Mô hình trồng rau an toàn phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương

Hải Dương là một trong những địa phương có truyền thống trong thâm canh sản xuất cây rau màu, đặc biệt là phát triển cây rau màu theo hướng sản xuất hàng hóa với việc hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh như rau vụ đông Gia Lộc, hành tỏi Kinh Môn, cà rốt Cẩm Giàng, củ đậu Kim Thành … Với vị trí địa lý nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, thuộc tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương có thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn với yêu cầu chất lượng cao. Điều này đặt ra yêu cầu sản xuất rau màu quy mô hàng hóa gắn với tiêu chuẩn sản xuất an toàn để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Mô hình trồng rau an toàn phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương

Trong những năm gần đây, tỉnh Hải Dương đã quan tâm xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn với những kết quả khả quan. Trong 2 năm 2006 - 2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn ở Phạm Kha (huyện Thanh Miện) nhằm hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học cho bà con nông dân áp dụng vào trong sản xuất góp phần tăng năng suất, đảm bảo chất lượng cây rau màu. Các loại rau được trồng phổ biến ở đây gồm cải bắp, cà chua, cải dưa, các loại rau ăn lá, su hào, súp lơ, các loại rau gia vị, được trồng theo 6 bước quy trình đã đề ra, trong đó quan trọng nhất là dùng các chế phẩm sinh học để thay thế việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân hoá học cho rau, đảm bảo thời gian cách ly thuốc trước khi thu hoạch 10 ngày. Mô hình sản xuất rau ở Phạm Kha đã tạo dựng thương hiệu rau an toàn đầu tiên của tỉnh Hải Dương.

Đã có một số của hàng bán thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố nhưng chưa chiếm được niềm tin của người tiêu dùng vì người dân thành phố cần thực tế nhìn nhận được sản phẩm được sản xuất tại những nơi trên thành phố và có khả năng trực tiếp kiểm tra. Hiện tại mô hình trang trại sản xuất an toàn trên địa bàn thành phố chưa có cơ sở nào thực hiện.

Từ những thực tế sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố và tỉnh nên từ khi bắt đầu thành lập cơ sở CP Green Farm đã chọn hướng sản xuất rau an toàn. Trong đó, cơ sở đã áp dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng qui trình sản xuất rau an toàn của Viện Rau quả Trung ương đã được công nhận vào sản xuất. Lắp đặt nhà lưới đơn giản, hệ thống tưới nước nhỏ giọt trong sản xuất rau ăn lá, ăn quả. Áp dụng đúng hướng dẫn của Sở Nông nghiệp tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh trong quá trình sản xuất đảm bảo sản phẩm an toàn. Áp dụng các công nghệ máy đo các hàm lượng tồn dư trong sản phẩm đảm bảo các sản phẩm đưa ra thị trường đạt tiêu chuẩn qui định. Đồng thời, phối hợp với các công ty về giống, phân bón, thuốc BVTV…để áp dụng các sản phẩm mang lại năng suất và chất lượng cao, ưu tiên các giống mang tính phục tráng giống địa phương (mướp hương…) và các dòng thuốc thảo mộc….

Chị Nguyễn Thị Phương, chủ cơ sở CP Green cho biết, hiện cơ sở của chị sản xuất các loại rau củ quả như rau muống, rau dền, rau đay, mồng tơi, rau cải, dưa chuột, bí xanh, cà chua, dưa kim hoàng hậu… Quá trình sản xuất uu tiên trồng cây bằng phân chuồng ủ mục, hạn chế tối đa dùng phân hóa học và tuyệt đối đảm bảo an toàn về bảo vệ thực vật: chỉ sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc, đảm bảo thời gian cách ly an toàn. Trang bị máy đo dư lượng đạm trong rau củ quả để kiểm tra sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Về kinh doanh sản phẩm, cơ sở đã ký hợp đồng với một số trường học mầm non trên địa bàn thành phố tiêu thụ sản phẩm rau an toàn (hiện tại đang thương thảo hợp đồng với trường mầm non Việt Anh với 1000 học sinh) có sự chỉ đạo của UBND thành phố Hải Dương. Hợp đồng với các công ty triển khai vùng nguyên liệu: ONION Hàn Quốc, công ty rau an toàn CP VietRAP, VinGrup….. Ưu tiên triển khai hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố để tận dụng ưu thế rút ngắn khoảng cách từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Đồng thời mở rộng thị trường tiềm năng là Hà Nội, hiện tại đã có 03 cửa hàng trên địa bàn thành phố.  

Mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới có chi phí đầu tư xây dựng và chi phí sản xuất cao hơn so với sản xuất thông thường, do vậy giá bán sản phẩm cao hơn so với rau ở ngoài thị trường trôi nổi. Xét về hiệu quả kinh tế, mô hình trồng rau an toàn có tổng lợi nhuận thu được là 877,7 triệu đồng, sau khi trừ chi phí 724,8 triệuđồng, lãi ròng thu được là 152,9 triệu đồng.

Nguyễn Thị Ánh 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây