Từ vải Lục Ngạn nghĩ về vải Thanh Hà

Tiêu thụ vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: BHD Thực tế chúng tôi thấy cách làm của huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang có nhiều điểm cần học tập để làm tăng giá trị của vải thiều Thanh Hà.
Từ vải Lục Ngạn nghĩ về vải Thanh Hà
Dân chăm chút làm giàu từ vải
Đến huyện Lục Ngạn những ngày này gặp cảnh tắc đường vì mua, bán vải thiều là chuyện bình thường. Trên những con đường chính chạy qua huyện, hàng nghìn xe ô-tô tải, xe máy nối đuôi nhau chở vải thiều đến các cửa hàng, đại lý kinh doanh để bán vải. Người lao động ở các điểm thu mua bận bịu với việc làm sạch, đóng gói, vận chuyển vải lên các xe tải. Những quả vải thiều chín mọng, hồng hào, trông rất bắt mắt.
Trong các vườn vải, người dân vừa miệt mài thu hái vải chín, vừa cắt tỉa, vệ sinh, chăm sóc vải sau thu hoạch. Người dân ở đây chỉ để cây vải cao chừng 3 - 4 m cho dễ chăm sóc, thu hoạch. Rất nhiều hộ dân ở Lục Ngạn có nguồn thu chính từ cây vải. Ông Trần Văn Tiến (ở thôn Chão Sơn cũ, xã Giáp Sơn) có 300 cây vải thiều, dù năm nay sản lượng vải không cao nhưng giá bán khá cao. Ông Tiến phấn khởi cho biết: "Ngày 12-6, giá bán vải thiều loại 2 (loại trung bình) khoảng 18 nghìn đồng/kg. Ngày 11-6, tôi bán vải thiều loại 1 (loại đẹp nhất) với giá 23 - 27 nghìn đồng/kg. Năm nay, tôi dự kiến thu lãi khoảng 100 triệu đồng từ tiền bán vải". Vào tận vườn vải mới thấy người dân địa phương nói chung và ông Tiến chăm chút vải thế nào. Quanh các gốc vải, cỏ được dọn sạch sẽ. Người dân còn cắm cọc để đỡ những chùm vải nặng. Mỗi năm, ông Tiến bón phân cho vải 2 lần.
Ở huyện Lục Ngạn, nhiều hộ dân thu lãi hàng trăm triệu đồng từ vải thiều, giàu lên nhờ cây vải.
Chính quyền nỗ lực hỗ trợ việc tiêu thụ
Làm nên những vụ vải thiều thắng lợi ở Lục Ngạn không chỉ có công sức của người trồng vải mà còn có vai trò lớn của cấp ủy, chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh. Các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả để sản xuất, tiêu thụ vải thiều đạt kết quả tốt nhất. Theo ông Nguyễn Duy Chiu, Phó Chủ tịch UBND xã Giáp Sơn, hằng năm, UBND xã đều thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến, tiêu thụ vải thiều. Vụ này, xã phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác cung ứng cho người trồng vải hơn 300 tấn phân bón theo hình thức trả chậm. Ngay sau khi thu hoạch, UBND xã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tỉa cành, tạo tán, chăm sóc vải, định hướng người dân canh tác vải theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trong nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Lục Ngạn đã có nhiều biện pháp để tìm thị trường tiêu thụ cho vải thiều. Ông Lâm Văn Mật, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: "Hằng năm, UBND huyện đều thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến, tiêu thụ vải thiều và phân công một đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo này phân công nhiệm vụ cho một bộ phận để sẵn sàng tư vấn, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu muốn tìm hiểu thị trường, giao thương tại địa phương. Năm nay, huyện thành lập 2 tổ công tác phòng, chống gian lận thương mại kết hợp với phân luồng giao thông. Lực lượng công an bố trí 10 đội để bảo đảm an ninh trật tự tại các xã". Vào vụ thu hoạch vải năm nay, huyện phối hợp với Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đưa vào sử dụng dây chuyền xử lý làm sạch vải quả và làm cho mẫu mã đẹp hơn. Huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự khi thu hoạch vải thiều.
Công tác xúc tiến thương mại được huyện Lục Ngạn thực hiện bằng nhiều hình thức, có hiệu quả rõ rệt. Huyện đã tích cực quảng bá thương hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân... Các thông tin về vải thiều được cập nhật, đăng tải thường xuyên trên website của UBND huyện. Huyện thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đi khảo sát tình hình thị trường, cơ chế, chính sách của các nước nhập khẩu vải, làm việc với các địa phương có cửa khẩu với Trung Quốc để tạo thuận lợi cho vải thiều xuất khẩu. Mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các cửa khẩu, thành phố lớn, giúp khách hàng nhận biết vải thiều Lục Ngạn, tránh nhầm lẫn với loại vải khác. Từ thực tế sản xuất, kinh doanh vải, UBND huyện nắm rõ các khó khăn để đề xuất với cấp trên tháo gỡ. Năm nay, UBND huyện Lục Ngạn đã đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang cần làm việc với tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai cho phép thương nhân Lục Ngạn được hưởng chế độ cấp giấy thông hành qua biên giới Việt - Trung trong mùa thu hoạch vải như những người dân có hộ khẩu tại vùng biên giới.
Giá bán được cải thiện
Những nỗ lực của người dân, chính quyền, các ngành chức năng đã giúp quả vải Lục Ngạn có mẫu mã bắt mắt, chất lượng ngon, "đầu ra" khá thuận lợi, giá bán vải được cải thiện đáng kể. Theo quan sát của chúng tôi, nhìn chung vải thiều Lục Ngạn quả to, vỏ màu đỏ hơn vải thiều Thanh Hà. Theo UBND huyện Lục Ngạn, vụ vải năm 2012, huyện có hơn 1.000 điểm thu mua vải, khoảng 40% sản lượng tiêu thụ ở nội địa, 60% xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Cam-pu-chia, Lào, Ốt-xtrây-li-a, một số nước châu Âu. Riêng thị trường Trung Quốc tiêu thụ 54% tổng sản lượng vải toàn huyện. Hiện nay, vải Lục Ngạn đã đăng ký bảo hộ sản phẩm tại 5 nước và vùng lãnh thổ là: Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Đài Loan. Do vậy, tiềm năng tiêu thụ vải thiều ở các thị trường này còn nhiều. Ngoài tiêu thụ tươi, vải thiều còn được chế biến đóng hộp, sấy khô. Thị trường mở rộng là yếu tố quan trọng để nâng cao giá bán vải thiều, qua đó cải thiện thu nhập người trồng. Năm 2012, giá bán vải thiều Lục Ngạn trung bình đạt 17 nghìn đồng/kg, trong đó vải loại 1 có giá 18 - 38 nghìn đồng/kg, vải loại 2 giá 13 - 17 nghìn đồng/kg, vải loại 3 có mức 7 - 12 nghìn đồng/kg. Giá bán vải chín sớm (u hồng, u trứng, lai Thanh Hà) ở mức 16 - 20 nghìn đồng/kg. Theo khảo sát của chúng tôi vào sáng 12-6-2013, vải thiều loại 1 bán ở Lục Ngạn cao nhất là 27 - 28 nghìn đồng/kg, vải loại 2 là 18 nghìn đồng/kg.
Chạnh lòng nghĩ về vải Thanh Hà
Trong những năm qua, tỉnh ta nói chung và huyện Thanh Hà nói riêng đã có sự quan tâm đến sản xuất, tiêu thụ vải, mong muốn giá bán vải được cải thiện, thu nhập người trồng nâng lên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thiếu những giải pháp đồng bộ, thực sự hiệu quả để mở rộng thị trường tiêu thụ. Huyện Thanh Hà còn kém huyện Lục Ngạn ở nhiều việc, đặc biệt là việc tìm "đầu ra" và tổ chức sản xuất vải theo VietGAP. Điều này cũng có một phần nguyên nhân do giá bán vải ở mức thấp trong nhiều năm, người trồng vải không có lợi nhuận nên không đầu tư chăm sóc khiến năng suất, chất lượng giảm sút, rồi tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn là giá thấp, chất lượng hàng hóa cũng thấp.
Những năm vải "mất giá", nông dân huyện Thanh Hà phải chặt vải để chuyển sang trồng ổi, quất. Năm 2010, huyện có 4.950 ha vải nhưng đến nay chỉ còn khoảng 3.930 ha (giảm gần 21%). Nhiều nông dân không chăm sóc vải nên năng suất vải quả thấp, mẫu mã xấu. Theo UBND huyện Thanh Hà, vụ đông xuân 2012 - 2013, toàn huyện có 229 ha vải không được chăm sóc. Việc sản xuất vải VietGAP ở Thanh Hà mới chỉ ở những năm đầu, diện tích còn rất ít.
Theo ông Nguyễn Lương Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), công tác xúc tiến thương mại cho vải thiều Thanh Hà có khó khăn do thiếu kinh phí, đặc biệt là việc xúc tiến ở nước ngoài. Ngoài ra, mẫu mã sản phẩm chưa cao, chưa tạo được sức hút trên thị trường. Nhiều sản phẩm xấu trà trộn làm mất uy tín, thương hiệu vải thiều Thanh Hà. Ông Ngọc nhận định: "Công tác xúc tiến thương mại cho vải thiều ở Thanh Hà kém hơn so với Lục Ngạn. Nhìn chung, thị trường vải thiều Thanh Hà hiện nay vẫn bị thả nổi, do người dân tự sản xuất, tự tìm đầu ra nên giá cả thấp hơn vải thiều Lục Ngạn".
Ông Nguyễn Ngọc Loãn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà nhận định: "Mẫu mã vải thiều Lục Ngạn nhìn đẹp hơn, quả to hơn, người dân Lục Ngạn chăm chút cây vải hơn. Tuy nhiên, vải thiều Thanh Hà thơm ngon, ngọt hơn, cùi trắng, hạt nhỏ hơn. Trước đây do hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều người đã chặt cây vải để trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như quất, ổi. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, nông dân bắt đầu quay lại chăm sóc cây vải". Huyện Thanh Hà cũng đã tổ chức những chuyến khảo sát thị trường trong nước, nước ngoài, giới thiệu sản phẩm ở nhiều hội chợ, triển lãm... Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này chưa cao, kết quả là thị trường tiêu thụ vải quả hạn hẹp. Vụ vải năm nay, huyện Thanh Hà chỉ có 13 điểm đăng ký thu mua vải chính thức và hơn 30 điểm tự phát. Theo khảo sát của chúng tôi vào sáng 12-6, vải loại 1 ở Thanh Hà chỉ có giá cao nhất là 16 nghìn đồng/kg, vải loại 2 là 14 nghìn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với ở Lục Ngạn.
Thực tế sản xuất, tiêu thụ vải ở huyện Lục Ngạn nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung cũng còn những khó khăn, hạn chế. Nhưng không thể phủ nhận một điều là họ đang làm tốt hơn ta nhiều. Các cơ quan chức năng trong tỉnh, đặc biệt là huyện Thanh Hà cần học tập kinh nghiệm hay của huyện Lục Ngạn để phát huy thế mạnh của mình làm tăng giá bán và lợi nhuận của người trồng vải.
Ninh Tuân - Minh Nguyệt (Báo HD)

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây