Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn nguồn lợi Rươi (Tylorrhynchus heterochaetus Quatrefages) và phát triển nghề khai thác rươi dựa vào cộng đồng ở vùng nước lợ thuộc tỉnh Hải Dương”do TS. Phạm Đình Trọng, Viện Nghiên cứu sinh thái môi trường biển thực hiện trong thời gian 2 năm 2016, 2017.
Rươi có tên khoa học là Tylorrhynchus heterochaetus, thuộc giống TylorrhynchusGrube, họ Nereidae, lớp Giun nhiều tơ:Polychaeta, phân lớp Errantia, ngành Giun đốt: Annelidavà giới động vật không xương sống: Invertebrates. Loài này còn có các tên khoa học khác (tên đồng vật - synonym) như Tylorhynchus chinensis Uschakov, 1953; Ceratocephala osawai Izuka, 1903; Nereis heterochaeta Quatrefages, 1866.
Trên thế giới, nghiên cứu về Lớp Giun nhiều tơ (GNT) được bắt đầu từ hàng thế kỷ trước nhưng nếu chỉ đề cập đến các nghiên cứu trong thế kỷ 20 đã cho thấy rất phong phú. Các nghiên cứu tập trung vào các hướng chủ yếu như phân loại và đa dạng sinh học, phân bố sinh thái, nhân nuôi, bảo tồn, sinh vật chỉ thị. Tuy nhiên các công trình nghiên cứú có liên quan đên loài Rươi và hiện tượng rươi nói chung còn rất ít.
Ở Việt Nam, hiện đã có một số công trình tiêu biểu về Động vật đáy, Giun nhiều tơ nói chung và Rươi nói riêng trong các hệ sinh thái ven bờ Bắc Việt Nam. Các công trình này do các tác giả trong nước và đặc biệt do tác giả (đăng ký đề tài “Rươi Hải dương”) công bố.Trong đó, các công trình tập trung nghiên cứu các nội dung về đa dạng sinh học, phân bố chỉ thị và chỉ thị sinh học, nhân nuôi một số loài giun nhiều tơ tiềm năng, bảo vệ đa dạng sinh học có sự tham gia của người dân và bảo tồn nguồn lợi đa dạng sinh học đối với giun nhiều tơ.
Riêng về loài rươi, các công trình tập trung nghiên cứu vào các nội dung như: Đặc điểm phân loại hình thái của loài rươi, sự phân bố sinh thái của loài rươi, đặc điểm sinh sản và mùa vụ sinh sản và nguồn lợi rươi.
Các công trình nghiên cứu nước ngoài và trong nước là rất quan trọng, đặt nền tảng cho việc nghiên cứu cơ bản về loài rươi. Đáng chú ý, một số công trình trong nước đề cập đến nguồn lợi và mùa vụ xuất hiện rươi, một số công trình khác đề cập đến nhân nuôi nhưng mới chỉ là kết quả bước đầu còn việc nuôi, bảo tồn và khai thác chúng một cách chủ động còn ít được đề cập.
Gần đây, qua khảo sát sơ bộ, Rươi ở Hải Dương xuất hiện tại các vùng nước lợ ven các sông Thái Bình, Văn Úc và Kinh Thày thuộc các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành và Kinh Môn. Tuy nhiên hiện nay Rươi đang được khai thác chủ động theo mùa vụ tai một số xã Tứ Xuyên, An Thanh (h.Tứ Kỳ), Vĩnh Lập, Thanh Xuân (h. Thanh Hà), Đại Đức, Tam Kỳ (h. Kim Thành). Riêng huyện Kinh Môn có tới 6 xã và thị trấn có rươi bao gồm thị trấn Phú Thứ, thị trấn Minh Tân, các xã Tân Dân, Hiệp An, Minh Hòa và Thái Thịnh nhưng rươi chỉ xuất hiện ít, sản lượng không đáng kể và chưa có hộ dân nào xây dựng bờ bao để nuôi và thu hoạch rươi.
Hình thức nuôi rươi vẫn do các hộ dân chủ động nhưng tự phát bằng cách đắp bờ tạo thành các ao/đầm và xây cống tại vùng đồng lúa, đồng cói hoặc bãi trống có rươi thường xuất hiện, đến khi vào vụ thu hoạch rươi, lợi dụng dòng thủy triều rút, người dân đặt lưới tại cửa cống đón dòng rươi từ trong các ao/đầm đó. Bằng cách làm này, cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt đồng thời đã góp phần bảo tồn nguồn lợi Rươi và khai thác rươi có hiệu quả.
Qua một lần khảo sát sơ bộ tại huyện Tứ Kỳ vào tháng 4 năm 2015 cho thấy sự xuất hiện rươi và hình thức khai thác hiệu quả rươi (và cáy) của cộng đồng dân cư hai xã An Thanh và Tứ Xuyên (huỵện Tứ Kỳ, Hải Dương) là một tín hiệu lạc quan trong việc bảo tồn, phục hồi nguồn lợi một loài thủy sinh quý hiếm. Theo một số hộ dân khai thác tại xã Tứ Xuyên như gia đình ông Tuấn, nhờ nắm bắt quy luật xuất hiện rươi và cải tiến phương pháp thu hoạch nên sản lượng thu trung bình trên khu đầm 6 ha của gia đình ông đạt từ khoảng 1,0 đến 1,5 tấn rươi/năm, thu về khoảng 450-500 triệu đồng. Ngoài rươi, sản phẩm phụ khác trên khu đầm như cáy (khoảng một tấn – 80 triệu đồng), lúa (khoảng 30 tấn –150 triệu). Tổng cộng ước tính thu nhập trên diện tích 6 ha khoảng 700 đến 800 triệu đồng/năm.
Rõ ràng rươi và cáy đang là đối tượng “con” có triển vọng xóa đói giảm nghèo, đem lại công ăn việc làm và cuộc sống ấm no cho người nông dân ở vùng nước lợ ven các sông Thái Bình, Văn Úc và Kinh Thày của tỉnh Hải Dương.
Vấn đề đặt ra là cần có sự đầu tư nghiên cứu về loài rươi và môi trường sống của chúng để bảo tồn nguồn lợi rươi, từ đó phát triển nghề “nuôi” và xây dựng mô hình nuôi có hiệu quả nhằm khai thác hợp lý nguồn lợi giúp người dân có thêm thu nhập. Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và nguồn lợi rươi để khai thác nguồn lợi theo hướng bền vững.
Vì vậy với việc người dân ở một số xã ven sông Thái Bình thuộc huyện Tứ Kỳ hoặc một số xã ven sông Văn Úc thuộc huyện Thanh Hà, tinh Hải Dương đã và đang hưởng lợi từ nguồn lợi rươi là một điểm sáng cần được nghiên cứu. Cộng đồng người dân đã góp phần phục hồi, bảo tồn một nguồn lợi thủy sản quý hiếm cần được khuyến khích.
Việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn nguồn lợi Rươi (Tylorrhynchus heterochaetus Quatrefages) và phát triển nghề khai thác rươi dựa vào cộng đồng ở vùng nước lợ thuộc tỉnh Hải Dương” là một việc làm cần thiết. Sự thành công của đề tài sẽ là cơ sở khoa học để trong tương lai gần xây dựng một khu bảo tồn loài góp phần bảo tồn một nguồn gen quý hiếm mà việc bảo tồn đó lại do người dân chủ động tham gia. Hy vọng rằng một nghề “nuôi rươi” và một mô hình nuôi hiệu quả sẽ thành hiện thực và đó là một trong các mục tiêu sử dụng, phát triển bền vững nguồn lợi.
Nguyễn Thị Ánh