Trang trại chăn nuôi gia cầm của gia đình anh Hanh hiện đang trong giai đoạn kiến thiết và mở rộng diện tích. Mặc dù đang xây dựng các công trình phụ trợ, song khu chuồng nuôi gà đã đi vào hoạt động gần 2 năm nay. Công suất chuồng nuôi là 3 lứa/năm. Quy mô mỗi lứa trên dưới 3.000 con, gồm cả hai loại gà Chọi lai và gà Ri lai. Năm 2014 là năm đầu tiên anh đưa hai giống gà này vào sản xuất với quy mô 2.500 con gà Ri lai, trong đó có 1.500 con giống được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh Hải Dương hỗ trợ sản xuất trong Dự án xây dựng mô hình nuôi gia cầm theo hướng an toàn. Mức hỗ trợ 50% giống và một phần chi phí thuốc thú y. Sau thời gian 2,5 tháng nuôi, gà Ri lai đạt trọng lượng 1,2 – 1,4 kg/con. Tỉ lệ tiêu tốn thức ăn từ 2,9 – 3,1 kg thức ăn/kg tăng trọng. Trừ chi phí, anh thu lãi 30 triệu đồng.
Bước sang năm 2015, gia đình anh tiếp tục được Dự án hỗ trợ xây dựng mô hình. Ngoài số lượng gà được Dự án hỗ trợ, anh Hanh mở rộng quy mô đàn nuôi. Trong năm 2015, anh cân đối số lượng đàn và thời gian vào đàn, chia làm 3 lứa với số lượng 3.200 con/lứa. Sau thời gian trên 4 tháng, anh cho xuất chuồng đàn gà với giá bán trung bình 70 nghìn đồng/kg, tổng sản lượng đạt 8 tấn/lứa, đạt giá trị 560 triệu đồng/lứa. Trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi trên 150 triệu đồng.
Để mô hình nuôi gia cầm đạt hiệu quả như trên, anh Hanh chia sẻ những kinh nghiệm thực tế rất quý báu của mình. Trước hết là tầm quan trọng của việc lựa chọn đối tượng nuôi.Thị trường hiện nay có chủng loại giống gia cầm rất phong phú, song anh lựa chọn giống gà Chọi lai vì giống gà này có tỷ lệ sống cao, tăng trưởng nhanh, không kén thức ăn nên dễ chăm sóc, chất lượng thịt gà ngon, phù hợp với thị hiếu thực phẩm của người tiêu dung. Giống gà Ri lai thiên về chất lượng ngon, là vật nuôi khỏe, ít bị bệnh tật, trọng lượng vừa phải, mẫu mã đẹp, thích hợp với nhu cầu mua gà làm lễ, nhất là trong dịp Tết.
Yếu tố thứ hai là tuân thủ quy trình chăm sóc, tiêm vắc xin đầy đủ, đúng thời kỳ, theo đúng quy trình kỹ thuật do ngành nông nghiệp và đơn vị cung ứng giống phổ biến. Đặc biệt là việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chuồng nuôi. Anh Hanh cho biết: Trang trại sử dụng chế phẩm sinh học Balasa N01 trộn với giá thể mùn cưa để làm lớp đệm lót chuồng nuôi. Trước đây, chuồng nuôi chỉ sử dụng trấu rải nền, định kỳ thay nền chuồng mỗi tháng 1 lần, nên khá tốn công dọn chuồng và thay trấu. Sau khi làm đệm lót sinh học, mùi hôi thối trong chuồng gà không còn, giảm bụi lúc khô hanh, giảm độ ẩm khi trời mưa. Tỷ lệ gà mắc bệnh giảm hẳn, nhất là bệnh tiêu chảy và gà hen nên tỷ lệ sống tăng, gà có độ đồng đều cao. Vì vậy giảm chi phí thuốc thú y trong việc chữa bệnh. Đàn gà có bộ lông sạch sẽ, thịt gà chắc, thơm ngon, thương lái và người mua rất ưa chuộng.
Chia sẻ về những khó khăn trong nghề chăn nuôi gia cầm, anh Hanh cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là yêu cầu nắm bắt kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi. Hiện đầu ra của gà Chọi lai và gà Ri lai đã có thị trường nên tiêu thụ tương đối thuận lợi.
Trong thời gian tới, anh Hanh tiếp tục hoàn thiện xây dựng chuồng trại mới để mở rộng quy mô sản xuất của gia đình. Đồng thời, tiếp tục tham gia Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh Hải Dương triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Mọi chi tiết về mô hình nuôi gà Chọi lai, gà Ri lai, bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ: Anh Đào Văn Hanh, thôn La Xá, xã Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Điện thoại: 0987150839.
Nguyễn Thị Ánh