Xử lý ô nhiễm môi trường ở cầu Cương của Tp Hải Dương

DỰ ÁN ÁP DỤNG TIẾN BỘ KỸ THUẬT ĐỂ XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BÃI RÁC CẦU CƯƠNG CỦA THÀNH PHỐ HẢI DƯƠNG  

Chủ nhiệm dự án: KS. Nguyễn Duy Sách, Phó Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Đơn vị chủ trì: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Đơn vị thực hiện:

- Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia - Hà Nội.

- Công ty thị chính thành phố Hải Dương.

Đơn vị phối hợp:

- Trung tâm Y tế dự phòng - Sở Y tế tỉnh Hải Dương.

- UBND thành phố Hải Dương.

- UBND phường Hải Tân, TP Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Năm 2000.

Bãi rác Cầu Cương sau khi xử lý được thành phố và các ngành chức năng nghiệm thu kỹ thuật. Dự án được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

- Điều tra khảo sát và đánh giá hiện trạng môi trường khu vực bãi rác.

- Đề xuất và áp dụng công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường (đóng cửa) bãi rác.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Điều tra khảo sát và đánh giá hiện trạng môi trường bãi rác Cầu Cương.

1.1. Chu vi, diện tích, thể tích thực tế của bãi rác.

Đã dùng phương pháp địa - vật lý để tiến hành đo đạc các chỉ số, lập sơ đồ, tính toán và kết quả như sau:

+ Chu vi của bãi rác: 504,2 m.

+ Diện tích của bãi rác: 7.616,6 m2.

+ Chiều dày trung bình của lớp rác: 4,4 m.

+ Thể tích rác hiện có: 33.513,1 m3 trong bãi và 254,1 m3 phủ trên mặt đê.

1.2. Địa tầng khu vực bãi rác.

Tại các điểm đo cho thấy lớp đất mặt xung quanh bãi rác có chiều dày từ 0,6 m đến 2,3 m. Chiều dày lớp đất xét bên dưới đáy bãi rác từ 4 m - 10 m; kết quả này cho thấy lớp đất sét đủ để đảm bảo được yêu cầu lọc và cách ly nước của bãi rác với nguồn nước ngầm trong khu vực khi xử lý.

1.3. Kết quả phân tích các mẫu nước

- Nước mặt lưu thông trong mương chảy qua bãi rác, các chỉ tiêu lý, hóa, vi sinh đều đều nằm dưới giới hạn cho phép đội với chất lượng nước mặt loại B.

- Nước dưới đất tại bãi rác và xung quanh đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các chất hữu cơ, vô cơ tổng hợp, hàm lượng kim loại nặng và colifom.

2. Xây dựng phương án và quy trình xử lý.

Để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và đóng cửa bãi rác Cầu Cương Ban chủ nhiệm dự án đã thống nhất chọn phương án:

- Hót, vét rác rơi vãi xung quanh bãi rác; san, ủi để định hình diện tích mặt bằng bãi rác cần xử lý.

- Đào hào xung quanh bãi rác (rộng 0,4 m, sâu bên dưới lớp đất sét ở đáy bãi rác 0,25 m) và đắp bờ bao bằng đất sét để giữ ổn định rác trong khu vực xử lý; dùng vải bán thấm lót kín mặt trong của bờ bao để cách ly nước của bãi rác với bên ngoài.

- Bổ sung chất dinh dưỡng và vi sinh vật cho toàn bộ khối rác có trong bãi, khoan và đặt các ống thoát khí; thường xuyên giữ nhiệt độ và độ ẩm trong bãi rác trong suốt thời gian 90 ngày để rác phân hủy hoàn toàn.

- Phủ bề mặt của bãi rác bằng lớp đất phù sa 0,5 m, trồng cỏ xung quanh bờ bao và trồng cây xanh (thanh hao) trên lớp đất phù sa đã phủ.

- Lập thiết kế kỹ thuật, tính toán đầu tư và tiến hành xử lý

3. Kết quả xử lý

Kỹ thuật đã áp dụng đóng cửa thành công bãi rác Cầu Cương, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ DỰ ÁN THỰC HIỆN

Đã được áp dụng cho bãi rác Soi Nam của thành phố Hải Dương hiện nay. Đồng thời, kết quả của dự án là một trong những cơ sở khoa học để xây dựng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh cho 11 thị trấn, huyện lỵ trong tỉnh.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây