Mô hình thâm canh cây củ đậu theo VietGAP ở huyện Kim Thành

Chăm sóc củ đậu tại xã Đồng Gia, huyện Kim Thành. Ảnh Hải Ninh        Kim Thành là một huyện có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Đối với sản xuất nông nghiệp của huyện Kim Thành, các loại rau, củ, quả là cây trồng được đặt lên hàng đầu, nhất là cây củ đậu được trồng chủ yếu tại một số xã khu C của huyện. Với lợi thế vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên thuận lợi nên sản xuất củ đậu của huyện Kim Thành cho hiệu quả kinh tế được đánh giá là cây trồng cho thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác, tuy nhiên chất lượng củ đậu chưa được kiểm soát về nguồn gốc sản xuất, cũng như chất lượng sản phẩm nên có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Mô hình thâm canh cây củ đậu theo VietGAP ở huyện Kim Thành
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng cây củ đậu góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Ông Nguyễn Viết Tuấn- Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kim Thành đã triển khai thực hiện đề tài: "Xây dựng mô hình thâm canh cây củ đậu theo VietGAP ở một số xã trên địa bàn huyện Kim Thành, Hải Dương".
Trong năm 2011, đề tài đã triển khai thực hiện trồng 1 ha tại xã Cẩm La. Đến năm 2012: 19 ha tại 3 xã Cẩm La, Đồng Gia, Kim Tân với 120 hộ tham gia
Để các hộ tham gia thực hiện đề tài thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật Ban chủ nhiệm đề tài đã phối hợp với UBND xã và Ban quản lý HTX mở 8 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh cây củ đậu theo VietGAP và bảo quản tại ruộng kéo dài thời gian thu hoạch và bảo quản tại nhà cho 740 lượt hộ nông dân tham gia mô hình và các hộ nông dân trong vùng có quan tâm về sản xuất theo hướng sản phẩm an toàn. Các hộ nông dân đều được nhận tài liệu, được hướng dẫn về sản xuất củ đậu theo VietGAP, cách ghi chép sổ tay về quả trình canh tác theo GAP (sử dụng phân bón hợp lý, sử dụng thuốc BVTV, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) cho củ đậu, thu hoạch và bảo quản sản phẩm); thành lập 3 tổ quản lý gồm 15 người được hướng dẫn thực hiện đồng bộ các khâu kỹ thuật từ quy trình kỹ thuật trồng củ đậu đến ghi chép số liệu, kiểm tra việc ghi chép của các hộ tham gia đề tại. Ban chủ nhiệm đề tài thực hiện cấp phát vật tư (giống, phân bón, thuốc BVTV...) gồm giống: hỗ trợ 30% giá giống; phân bón: 1,6 triệu đồng/ha; thuốc bảo vệ thực vật: 1 triệu đồng /ha; hỗ trợ bảo quản tại ruộng: 3 triệu đồng /sào; mua 200kg củ đậu bảo quản: 1 triệu đồng.
Theo dõi 60 kg củ đậu trong tổng số 1.000kg củ đậu bảo quản, qua thời gian bảo quản bằng cát khô, tỷ lệ hao hụt về trọng lượng. Sau gần 3 tháng bảo quản tỷ lệ hao hụt là 15%, Ban chủ nhiệm đã tiến hành phân tích về độ an toàn của củ đậu bảo quản tại nhà tại Viện Rau quả Gia Lâm – Hà Nội kết quả cho thấy các chỉ tiêu đều dưới ngưỡng cho phép đối với rau củ quả, ăn tươi sống mà nhà nước quy định.
Với củ đậu trái vụ thời gian gieo trồng vào từ 10/6 đến 10/7; đối với củ đậu chính vụ thời gian gieo trồng từ 10/8 đến hết tháng 8. Thời gian trồng chính vụ và trái vụ chênh lệch nhau không nhiều (khoảng 30 ngày) nếu trồng quá sớm cho năng suất, chất lượng không cao. Nhìn chung năng suất củ đậu giữa các xã chênh lệch nhau không đáng kể do thời gian thu hoạch của các xã là khác nhau. Lợi nhuận của củ đậu trồng theo VietGAP so với biện pháp truyền thống là: 338.500 đồng/sào tương đương 9,4 triệu đồng/ha. Tuy nhiên năng suất giữa củ đậu trái vụ và chính vụ lại có sự chênh lệch lớn từ 500kg - 1.100 kg/sào. do củ đậu chính vụ thời tiết thuận lợi hơn. Hiệu quả kinh tế từ trồng củ đậu trái vụ và chính vụ chênh lệch không đáng kể tuy nhiên so với gieo cấy lúa thì hiệu quả cao hơn từ 2,5- 5 lần. So sánh hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất củ đậu theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất không thực hiện theo VietGap tại cùng thời điểm thu hoạch đại trà củ đậu sản xuất theo quy trình VietGAP có lãi cao hơn với củ đậu không thực hiện theo VietGap. Có được kết quả này là do các hộ nông dân được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp IPM, nên dùng lượng phân bón ít hơn, sâu bệnh ít gây hại cho nên mất ít công lao động hơn các hộ không trồng theo VietGAP.
Sau 2 năm thực hiện, đến nay đề tài đã xây dựng thành công mô hình thâm canh cây củ đậu theo VietGAP tại huyện Kim Thành với quy mô diện tích 20 ha tại 3 xã Cẩm La; Đồng Gia; Kim Tân. Xây dựng và hoàn thiện quy trình thâm canh cây củ đậu chính vụ và trái vụ theo VietGAP phù hợp với điều kiện huyện Kim Thành cả về thời vụ, giống, lượng phân bón và kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho củ đậu trái vụ và chính vụ. Hoàn thiện quy trình bảo quản củ đậu tại ruộng để kéo dài thời gian thu hoạch và bảo quản tại nhà. Ban chủ nhiệm đã tiến hành bảo quản tại ruộng và tại nhà được 3 tháng. Sản xuất củ đậu theo Việt GAP là phương thức canh tác mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, quan trọng hơn là đảm bảo vệ sinh môi trường, sản phẩm sạch, đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bảo Ngọc

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây