Huyện Thanh Hà hiện có gần 4.000 ha diện tích trồng vải, cây vải là nguồn thu nhập chính của nông dân Thanh Hà. Năm 2013, sản lượng vải đạt 24.000-25.000 tấn, là năm thứ 2 liên tiếp vải được mùa, được giá, là niềm vui lớn của người dân huyện Thanh Hà.
Năm 2013, toàn huyện có 3.975 ha diện tích trồng vải, trong đó diện tích vải thiều là 2.965 ha, vải sớm là 1.010 ha. Đây là năm thứ hai, huyện Thanh Hà triển khai thực hiện dự án "Xây dựng, phát triển mô hình sản xuất vải thiều Thanh Hà đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGAP" trên diện tích 37 ha tại 361 hộ dân hai xã Thanh Sơn và Thanh Khê. Ban chủ nhiệm Dự án đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây vải thiều, tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, tổ chức hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tem nhãn, túi đựng cho các hộ tham gia dự án. Do thời tiết cuối vụ đông liên tục có rét đậm kéo dài nên tỷ lệ vải ra hoa cao, tỷ lệ đậu quả đạt 80%, cây vải sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất của trà vải sớm ước đạt 10-11 tấn/ha, năng suất vải thiều ước đạt 7-8 tấn/ha. Tổng sản lượng vải toàn huyện ước đạt 24.000-25.000 tấn, trong đó sản lượng vải sớm ước đạt 10.000-12.000 tấn, sản lượng vải thiều ước đạt 12.000-13.000 tấn. Trong đó, sản lượng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 150 tấn.
Về công tác tiêu thụ vải, năm 2013 sản lượng tiêu thụ vải tươi chiếm 80-90%, còn lại 10-20% sản lượng vải được đưa vào sấy khô. Trà vải sớm do thu hoạch trước nên toàn bộ vải sớm đều tiêu thụ tươi, thị trường chủ yếu là các tỉnh phía Nam, một phần xuất khẩu sang Trung Quốc. Còn vải thiều do thu hoạch dồn dập nên một phần vải thiều được đem sấy khô, 80-90% lượng vải thiều được tiêu thụ tươi. Thị trường tiêu thụ vải thiều chủ yếu là trong nước, tập trung ở các thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương. Bên cạnh đó, vải thiều được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Úc và theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Năm 2013 được đánh giá là năm giá vải bán được cao nhất trong 10 năm gần đây, bình quân giá vải sớm đạt 17.000 - 25.000 đồng/kg, giá vải thiều bình quân đạt 10.000-15.000 đồng/kg, trong đó vải thiều sản xuất theo VietGAP đạt 15.000 - 18.000 đồng/kg.
So với vụ vải năm 2012, giá trị sản xuất của cây vải bình quân đạt 100 triệu đồng/ha, trong đó, vải sớm có giá trị cao hơn vải thiều, đạt 150-170 triệu đồng/ha. Nhiều hộ gia đình có thu nhập từ vải trên 150 triệu đồng như hộ ông Trịnh Văn Biển xã Thanh Cường, thu 170 triệu đồng từ 8 sào vải, hộ ông Lê Sỹ Ánh, xã Thanh Cường thu 150 triệu đồng từ 7 sào vải, hộ ông Lê Văn Xuân, Lê Văn Thạnh (xã Thanh Bính) đều thu nhập hơn 200 triệu đồng từ trồng vải...
Cây vải vừa được mùa vừa được giá là niềm vui lớn của người nông dân Thanh Hà nói riêng và huyện Thanh Hà nói chung. Để vải thiều luôn là cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, huyện Thanh Hà nói riêng và các cấp, các ngành nói chung cần tiếp tục khắc phục một số điểm còn hạn chế trong sản xuất và kinh doanh đối với loại đặc sản này, cụ thể như: một số diện tích vải thiều bị bỏ không chăm sóc (229 ha), diện tích vải thiều sản xuất theo VietGAP, thị trường tiêu thụ vải không ổn định... Việc giữ gìn và nâng cao giá trị cây vải thiều đặc sản cần sự đầu tư hơn nữa về khoa học kỹ thuật, phát triển thương hiệu, tuyên truyền quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại của các cơ quan quản lý và chuyên môn của tỉnh Hải Dương.
Anh Nguyên