai thác các nguồn tài nguyên.
- Tạo điều kiện cho người dân sở tại có khả năng sử dụng đất đai như một quỹ tài nguyên tiên quyết trong phát triển kinh tế và bảo đảm tính độc lập của hệ kinh tế sinh thái của nông hộ và làng xã.
- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện để định ra được các không gian chức năng kinh tế như không gian kinh tế công cộng, không gian kinh tế khu vực tư nhân và hộ gia đình, hoàn chỉnh phương án sử dụng đất canh tác, đất rừng đảm bảo giữ gìn và phát triển đa dạng sinh học; phối hợp hài hòa quy hoạch phát triển đô thị và phát triển nông thôn, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả với xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong quy hoạch cần chú ý tới việc phát triển và khai thác tiềm năng du lịch, mở rộng các khu vui chơi giải trí, đặc biệt là việc mở rộng khu liên thông cụm du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc - Chu Văn An.
- Quy hoạch và tổ chức lại các điểm cụm dân cư trên phạm vi toàn huyện Chí Linh.
- Quy hoạch lại vị trí của các nghĩa trang, nghĩa địa, xây dựng nghĩa trang mới tại thị trấn Sao Đỏ, các bãi tập kết rác và đánh giá tác động môi trường của các dự án công nghiệp.