Với ưu thế dễ tiêu thụ, giá bán cao, trồng ổi trái vụ đã và đang được các hộ làm vườn tại một số huyện như Thanh hà, Ninh Giang, Nam Sách học hỏi kỹ thuật, hợp tác và hỗ trợ nhau cùng phát triển, đem lại thu nhập cao từ loại cây trồng thế mạnh của tỉnh Hải Dương hiện nay.
Huyện Thanh Hà là địa phương trổng ổi nhiều nhất của tỉnh, tập trung tại các xã như Liên Mạc, Thanh Xuân, Cẩm Chế, Thanh Lang. Đến nay, toàn huyện đã trồng được khoảng 1.080 ha ổi, tăng hơn 500 ha so với 3 năm trước. Xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà là vùng ổi truyền thống từ nhiều năm nay, với diện tích hơn 390 ha. Các hộ trồng ổi có nguồn thu trên dưới 200 triệu đồng mỗi năm từ loại cây này. Giống ổi chủ yếu được trồng là ổi bo Thái Bình, bo sần. Năm 2013, năng suất ổi trái vụ đạt từ 1,2-1,3 tấn/sào. Cuối năm, giá bán là 11.000 đồng/kg, cao hơn đầu vụ từ 3-4.000 đồng/kg. Ông Mạc Văn Chương ở xã Liên Mạc là một điển hình trong phát triển cây ổi trái vụ mang lại kinh tế cao. Với diện tích 1,8 mẫu ổi được trồng từ nhiều năm nay, nhận thấy cây ổi khi vào chính vụ sản lượng nhiều giá sẽ bị giảm, năm 2009 ông làm thử 2 sào cho cây ổi ra quả trái vụ và cho hiệu quả cao. Từ năm 2010 ông mạnh dạn chuyển tất cả diện tích trồng ổi của nhà sang cho trái vụ. Ông cho biết: ổi chính vụ cho thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch. Để điều tiết cây ổi có thể cho thu hoạch trái vụ, ông dùng biện pháp cắt ngọn, tuốt lá, cùng với đó là bổ sung một số loại phân bón cần thiết để cây có đủ năng lượng phục hồi, nảy chồi, ra lá mới, ra hoa và đậu quả và cho thu hoạch vào thời điểm trước tết nguyên đán… Nhờ có cách làm trên, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng.
Chị Mạc Thị Lý, thôn Thiện Trang, xã Thanh Xuân có gần 2 mẫu vườn cây ăn quả, trong đó chủ yếu là cây ổi xen canh với một số loại cây trồng khác. Giống ổi được trồng là giống ổi bo trắng, vừa dễ làm quả, mẫu mã đẹp, chất lượng quả ngon và đỡ sâu bệnh hơn và giống ổi bo sần với ưu điểm khác là quả to, chắc quả, nặng cân. Để có được ổi trái vụ, chị đã học tập, tham khảo kinh nghiệm từ nhiều hộ nông dân ở địa phương khác và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Vườn trồng ổi phải đào mương nhỏ, ao chứa nước, rãnh quanh vườn để thoát nước, vượt đất... để đảm bảo tưới tiêu cho cây. Mùa hoa phải đi bẻ hết từng nụ hoa một và vun đất, bón phân cho cây phát triển, hết mùa quả mới kích cho ổi ra hoa. Sau khoảng 1 tháng ổi trổ hoa, bắt đầu buộc bao bóng cho ổi để tránh sâu mòng. Sau 3 tháng thu quả thì diệt rệp để đảm bảo cho vụ kế tiếp.
Trên thị trường, các giống ổi của Thanh Hà rất được ưa chuộng nhờ chất lượng ngon, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Vì thế, việc tiêu thụ ổi không quá khó khăn. Thương lái từ các nơi đến tận vườn để thu mua, người trồng ổi không phải chịu cảnh vất vả như khi đi cân vải mỗi mùa thu hoạch. Với bí quyết trồng ổi cho thu hoạch trái vụ, chị Lý cũng như nhiều người dân Thanh Hà có thể bán ổi với giá 13-14 nghìn đồng/kg vào thời điểm cuối năm.
Tại xã Hiệp lực, huyện Ninh Giang, anh Vũ Văn Thái, thôn Hiệp Thọ là một trong những hộ khá giá nhờ đầu tư trồng ổi. Vườn ổi của gia đình hiện giờ hơn 1,5 mẫu, mỗi năm gia đình anh thu lãi được hơn 100 triệu đồng . Anh thường giống ổi Bo Thái Bình. Để cây ổi cho quả quanh năm, anh Thái luốn chú ý đến các loại sâu bệnh mà ổi thường gặp, để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Phòng chống rét, ong châm bằng biện pháp bọc túi nilon cho từng quả ổi. Tỉa ngọn để cây ra nhiều cành, không để cây vươn cao tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Ngoài việc thu hoạch ổi quả, anh còn mạnh dạn nhân giống và nhiệt tình hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật cho các hộ trồng ổi trái vụ cho thu nhập cao.
Bên cạnh những loại cây trồng truyền thống, cây ổi trái vụ là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao trong vài năm trở lại đây. Các hộ nông dân đã áp dụng thành công kỹ thuật cho cây ra trái quả, đồng thời có sự hợp tác, trao đổi thông tin để rải vụ tránh dồn dập trên thị trường. Đây là cách làm giàu đáng học tập cho nhiều hộ trồng cây ăn quả tại Hải Dương.
Anh Nguyên