Sản xuất lúa hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới

Hội thảo đầu bờ lúa lai Bio404 xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển sản xuất lúa hàng hoá góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương" thuộc Chương trình "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất nông sản hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012 - 2015" do Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học thực hiện. Sau 2 năm triển khai, dự án đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản xuất lúa hàng hóa tại một số xã nông thôn mới của tỉnh.
Sản xuất lúa hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới
Thực hiện dự án, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học đã lựa chọn các giống lúa lai, lúa thuần có năng suất, chất lượng có khả năng kháng bệnh bạc lá đã được sản xuất thử đạt kết quả tốt đưa vào sản xuất tập trung gồm các giống lúa sau: Giống lúa lai 3 dòng Bio 404, Hương Ưu 3068, giống lúa thuần chất lượng cao Nàng xuân, T10, TBR45.
Bio 404 là giống lúa lai 3 dòng có nguồn gốc từ Ấn Độ, có năng suất ổn định, thời gian sinh trưởng ngắn (vụ xuân khoảng 125 - 130 ngày, vụ mùa từ 105 - 110 ngày), chất lượng gạo ngon, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Hương Ưu 3068: Giống lúa lai 3 dòng có nguồn gốc từ Trung Quốc, có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn (vụ xuân 120-135 ngày, vụ mùa 105-110 ngày), chất lượng gạo ngon, có khả năng kháng bệnh bạc lá và rầy nâu. Mô hình sản xuất giống lúa lai với tổng diện tích 20 ha (trong đó Bio 404: 15 ha, Hương ưu 3068 5 ha), địa điểm thực hiện ở các xã Minh Đức (Tứ Kỳ), Hồng Thái (Ninh Giang), An Lâm (Nam Sách). Năng suất thực thu giống Bio 404 đạt 80,22 tạ/ha (2,87tạ/sào), tương đương với giống đối chứng Thục Hưng 6. Giống Hương ưu 3068 đạt 82,9 tạ/ha (2,96 tạ/sào), cao hơn giống lúa Thục Hưng 6 đối chứng 2,8 tạ/ha. Chất lượng gạo của 2 giống lúa lai trong mô hình đều cao hơn so với giống đối chứng: cơm mềm, vị đậm, có mùi thơm nhẹ. Các giống lúa lai có khả năng chống chịu khá với một số sâu bệnh hại chính như sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu, bệnh đạo ôn, có khả năng kháng bệnh bạc lá; có khả năng chống đổ tốt, thích ứng rộng.
Giống lúa thuần chất lượng cao T10 do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam chọn tạo có thời gian sinh trưởng ngắn (vụ xuân 130-135 ngày, vụ mùa 105-110 ngày); chất lượng gạo có nhiều cải tiến hơn so với giống lúa Bắc thơm số 7: cơm không ướt, vị đậm hơn, hương thơm ít thăng hoa nên mùi thơm còn giữ lâu hơn, cơm mềm và ngon hơn; nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn, khô vằn, nhiễm bạc lá mức trung bình (vụ mùa nhẹ hơn và bền lá hơn BT7), chống đổ và chịu rét khá. Giống lúa thuần chất lượng cao Nàng xuân do Công ty cổ phần nông nghiệp Nhiệt đới chọn tạo từ giống lúa thuần Trung Quốc, chất lượng gạo ngon, cơm mềm, vị đậm, có mùi thơm. Mô hình sản xuất giống lúa thuần với tổng diện tích 20 ha (trong đó Nàng Xuân: 10 ha, T10: 10 ha), địa điểm thực hiện ở các xã Bình Xuyên (Bình Giang), Hồng Thái (Ninh Giang), An Lâm (Nam Sách). Giống lúa thuần Nàng Xuân là giống có độ thuần cao, đẻ nhánh khoẻ, cứng cây, có lá đòng đứng, trỗ thoát nhanh và trỗ thoát cổ bông; năng suất thực thu trung bình của giống lúa Nàng Xuân đạt 64,32 tạ/ha ở vụ xuân (2,27 tạ/sào), cao hơn so với giống đối chứng Bắc thơm số 7 là 9,53 tạ/ha, đạt 60,19 tạ/ha ở vụ mùa (2,16 tạ/sào), cao hơn giống lúa đối chứng 9,05 tạ/sào. Giống lúa thuần T10 có năng suất thực thu đạt 58,55 tạ/ha ở vụ xuân, cao hơn so với đối chứng 3,75 tạ/ha, đạt 54,78 ở vụ mùa, cao hơn so với đối chứng 2,62 tạ/ha. Hai giống lúa thuần T10, Nàng Xuân đều nhiễm nhẹ với bệnh đạo ôn, khô vằn, sâu đục thân, cuốn lá, bị nhiễm rầy ở mức khá, có khả năng chống đổ tốt hơn giống đối chứng Bắc thơm 7.
Cùng với sản xuất các giống lúa thuần, lúa lai, ban chủ nhiệm dự án cũng triển khai xây dựng mô hình vùng sản xuất lúa nếp Quýt tập trung tại xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành. Kết quả mô hình sản xuất tập trung giống lúa đặc sản nếp quýt đã bước đầu khắc phục được những hạn chế trong sản xuất lúa tại địa phương: việc chỉ đạo phòng bệnh tập trung, áp dụng 3 đúng nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, năng suất mô hình đạt 43,06 tạ/ha.
Năm 2013, dự án tiếp tục triển khai ở vụ xuân với qui mô thực hiện 80 ha và vụ mùa với quy mô 60 ha, tại các xã: Hùng Thắng, Hùng Sơn, Minh Đức, Hợp Tiến, Phú Điền. Kết quả vụ xuân vừa qua, năng suất các giống lúa lai và lúa thuần tại các xã như sau: Lúa lai Bio 404 đạt 76-78 tạ/ha, Nghi Hương 2308 đạt 76-80 tạ/ha; lúa thuần T10 đạt 55-57 tạ/ha, TBR 45 đạt 61-63 tạ/ha, Nàng Xuân đạt 56-58 tạ/ha.
Mô hình sản xuất một số giống lúa hàng hóa ở tỉnh Hải Dương đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Đây là tiền đề để xây dựng các khu sản xuất tập trung giống lúa mới đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và có thị trường tiêu thụ. Việc hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu chung xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Anh Nguyên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây