Vấn đề phản biện xã hội đã đưa ra thành chủ trương của Đảng từ Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006) là "Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội".
Tại Hải Dương, thời gian qua Tỉnh ủy đã triển khai đề án về "Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội giai đoạn 2011-2015". Để nhận thức đúng phản biện xã hội cả về lý luận và thực tiễn, nâng cao hiệu quả hoạt động phản biện xã hội ở Mặt trận tổ quốc các cấp, năm 2013, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương (MTTQ) đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu cơ chế phản biện xã hội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp ở tỉnh Hải Dương" do thạc sỹ Lương Anh Tế, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận làm chủ nhiệm đề tài.
Sau 1 năm thực hiện, đề tài đã chỉ ra những vấn đề cơ bản của phản biện xã hội như: khái niệm phản biện xã hội là một nhu cầu tất yếu để xây dựng xã hội dân chủ. Và nước ta đang phấn đấu xây dựng thành một nước xã hội chủ nghĩa dân chủ, công bằng, văn minh, vì thế phản biện xã hội cần được tổ chức thực hiện thành hoạt động thường xuyên và hiệu quả ở nước ta. Bản chất của phản biện xã hội thực chất là hình thức thực hành dân chủ, để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, được tham gia cào quá trình quản lý xã hội từ việc tham gia hoạch định chính sách, đến việc thực hành chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhân dân thực hiện phản biện trực tiếp thông qua việc thực hiện Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở, ở đó nhân dân được trực tiếp bàn bạc, tham gia ý kiến vào những quyết sách của chính quyền cơ sở.
Ban chủ nhiệm Đề tài đã khảo sát 1.800 phiếu dành cho cá nhân, 300 phiếu dành cho tổ chức ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đại diện cho các đối tượng công tác ở các lĩnh vực và các tổ chức thuộc khối Đảng, đoàn thể, cơ quan quản lý nhà nước. Kết quả điều tra khảo sát cho thấy, hầu hết các tổ chức, cá nhân đã nhận thức về phản biện xã hội khá rõ nét, hoạt động phản biện xã hội như tổ chức hội nghị, đóng góp ý kiến, trao đổi...đã tạo được không khí dân chủ, tập trung trí tuệ của tập thể, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao. Trên cơ sở nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài xây dựng cơ chế phản biện xã hội của MTTQ tỉnh, với mục đích góp phần xây dựng và thực hiện có hiệu quả sự lãnh đạo của các cấp, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội. Theo cơ chế này, hoạt động phản biện xã hội phải bảo đảm những nguyên tắc: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; tôn trọng ý kiến cá nhân; tập trung, dân chủ; bảo đảm tính khách quan, khoa học; tuân thủ pháp luật. Chủ thể của phản biện xã hội là Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp; đối tượng phản biện là các quyết định quản lý của chính quyến các cấp (bao gồm các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội);....Bên cạnh đó, đề tài đã đề xuất một số giải pháp để thực hiện có hiệu quả Quy chế phản biện xã hội vào dự thảo Chỉ thị của Tỉnh ủy về việc thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội ban hành theo Quyết định số 217/QĐ-TƯ ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.
Để hoạt động phản biện xã hội có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Mặt trận tổ quốc các cấp phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng kế hoạt phản biện xã hội hằng năm. Đồng thời, đề nghị UBND các cấp bảo đảm kinh phí để MTTQ thực hiện kế hoạch phản biện hằng năm.
Hòa Thuận