Đền Long Động (còn gọi là Đền thờ Lưỡng Quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi) nằm tọa lạc ngay đầu làng Long Động, thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, là nơi thờ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi cùng các danh nhân họ Mạc.
Đền Long Động có một khu đất cao với khuôn viên viên rộng rãi thoáng mát, cây cối quanh năm xanh tốt. Tòa hậu cung gian thứ nhất được bố trí một hương án trên có bát hương đá thời Nguyễn. Với hoa văn rồng chầu nguyệt và những hoa văn vân tản rất sinh động, ngoài ra còn một số đồ tế tự khác. Gian thứ hai của tòa hậu cung được bố trí ngai thờ và tượng thờ Ngai và tượng thờ chính giữa là ngai và tượng Mạc Đĩnh Chi, bên trái là ngai thờ và bài vị cụ Mạc Hiển Tích, bên phải là ngai thờ và bài vị cụ Mạc Kiến Quan. Năm 1992 Đền được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Sử sách xưa ghi lại, Mạc Đĩnh Chi tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động (hay Long Động), huyện Chí Linh (nay thuộc huyện Nam Sách,tỉnh Hải Dương), là người thông minh nhất mực, năm Giáp Thìn (1304) dưới triều vua Trần Anh Tông mở khoa thi, Mạc Đĩnh Chi thi đậu Trạng Nguyên. Năm 1346, Mạc Đĩnh Chi mất, Để tỏ lòng nhớ ơn một người con của quê hương mình, nhân dân đã xây dựng đền thờ, hàng năm mở hội tế lễ vào ngày 10 tháng 2 âm lịch để tưởng nhớ một người con quê hương giàu văn chương, mạnh khí phách nêu gương sáng cho con cháu muôn đời học tập.
Theo các bậc cao niên trong làng, trước cách mạng tháng tám năm 1945, Lễ hội được diễn ra từ ngày 9 đến hết 15/2 Âm lịch gọi là "Vào đám". Trọng hội là 2 ngày 10 và 11/2. Từ năm 1992 Lễ hội có tên gọi là Lễ hội Đền Mạc Đĩnh Chi. Sau 10 năm, năm 2002 gọi theo địa danh, quê hương của quan Trạng là Lễ Hội Đền Long Động cho đúng với ý nghĩa của đền thờ các danh nhân họ Mạc đều là những nho sỹ thời Lý, thời Trần, đã để lại cho nhân dân ta một tấm gương sáng về lòng hiếu học, tự tôn dân tộc, tinh thần làm chủ đất nước mà lịch sử đã ghi nhận từ bao thế kỷ nay. Đó là Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi một "Nhân vật kỳ tài trong lịch sử văn học nước nhà, niềm tự hào của tri thức Việt Nam. Tài ứng đối văn giàu văn chương, mạnh khí phách của ông khi đi sứ đã làm rạng danh Đại việt". Đó là 2 vị Tổ của Mạc Đĩnh Chi là cụ Mạc Hiển Tích và Mạc Kiến Quan.
Đền Long Động ngày nay không chỉ thờ 3 danh nhân họ Mạc đều là những người rất uyên bác về văn thơ, giư các chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Lý, nhà Trần. Đền còn là nơi đã ghi lại các sự tích hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp của địa phương, nhất là hoạt động của nữ liệt sỹ anh hùng Mạc Thị Bưởi đã ghi vào lịch sử dân tộc. Do đó, những năm gần đây Lễ hội Đền Long Động càng thêm rõ nét ý nghĩa truyền thống đặc sắc của quê hương rất đáng tự hào.
Trải qua biến cố thăng tầm của lịch sử, Lễ hội nay được tổ chức với tên gọi là "Lễ hội truyền thống mùa xuân" tổ chức mở 3 ngày (Từ ngày mồng 9 đến hết ngày 11/2 Âm lịch), nhân dân địa phương, khách thâp phương về dự hội rất đông, các nghi lễ như làm lễ dâng hương, rước kiệu thánh, các màn tế lễ, các sản vật được dâng lên làm lễ thánh mang đậm nét văn hóa truyền thống, tâm linh của cha ông. Nhân dịp lễ hội con cháu trong dòng tộc họ Mạc, nhân dân, khách thập phương tỏ lòng cung kính, thành tâm công đức để trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi ngày càng to đẹp, xứng tầm với công danh, cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Lễ hội Đền Long Động không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, thờ cúng tổ tiên, cầu an khang thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, hoặc ai đó sau những năm lo toan cuộc sống, bộn bề công việc về vui lễ hội để thư thái ngắm cảnh vùng đất thiêng 9 rồng chầu cho tâm hồn vơi đi những phiền muộn, mà về với lễ hội còn là cốt lõi thể hiện sự tôn vinh các nhân vật lịch sử - Danh nhân văn hóa đất nước, về với lễ hội còn là dịp xum họp cộng đồng, cùng nhau ôn lại truyền thống văn hóa lịch sử tốt đẹp của quê hương, đất nước, khơi dậy niềm tự hào noi gương các bậc tiền nhân, đoàn kết phát huy truyền thống vẻ vang xây dựng cuộc sống ấn no hạnh phúc.
Ông Nguyễn Văn Lục, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Tân cho biết, trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử Lễ hội truyền thống mùa xuân đền Long Động vẫn lưu giữ và phát huy những truyền thống quí báu đặc sắc ngày xưa để lại. Đồng thời tích cực đổi mới nội dung, hình thức lễ hội hàng năm đạt hiệu quả cao hơn. Nhiều phong tục cổ truyền được duy trì như: Nghi lễ tế và rước, dâng lễ vật xôi gà, hoa quả quả trong đó rước và dâng hương là tiêu biểu hơn cả. Duy trì các trò chơi dân gian: chọi gà, cầu thùm, đập niêu, các trò diễn chèo và có thêm nhưng ca khúc hát mới...Qui mô lễ hội như hiện nay là vừa phải phù hợp với thời đại mới. Đồng thời bỏ một số tục lệ không phù hợp như: làm lễ chia giáp, phân cấp, tế lợn cũi, tục kiêng kị, tục ăn kiêng, tục ăn uống chia phần; Tục đánh bệt và các trò chơi đấu vật, đánh đu, hát đúm, hát cửa đền.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách thập phương về dự lễ hội, những năm gân đây, Chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm tới công tác quản lý lễ hội như: tổ chức lễ hội thường niên, duy trì tốt các các phong tục, nghi lễ, tìm tòi sưu tập các nghi lễ, các trò chơi dân gian khôi phục để cho lễ hội phong phú đa dạng hơn. Tổ chức tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di tích, di sản văn hóa để nhân dân hiểu sâu sắc có ý thức trách nhiệm chung cả về vật chất và tinh thần.
Mỗi dịp lễ hội chúng ta lại được ôn lại những truyền thống tốt đẹp của cha ông, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc tinh thần hiếu học, lòng tự tôn dân tộc, là dịp cho nhân dân hưởng thụ văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, hướng cho con người đến với những truyền thống tốt đẹp của cha ông. Đây là nơi lưu giữ, lan tỏa những tinh hoa của dân tộc cho muôn đời sau.Thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hãy phát huy những thành quả to lớn, những di sản văn hóa, và truyền thống, nhân văn của người Việt Nam, cùng có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp cho hôm nay và cho muôn đời sau.
Hòa Thuận