Đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn nguồn lợi Rươi (Tylorrhynchus heterochaetus Quatrefages) và phát triển nghề khai thác rươi dựa vào cộng đồng ở vùng nước lợ thuộc tỉnh Hải Dương” do TS. Phạm Đình Trọng(Viện Sinh thái và Môi trường Nhiệt đới) chủ trì thực hiện trong thời gian 2 năm (2016 – 2018). Với mục tiêu: Nghiên cứu phục hồi và bảo tồn nguồn lợi rươi hiện đang có xu hướng suy giảm cả về sản lượng và vùng phân bố; xây dựng mô hình “nuôi” rươi hiệu quả ở vùng nước lợ ven một số sông Thái Bình, Văn Úc và Kinh Thày thuộc tỉnh Hải Dương để khai thác bền vững nguồn lợi. Đến nay, sau gần 1 năm triển khai, đề tài đã thu được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Rươi có tên khoa học là Tylorrhynchus heterochaetus, thuộc giống TylorrhynchusGrube, họ Nereidae, lớp Giun nhiều tơ: Polychaeta, phân lớp Errantia, ngành Giun đốt: Annelidavà giới động vật không xương sống: Invertebrates. Trên thế giới, các công trình nghiên cứú có liên quan đên loài Rươi và hiện tượng rươi nói chung còn rất ít. Ở Việt Nam, các công trình nghiên về loài rươi tập trung nghiên cứu vào các nội dung như: Đặc điểm phân loại hình thái của loài rươi, sự phân bố sinh thái của loài rươi, đặc điểm sinh sản và mùa vụ sinh sản và nguồn lợi rươi. Việc nuôi, bảo tồn và khai thác chúng một cách chủ động còn ít được đề cập.
Theo kết quả khảo sát sơ bộ của ban chủ nhiệm đề tài, Rươi ở Hải Dương xuất hiện tại các vùng nước lợ ven các sông Thái Bình, Văn Úc và Kinh Thày thuộc các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành và Kinh Môn. Tuy nhiên hiện nay Rươi đang được khai thác chủ động theo mùa vụ tai một số xã Tứ Xuyên, An Thanh (huyện Tứ Kỳ), Vĩnh Lập, Thanh Xuân (huyện Thanh Hà), Đại Đức, Tam Kỳ (huyện Kim Thành). Riêng huyện Kinh Môn có tới 6 xã và thị trấn có rươi bao gồm thị trấn Phú Thứ, thị trấn Minh Tân, các xã Tân Dân, Hiệp An, Minh Hòa và Thái Thịnh nhưng rươi chỉ xuất hiện ít, sản lượng không đáng kể và chưa có hộ dân nào xây dựng bờ bao để nuôi và thu hoạch rươi. Hình thức nuôi rươi vẫn do các hộ dân chủ động nhưng tự phát bằng cách đắp bờ tạo thành các ao/đầm và xây cống tại vùng đồng lúa, đồng cói hoặc bãi trống có rươi thường xuất hiện, đến khi vào vụ thu hoạch rươi, lợi dụng dòng thủy triều rút, người dân đặt lưới tại cửa cống đón dòng rươi từ trong các ao/đầm đó.
Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm xây dựng mô hình đầm “nuôi” rươi có hiệu quả ở vùng nước lợ ven các sông thuộc tỉnh Hải Dương. Mô hình được thực hiện tại 3 xã là An Thanh, Tứ Xuyên (huyện Tứ Kỳ) và Vĩnh Lập (huyện Thanh Hà). Ở mỗi xã đều thử nghiệm các công thức: đầm trồng lúa – đầm trắng được bón phân; đầm trồng lúa – đầm trắng không bón phân làm cặp đầm đối chứng. Kết quả mô hình thử nghiệm tại ruộng nhà anh Bắc, xã Tứ Xuyên, huyện Tứ Kỳ: mật độ lỗ rươi xuất hiện ở ô lúa có phân cao nhất đạt trung bình 147 lỗ rươi/m2; ô trắng có phân đạt mật độ 125 lỗ rươi/ m2, ô lúa và ô trắng không bón phân có mật độ 42 và 48 lỗ rươi/ m2.
Tại ruộng nhà anh Luận, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ: mật độ lỗ rươi xuất hiện ở ô trắng không bón phân cao nhất đạt 630 lỗ rươi/m2; ô lúa có phân và ô lúa không bón phân đạt mật độ 410 - 416 lỗ rươi/ m2; mật độ lỗ rươi thấp nhất ở ô trắng có bón phân thấp nhất là 275 lỗ rươi/ m2.
Tại các ruộng rươi ở nhóm chủ hộ ông Quạt, xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà: mật độ lỗ rươi xuất hiện cao nhất ở ô lúa có phân là 800 lỗ rươi/ m2; thấp nhất là ô ruộng trắng đang cải tạo với mật độ 107 lỗ rươi/ m2; mật độ ở ô lúa không có phân là 427 lỗ rươi/ m2. Đối với ô lúa không có phân thì không tiến hành được thí nghiệm.
Đề tài cũng tiến hành nghiên cứu sự phân bố của rươi liên quan đến sự trao đổi nước. Kết quả cho thấy, mật độ lỗ rươi xuất hiện cao nhất ở khu vực cửa cống, đạt trung bình 493 - 598 lỗ rươi/ m2 . Ở khu vực giữa ruộng có mật độ cao thứ hai, đạt trung bình 358 – 371 lỗ rươi/ m2. Khu vực cuối ruộng có mật độ thấp nhất là 172 – 361 lỗ rươi/ m2.
Để hoạt động khai thác rươi hiệu quả, Ban chủ nhiệm đề tài đã đề xuất một số gợi ý cụ thể như sau: Rươi là loại sinh vật vùng triều lại là sinh vật đáy nên nước cần được trao đổi theo nhịp độ thủy triều, chất đáy nên là sét – phù sa cát. Thức ăn tự nhiên và bổ sung phân hữu cơ hoai mục. Con giống rươi lấy từ môi trường nước sông, ruộng nào càng trao đổi nước tốt, lấy được giống vào những ngày triều cường dịp đông xuân, nhất là con nước tết sẽ lấy được nhiều giống.
Việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn nguồn lợi Rươi (Tylorrhynchus heterochaetus Quatrefages) và phát triển nghề khai thác rươi dựa vào cộng đồng ở vùng nước lợ thuộc tỉnh Hải Dương” sẽ là cơ sở khoa học để xây dựng một khu bảo tồn loài góp phần bảo tồn một nguồn gen quý hiếm mà và một mô hình nuôi hiệu quả góp phần phát triển bền vững nguồn lợi tự nhiên trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Nguyên Thị Ánh