Đông Dương Tự - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia

Nói đến Hải Dương, nhiều người thường dùng tên gọi xứ Đông. Và nói đến văn hoá xứ Đông, hẳn không thể không nói đến hệ thống đình, đền, chùa, miếu mang đậm dấu ấn lịch sử và bản sắc văn hoá xứ Đông. Nằm trong hệ thống di tích lịch sử làm nên nền văn hoá xứ Đông rạng rỡ ngàn năm ấy, có Đông Dương Tự, ngôi chùa cổ tại huyện Tứ Kỳ, đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia từ năm 1994. Sau 20 năm được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia, Đông Dương Tự hiện vẫn là ngôi chùa ẩn chứa những giá trị lớn về lịch sử và thẩm mỹ.
Đông Dương Tự - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia
Đông Dương Tự là tên gọi theo cách dùng từ Hán Việt của chùa Đông Dương. Người dân nơi đây vẫn thường gọi tên chùa Lâm, bởi chùa nằm trên vùng đất thôn Phúc Lâm, xã Minh Đức. Nhân dân địa phương cũng thường gọi nôm bằng tên chùa Trong, để phân biệt với một ngôi chùa khác nhỏ hơn phía sau làng, tên là chùa Ngoài. Chùa Trong, tức Đông Dương Tự có nghĩa là ngôi chùa quay về hướng Đông, hướng mặt trời mọc lên. Và ngôi chùa Ngoài được gọi tên là Mãn Nguyệt Tự, ngôi chùa hướng về phía mặt trăng, khi trời chiều ngả bóng. Nói về tên gọi của nó để thấy được rằng, có một sự cân bằng và đối xứng trong cách đặt tên của ngôi chùa, trong lối kiến trúc hài hoà của người xưa.
Cũng như các ngôi chùa khác của việt Nam, Đông Dương Tự là ngôi chùa thờ Phật dòng Đại Thừa. Chùa được xây dựng từ thời Lê (khoảng năm 1600) và có sự đóng góp tiền của, công đức của vị tướng thời Lê là Nguyễn Thế Mĩ, người có công khắc dựng bia công đức để tại chùa.
Theo Văn bia khắc dựng năm Đức Long (1632), Nguyễn Thế Mĩ, tự là Vạn Phúc, là người xã Đoàn Xá, tổng Mạc Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Ninh Giang, nay là xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ông là vị tướng tài ba được Vua vô cùng yêu mến và tin dùng: " Nay nghe ở xã Đoàn Xá, huyện Tứ Kỳ có bậc bề tôi có công phù vua giúp nước, được đặc tiến phong Kim tử Vinh lộc đại phu – trong Vương phủ đã từng làm Nội giám, Đô sát giám, Tổng thái giám, Chưởng giám sự, Phải quận công (...) Là bậc bề tôi tài giỏi, tôn quý như Lý Thường Kiệt đã làm rạng rỡ cho triều Lý, danh tướng vinh hiển khắp nơi."
( Trích Bia chùa Đông Dương).
Năm Quý Hợi (1623), Nguyễn Thế Mỹ vâng mệnh Vua, cầm quân đánh giặc giữ nướcvà được thăng chức Đại nguyên soái thống quốc chính sư phụ thanh Vương. Trở về cung đình, ông chấn chỉnh lại quân đội, sau đó lệnh cho toàn bộ lực lượng binh mã chiến thuyền thuỷ bộ đồng loạt tiến công. Bốn biển sạch bóng quân thù, nhân dân được sống trong cảnh thanh bình, Nguyễn Thế Mỹ được vua phong thưởng rất hậu, công danh tuy vinh hiển nhưng ông vẫn khiêm nhường, phú quý mà chẳng khinh mạn, kiêu căng.
Ông đã cùng vợ là bà Lê Thị Đào, hiệu là Từ Tính, lấy ruộng đất của mình chia cho dân cày cấy. Những năm phục vụ triều đình, ông đã đóng góp tiền của, công sức để tu bổ chùa Đông Dương khang trang và to đẹp. Dân làng ghi nhớ công ơn sâu nặng của Nguyễn Thế Mỹ đã lập sinh từ để thờ phụng tế lễ. Bởi lẽ: " Người xưa có công ở một thời, vinh hiển ở một nơi, thế mà người ta còn tìm đến để phụng thờ tế lễ. Huống hồ cha ông ta có công với xã tắc, đức để lại cho dân, lẽ nào ta không lập miếu đình phụng thờ, để xuân thu bốn mùa, Người được hưởng sự báo đáp ân huệ của thiên hạ được chăng"
Như vậy, Đông Dương Tự là ngôi chùa thể hiện thành tâm của nhân dân ghi nhớ công đức của vị tướng có công lớn với triều đình, một nhân vật trong lịch sử dựng nước và giữ nước bốn ngàn năm của dân tộc Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Pháp, chùa còn là cơ sở liên lạc của du kích, nhiều cán bộ địa phương đã lấy đây là cơ sở để hoạt động cách mạng. Vì vậy, chùa còn là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm, in đậm trong tâm trí của nhân dân địa phương về những ngày kháng chiến hào hùng của dân tộc.
Cùng với ý nghĩa lịch sử, Đông Dương Tự còn là một di tích nghệ thuật điêu khắc. Trước cửa chùa có tấm bia đá cổ được chạm khắc tinh xảo, đó chính là cổ vật có giá trị. Bia được làm vào tháng 2 năm Đức Long thứ 4; cao 2,25m, rộng 1,33m; được chia làm 2 phần: thân và chân bia. Mặt trước bia, trên trán bia có chạm khắc đôi rồng chầu mặt nguyệt, ghi rõ tên chùa với nét chữ đẹp được khắc sâu vào tới 1cm, khoảng cách giữa các chữ đều có hoa văn trang trí. Phía dưới phần giáp chân bia có đôi rồng và những cánh sen liên hoàn, hai bên điểm hoa dây trang trí. Mặt phía sau: Trên trán bia cũng khắc đôi rồng chầu mặt nguyệt, nhưng khác mặt trước là chỉ chạm phần đầu rồng còn toàn bộ thân rồng ẩn vào trong đá. Phần đuôi ở phía cạnh bia với đường nét khoẻ chắc, riềm bia vân hoa dây liên hoàn mềm mại, phía dưới bia có một loạt cánh hoa sen. Hai bên cạnh có trang trí hai đôi con rồng đấu đuôi vào nhau, đôi trên đầu trán bia chầu mặt nguyệt, ở dưới trán bia có chữ Huệ Điền lớn. Những đường nét được chạm khắc tinh xảo nhờ bàn tay tài hoa của những người thợ cách nay gần bốn thế kỷ đã tạo nên một khối đá sống động, cảm giác như đôi rồng đang uốn lượn, những cánh hoa vẫn tươi thắm, sự nặng nề của đá không còn, chỉ còn lại màu của thời gian trên các đường nét và con chữ. Chân bia: Là một phiến đá liền dài 1,62m, rộng 1,23m, cao 32cm được trang trí bằng 6 lớp cánh sen với 64 cánh, mỗi cánh sen lại có những cánh hoa nhỏ ở trong, cánh en dài 15cm, rộng 17cm đỡ lấy thân bia, tạo cho bia một thế vững chắc và bề thế. Tấm bia thời Lê này còn nguyên vẹn đã giúp cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu nghệ thuật thời Lê và khẳng định giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật của nó.
Vượt qua những đống đá tảng, dấu vết của một ngôi chùa cũ mà đường kính cột không dưới 40cm, ta đến sân chùa, bước lên tam cấp là bái đường.
Nhà bái đường gồm 3gian, mới được tu sửa lại, được bố trí theo kiểu kèo cầu cánh bóng, mái lợp ngói tây, hiện nhà bái đường có để một cỗ kiệu cùng với đôi hạc gỗ, đó là hiện vật của đình bị phá, nhân dân mang gửi vào chùa, phía trong có 3 cửa vào chính điện.
Chính điện của Đông Dương Tự là 3 gian kiến trúc kiểu con chồng đấu kê, hai đầu dư chạm khắc hình rồng, các đầu bẩy có chạm khắc hoa lá sinh động, đặc biệt gian giữa có hai bức cốn trang trí nghệ thuật điêu khắc thời Lê rất quý, bộ mái gồm xà gồ, cầu phong, ly tô đều bằng gỗ lim chắc chắn, mái lợp ngói còn tốt. Toàn bộ ba gian chính điện bầy kín tượng Phật, có thể khẳng định rằng đây là một kho tượng cổ, thể hiện nghệ thuật tạo tượng ở trình độ cao. Với 29 pho tượng bầy kín 3 gian, mỗi pho một phong cách với những nét mặt phúc hậu, đường nét hài hoà, nhiều pho tượng có niên đại sớm, các bệ hoa sen mềm mại, cánh sen được chuốt dài, khoẻ đã thể hiện nghệ thuật điêu khắc tài tình của các nghệ nhân xưa.
Phía bắc của chùa còn 5 tháp sư. tháp được xây bằng gạch, tường bao quanh bị đổ, giờ đây cây xanh đã được trồng tốt, tạo cảnh đẹp cho chùa.
Di tích chùa Lâm với tấm bia thời Lê, với vài chục pho tượng và những bức điêu khắc gỗ còn lại xứng đáng là nơi lưu giữ nền nghệ thuật điêu khắc với đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa, những người đã sống cách chũng ta ngót 4 thế kỉ.
Xây dựng từ thời Lê, cách ngày nay hàng mấy trăm năm, được dựng lên ở vùng chiêm trũng của đồng bằng Bắc Bộ, luôn có thiên tai, điển hình là bão lụt. Chính vì vậy mà di tích đã được tu sửa nhiều lần. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Đảng và chính phủ, nhân dân địa phương đã dỡ bớt đi phần lớn kiến trúc của chùa, chỉ để lại phần hậu cung. Hoà bình lập lại, nhân dân đóng góp công của tu sửa lại phần hậu cung và tiến hành bảo quản tượng Phật cùng đồ thờ tự của các di tích khác gửi vào. Chính vì vậy mà di tích hiện nay còn khá tốt, không bị dột nát, đảm bảo được việc gìn giữ các giá trị của cha ông.
Năm 1983, Ty văn hoá Hải Hưng (nay là Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương) có tổ chức hội nghị khảo cổ học trưng bày tại trung tâm triển lãm tỉnh, và tấm bia cổ vinh dự được có mặt tại triển lãm, cũng chính vì thế mà mọi người biết đến chùa Lâm, một ngôi chùa cổ ẩn mình ở vùng sâu, xuất phát từ giá trị của tấm bia, để thực hiện việc bảo quản chu đáo để giới thiệu lâu dài cho khách tham quan du lịch trong và ngoài nước, tỉnh đã quyết định đem tấm bia về giới thiệu tại bảo tàng tỉnh.
Được sự quan tâm của UBND tỉnh và huyện, Đảng bộ và chính quyền địa phương cùng nhân dân địa phương đang tu sửa tôn tạo lại di tích cho khang trang như nó đã có trong lịch sử.
Là nơi sinh họat tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, hàng tháng vào những ngày rằm và mùng một, nhân dân thường đến lễ Phật, các ngày lễ thành hoàng được tổ chức vào ngày 1 tháng 2 (Âm lịch) hàng năm tạo không khí phấn khởi với nhân dân địa phương, góp phần giáo dục truyền thống và giá trị thẩm mỹ cho các thế hệ trẻ của quê hương.
Anh Nguyên

Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Bản tin KH&CN
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập207
  • Hôm nay31,067
  • Tháng hiện tại428,537
  • Tổng lượt truy cập2,257,563
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây