Giống lúa Hưng dân đã được khảo nghiệm VCU ở Hải Dương qua 3 vụ (vụ Mùa 2011, Xuân 2012 và Mùa 2012) với ô thí nghiệm 3 lần nhắc lại 10m2. Qua kết quả khảo nghiệm, giống lúa Hưng dân thể hiện nhiều đặc điểm nông học tốt: Thời gian sinh trưởng ngắn, cấy được cả hai vụ xuân muộn và mùa sớm, chiều cao cây 105-110 cm, kiểu hình đẹp góc thân đứng, lá đòng đứng, năng suất cao, chịu thâm canh khá, khả năng chống đổ tốt, có khả năng kháng với bệnh bạc lá và rầy nâu, gạo trong, cơm thơm, vị đậm.
Vì vậy, năm 2014 Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng tỉnh Hải Dương đã triển khai đề tài: “Xây dựng mô hình sản xuất lúa Hưng dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương” để tiếp tục đánh giá và khẳng định tính thích ứng của giống đối với điều kiện sinh thái của tỉnh.
Trong vụ Xuân 2014, 234 hộ dân tại thôn Đông Hà (xã An Phụ, huyện Kinh Môn), thôn Hưng Long (xã Trùng Khánh, huyện Gia Lộc), thôn Tương và thôn An Dặc (xã Hồng Thái, huyện Ninh Giang) đã tham gia mô hình với diện tích gieo cấy 30ha. Tại Hồng Thái: Năng suất lúa Hưng dân bình quân 60,04 tạ/ha cao hơn 7,32 tạ/ha so với đối chứng KD18 (52,72 tạ/ha); trong đó có tới 47% các hộ đạt năng suất từ 61 – 65 tạ/ha, 50% các hộ có mức năng suất đạt từ 56-60 tạ/ha. Tại An Phụ: Năng suất bình quân đạt cao nhất 69,49 tạ/ha cao hơn hơn so với đối chứng KD18 (60,27 tạ/ha) là 9,22 tạ/ha; tất cả các hộ đều đạt năng suất từ 65 – 70 tạ/ha. Tại Trùng Khánh, năng suất bình quân đạt 63,56 tạ/ha cao hơn hơn so với đối chứng KD18 (55,68 tạ/ha) là 7,88 tạ/ha. Như vậy trong vụ xuân, giống lúa Hưng dân tại các điểm có năng suất thực thu cao. Hiệu quả kinh tế tăng so với giống lúa KD18 là 6,11 triệu đồng/ha.
Vụ mùa 2014 mô hình được triển khai tại xã Hồng Thái huyện Ninh Giang, xã An Phụ huyện Kinh Môn và xã Cộng Hòa huyện Kim Thành với quy mô 30 ha. Tại Hồng Thái: Năng suất bình quân 57 tạ/ha cao hơn 8,11 tạ/ha so với đối chứng KD18 (48,89 tạ/ha); trong đó 52% các hộ tham gia có mức năng suất đạt từ 56-60 tạ/ha; 17% số hộ đạt năng suất 61-65 tạ/ha gồm. Tại An Phụ, tất cả các hộ đều đạt năng suất từ 61-65 tạ/ha, trung bình đạt 63,99 tạ/ha, cao hơn hơn so với đối chứng KD18 (56 tạ/ha) là 7,99 tạ/ha. Năng suất bình quân tại xã Cộng Hòa đạt 63,95 tạ/ha cao hơn hơn so với đối chứng KD18 (55,88 tạ/ha) là 8,07 tạ/ha. Hiệu quả kinh tế đạt 11,7 triệu đồng tiền lãi/ha, tăng 6,04 triệu đồng/ha so với giống lúa KD18.
Qua một năm thực hiện mô hình sản xuất lúa Hưng dân, Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng Hải Dương đã hoàn thiện được quy trình kỹ thuật sản xuất giống lúa Hưng dân phù hợp với Hải Dương để áp dụng cho sản xuất mở rộng. Trong đó có 2 lưu ý lớn về liều lượng phân bón và mật độ gieo cấy.
Về liều lượng phân bón: Đối với giống lúa Hưng dân để đạt năng suất cao nhất trong sản xuất nên bón phân với liều lượng đạm và kali cho 1 sào như sau:
- Vụ xuân: Đạm ure: 8 kg; kali clorua: 6 - 7 kg
- Vụ mùa: Đạm ure: 7 kg; kali clorua: 7 kg
Về mật độ gieo cấy:
- Đối với mạ sân: Trong vụ xuân nên cấy mỗi khóm 2-3 dảnh, mật độ cấy hợp lý là 40 - 45 khóm/m2. Trong vụ mùa nên cấy mỗi khóm 2-3 dảnh, mật độ cấy hợp lý là 40 khóm/m2.
- Đối với phương pháp gieo thẳng bằng tay nên tỉa dặm ở mật độ 70-80 khóm/m2 tương ứng với khoảng cách cây cách cây 12cm x 12cm; 12cm x 10 cm.
Anh Nguyên