Trồng chuối tây lai cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Ở một vùng quê thuần nông như xã Quang Khải, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, ông Vũ Văn Minh được biết đến là một người nông dân làm kinh tế giỏi trong vùng. Nhờ trồng chuối tây lai, ông Vũ Văn Minh đã vươn lên thoát cảnh nghèo khó và có nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trồng chuối tây lai cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Là bộ đội phục viên về lao động tại quê hương, ông Minh đã xoay sở với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, từ thời chỉ cấy ruộng lúa, chăn nuôi lợn đến lúc chuyển đổi ruộng đất sang đào ao thả cá, nuôi gà, trồng rau màu các loại. Song ông vẫn chưa thực sự tìm được hướng thoát nghèo. Đến năm 2010, sau khi tìm hiểu về loại chuối tây lai đã được một số hộ nông dân trồng tại vùng hạ của huyện Tứ Kỳ, ông Minh đã mua 700 cây chuối tây giống với giá 35.000 đồng/cây, phủ kín diện tích gần 1 mẫu vườn. Sau hơn một năm, vườn chuối đã cho thu hoạch. Cây chuối cao, cho buồng nhiều nải, nải nhiều quả, quả lại to, đều, đẹp mã, ăn thơm ngon nên bán được giá cao. Với giá bán khoảng 250.000 đồng/buồng, gia đình ông đã thu lãi trung bình 12 triệu đồng/sào trong năm đầu tiên. Rồi cây mẹ đẻ cây con, mỗi gốc cây trưởng thành lại cho thu hoạch những mầm cây giống mới từ 700 cây giống, ông Minh đã mở rộng diện tích trồng được gần 6 mẫu chuối tây lai đến thời điểm này. Những mầm cây khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn làm cây giống được ông tuyển chọn và bán giống cho các hộ dân, với giá bán từ 15.000-20.000 đồng/cây. Ngoài ra, vườn chuối còn cho một nguồn thu nhập đáng kể từ hoa chuối phục vụ cho các hàng thực phẩm.

Mặc dù là loài cây quen thuộc, nhưng để trồng chuối tây lai hiệu quả, ông Minh cũng phải áp dụng đúng tiến bộ kỹ thuật mới có được vườn cây xanh tốt như ngày nay. Đất trồng chuối phải được làm sạch cỏ dại và cải tạo, bón phân chuồng kết hợp với phân vô cơ để cung cấp đủ dưỡng chất. Vườn trồng chuối được làm luống có độ cao 40 cm để thoát nước tốt, tránh hiện tượng ngập úng; kết hợp làm rãnh thoát nước trong mùa mưa. Để chuối ra quả đẹp, trong quá trình cây sinh trưởng và phát triển, cần tập trung chăm sóc vào hai giai đoạn là sau khi trồng từ 9-10 tháng và khi chuối sắp trổ buồng. Thường xuyên cắt bỏ những lá già, úa, héo giúp cây thông thoáng, loại bỏ bớt những cây chuối già để tạo điều kiện cho những cây non cùng khóm phát triển. Đối với một số bệnh thường gặp như héo rũ, vàng lá, đỏ cây, cây đùn mủ do các loại nhậy, nhện và bệnh khô vằn gây ra, cần theo dõi và phun thuốc phòng trừ, sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh như đối với cây lúa.

Nói về hiệu quả của cây chuối tây lai, ông Minh cho biết: Đây là loại cây trồng dễ thích nghi, ít sâu bệnh, vốn đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ rộng nên rất phù hợp để các hộ nông dân đưa vào sản xuất hàng hóa. Những hộ ít vốn có thể tự nhân giống để mở rộng diện tích mà không cần đầu tư ngay một lúc nên các hộ nông dân có thể tiết kiệm được tiền mua giống ban đầu. Năm nay, vườn chuối nhà ông sẽ cho thu hoạch rộ vào tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, dự kiến sẽ cho thu lãi khoảng 700 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các hộ nông dân phát triển loại cây trồng này tại địa phương.

Anh Nguyên


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây