Chim Trĩ đỏ được nuôi tại hộ gia đình. Xuất phát từ việc nuôi chim cảnh làm thú vui, anh Nguyễn Đình Quỳnh (xã Long Xuyên, huyện Kinh Môn) đã mạnh dạn nuôi chim cảnh để kinh doanh và đã thành công.
Trang trại nuôi chim cảnh của anh Nguyễn Đình Quỳnh nuôi 2 loại chim cảnh là chim Trĩ đỏ và chim Công. Năm 2009, anh Nguyễn Đình Quỳnh nuôi chim Trĩ đỏ với mục đích làm cảnh. Sau một thời gian, thấy nuôi chim Trĩ đỏ khá đơn giản, không tốn thức ăn, chim có khả năng sinh sản cao nên anh bắt tay vào nuôi chim Trĩ đỏ phục vụ mục đích kinh doanh. Anh Quỳnh cho biết: "Mình làm kinh tế từ con chim Trĩ đến nay cũng được 4 năm. Xuất phát từ việc nuôi chim Trĩ làm cảnh, sau thấy con chim Trĩ sinh sản tốt nên mình chuyển sang làm kinh tế. Loài này dễ nuôi vì thức ăn đơn giản như nuôi gà, chỉ có thóc, ngô, rau. Vì là động vật hoang dã đưa về thuần dưỡng nên chim Trĩ có sức đề kháng cao hơn so với các loại gia cầm như gà, vịt, ngan".
Nói về hiệu quả kinh tế từ nuôi chim Trĩ, anh Quỳnh cho biết: Nuôi chim Trĩ giống cho hiệu quả kinh tế cao. Khởi đầu công việc với 4 cặp chim Trĩ được mua với giá 2,5 triệu đồng/cặp, đến nay, gia đình anh đã có hơn 100 con chim Trĩ bố, mẹ. Mỗi năm, đàn chim Trĩ bố, mẹ sản sinh được hơn 1.000 con chim Trĩ giống để cung cấp cho thị trường. Giá bán của chim Trĩ giống được 1 tuần tuổi là 50.000 đồng/con, còn chim Trĩ hậu bị có giá 450.000 - 500.000 đồng/con. Thu nhập từ chim Trĩ khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
Hiện nay, anh Quỳnh nuôi giống chim Trĩ đỏ, thời gian tới sẽ mở rộng sang nuôi giống chim Trĩ xanh và chim Trĩ trắng. Bên cạnh đó, anh cũng sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ chim Trĩ, không chỉ giới hạn ở cung cấp chim Trĩ giống mà còn cung cấp chim Trĩ cảnh và nuôi thương phẩm.
Cùng với nuôi chim Trĩ đỏ, anh Quỳnh cũng thành công với nuôi chim công. Sau khi có được tiền lãi từ nuôi chim Trĩ đỏ, anh mua 4 cặp chim Công với giá 15 triệu đồng, đến nay, trại chim Công của anh đã lên đến 20 con chim bố, mẹ để phục vụ bán chim Công giống. Do chim Công hiện nay chủ yếu được nuôi làm cảnh, ở các hộ gia đình, các trang trại, khu nhà vườn, các khu du lịch sinh thái, trung tâm bảo tồn, đối tượng khách hàng là những người có thu nhập cao. Trong khi đó, nguồn cung cấp chim Công trên thị trường Việt Nam còn rất hạn chế, vì vậy giá thành của loài chim này khá ổn định và ở mức cao. Hiện nay giá bán chim Công giống là 3 triệu đồng/đôi chim mới nở được 1 tháng; chim Công độ tuổi 4-5 năm có giá bán là 25 triệu đồng/cặp. Do có khả năng sinh sản tốt, tỉ lệ ấp nở thành công khá cao, bình quân 1 chim mái mỗi năm có thể thu về từ 20-30 triệu đồng từ việc bán con giống.
Về kỹ thuật chăm sóc: chim Công là loại ăn tạp, thức ăn chủ yếu là thóc, ngô, rau xanh. Chim Công mới nở ra có khả năng tự ăn như gà con, thức ăn sử dụng 100% cám tổng hợp dùng cho gà. Khi chim được 30 ngày tuổi có thể cho ăn kết hợp thêm với ngô, thóc nghiền và các loại rau xanh thái nhỏ như rau muống, rau cải... Đến khi chim 6 – 8 tháng tuổi có thể nuôi ngoài chuồng lớn nền cát. Đến khi chim đạt độ tuổi trưởng thành dùng cám tổng hợp của gia cầm (cám dùng cho gà đẻ), kết hợp với thực phẩm bổ sung là ngô, thóc, các loại rau xanh. Trong quá trình nuôi, có thể bổ sung cám tổng hợp làm thức ăn cho chim công, tuy nhiên không cho ăn quá nhiều cám tổng hợp chim sẽ mất dần sức đề kháng tự nhiên, đồng thời giảm sắc tố bóng đẹp của màu lông. Do chim công là động vật hoang dã nên sức đề kháng tốt, ít khi gặp bệnh và cách điều trị cũng đơn giản. Tuy nhiên, để tránh rủi ro trong quá trình nuôi, nên tiêm phòng các loại vắc-xin theo định kỳ. Trong quá trình nuôi nên chú ý đến việc vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng định kỳ tại chuồng nuôi và khu vực phụ cận.
Nuôi chim Trĩ và chim Công là một nghề mới, mang lại giá trị kinh tế cao, vừa góp phần bảo tồn nguồn gen các loài động vật hoang dã. Xét về mặt kinh tế, nuôi chim Trĩ và chim Công hiện đang là lĩnh vực còn mới trên địa bàn tỉnh nên cho hiệu quả kinh tế cao. Để chăn nuôi hiệu quả, các hộ cần tièm hiểu kỹ về nhu cầu của thị trường và nắm bắt tốt kỹ thuật trong quá trình chăm sóc trước khi mở rộng quy mô nuôi chim cảnh.
Mọi người có nhu cầu về giống, kỹ thuật nuôi chim Trĩ và chim Công làm cảnh có thể liên hệ theo địa chỉ:
Anh Nguyễn Đình Quỳnh, xã Long Xuyên, huyện Kinh Môn
Điện thoại: 0936 370 999
Anh Nguyên