Mô hình nuôi cá rô phi lai xa cho thu lãi trên 90 triệu đồng/ha

Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo hướng an toàn trên địa bàn tỉnh Hải Dương” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh triển khai thực hiện. Với mục tiêu: ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi trồng thủy sản ở các xã tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, năm 2015, Trung tâm đã triến khai xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá rô phi đơn tính đực lai xa với quy mô 20ha. Địa điểm triển khai mô hình tại 4 xã: Hồng Khê (Bình Giang), Quang Khải (Tứ Kỳ), Ngô Quyền, Chi Lăng Nam (Thanh Miện).
Mô hình nuôi cá rô phi lai xa cho thu lãi trên 90 triệu đồng/ha

 Các hộ tham gia mô hình sử dụng chế phẩm sinh học BIOF xử lý đáy ao nuôi, tiến hành nuôi ghép cá rô phi lai xa với một số loại cá truyền thống như cá chép, cá trôi, cá trắm cỏ, cá mè trắng , trong đó cá rô phi vẫn là chủ lực. Kết quả theo dõi mô hình đánh giá: Giống cá rô phi lai xa do Xí nghiệp giống thủy sản Tứ Kỳ (Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Hải Dương) cung ứng có tỷ lệ sống đạt 90% trở lên. Sau thời gian nuôi 6 tháng, cá đạt trọng lượng trung bình từ 800 – 1.100 gram/con. Chất lượng thịt cá thơm, ngon, dầy thịt nên giá bán đạt cao, từ 35.000 – 38.000 đồng/kg. Năng suất cá rô phi lai xa đạt trên 10 tấn/ha, cao hơn so với mục tiêu của mô hình(mục tiêu đạt 9-10 tấn/ha) và cao hơn so với năng suất chung của toàn tỉnh (năng suất bình quân 1ha mặt nước của tỉnh đạt 6,01 tấn/ha). Trừ chi phí, ao nuôi cá rô phi lai xa cho thu lãi trên 90 triệu đồng/ha.

Bên cạnh việc triển khai Dự án nuôi cá rô phi lai xa, Dự án cũng đã triển khai mô hình xử lý đồng bộ chế phẩm sinh học BIOF và EM với quy mô 1ha. Kết quả theo dõi cho thấy ao nuôi cá sử dụng chế phẩm BIOF xử lý có môi trường nước ao nuôi ổn định, nhất là sau các trận mưa, tỷ lệ dịch bệnh trên cá ít hơn và thiệt hại không đáng kể so với các ao không xử lý.

Nguyễn Thị Ánh


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây