Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Tiến sỹ Nguyễn Quý Tân. Ảnh Ngọc Hùng Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân, một nhà nho, trí thức chân chính vừa là một nghệ sĩ quê hương Hải Dương, ngày 28/3, tại Bảo tàng tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương) đã tổ chức Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiến sĩ Nguyễn Quý Tân". Tham gia hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia về lĩnh vực sử học tỉnh, Viện Sử học Việt Nam cùng hậu duệ đời thứ 5 của Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân.
Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân (1814 – 1858), tự là Đỉnh Trai, hiệu là Túy Tiên, biệt hiệu là Tẩn Tiên Đình cư sĩ, thường được gọi là cụ nghè Tân. Ông sinh ra và lớn lên trong một dòng họ có truyền thống hiếu học và khoa bảng tại làng Thượng Cốc, tổng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang nay thuộc xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Thủy tổ của dòng họ là cụ Nguyễn Khắc Hải, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh Nguyên Niên, làm quan đến chức Tham chính, phụng sự phương Bắc. Cha ông là Nguyễn Quốc Thực với 4 lần thi Hương nhưng chỉ đỗ Tú tài còn gọi là Tú đụp nên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Quý Tân học tập. Năm 29 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Nhâm Dần, niên hiệu Thiệu Trị 2 (1842), làm quan tới chức Tri phủ, sau xin từ chức ngao du đây đó. Cũng có thời làm Thanh tra liêm sát quan lại ở Bắc Kỳ. Ông trực tính, ngay thẳng, gần dân, ưa làm việc thiện, sống liêm khiết, thanh cao nên được nhân dân trong và ngoài tỉnh nể phục, tôn kính. Sinh thời, ông đã có nhiều cống hiến lớn cho lĩnh vực văn học, giáo dục. Ông đã dùng ngòi bút tài hoa của mình đả phá thói xấu của quan lại, bênh vực dân nghèo, bán nhà riêng để công đức phục dựng miếu làng.
Tại hội thảo đã có 16 tham luận đã làm rõ hơn về quê hương, dòng họ, thân thế sự nghiệp, những giá trị tư tưởng của ông thông qua các di sản còn để lại; đồng thời, đánh giá thực trạng nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể liên quan đến vị Tiến sĩ từ đó đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị.
Bảo Ngọc
Tại hội thảo đã có 16 tham luận đã làm rõ hơn về quê hương, dòng họ, thân thế sự nghiệp, những giá trị tư tưởng của ông thông qua các di sản còn để lại; đồng thời, đánh giá thực trạng nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể liên quan đến vị Tiến sĩ từ đó đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị.
Bảo Ngọc