ĐỀ TÀI
TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC GIAI ĐOẠN
2001 - 2005 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
Chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Nguyễn Hữu Oanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương.
1. Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2001-2005.
1.1. Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, tạo cơ sở phát triển nguồn nhân lực toàn diện về thể chất, trí tuệ.
Mạng lưới cơ sở y tế từ tỉnh đến cơ sở bao gồm: Tuyến tỉnh có 6 khu điều trị, tổng quy mô là 1.370 giường bệnh, 6 trung tâm y tế dự phòng, 1 trường Trung học Y tế, 1 phòng Giám định y khoa. Tuyến huyện có 12 Trung tâm Y tế huyện, thành phố 13 bệnh viện và 6 phòng khám đa khoa khu vực với 1.260 giường bệnh. Tuyến xã có 263 Trạm y tế xã, phường với qui mô 1.050 giường bệnh và hiện có trên 1.400 nhân viên y tế thôn. Ngoài ra còn có các cơ sở y tế khác của Trung ương và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Tỉnh đã làm tốt công tác dân số, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên hàng năm đều giảm. Hằng năm giảm tỷ suất sinh thô 0,22%o, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,98%.
Các mục tiêu bảo vệ bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hoá gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng, loại trừ bệnh phong, phòng chống sốt rét, lây nhiễm HIV/AIDS, sốt xuất huyết, lao, thiếu i ốt, chăm sóc sức khoẻ tâm thần cộng đồng... đều đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. 100% đơn vị máu được sàng lọc HIV, tỷ lệ quản lý và điều trị bệnh nhân AIDS đạt 90%. Năm 2005 có 65% cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng lên. Mạng lưới y học cổ truyền tuyến tỉnh, tuyến huyện tương đối đảm bảo yêu cầu về số lượng, chất lượng. Tăng tuổi thọ bình quân và thể chất của nhân dân ngày càng nâng cao.
1.2. Phát triển giáo dục nâng cao dân trí, tạo cơ sở xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao.
Hệ thống trường lớp, số lượng học sinh luôn giữ được ổn định và phát triển; việc đa dạng hoá các loại hình trường lớp, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao.
Bậc học mầm non có 282 trường, đều là trường bán công, tư thục. Toàn tỉnh tỷ lệ huy động cháu đi mẫu giáo 87,9% (so với mục tiêu tăng 7,9%); tỷ lệ huy động cháu đi nhà trẻ đạt 40,2% (tăng 0,2% so với năm 2001), riêng trẻ 5 tuổi đến lớp đạt tỷ lệ huy động 99,94%.
Bậc học tiểu học có 279 trường, tỷ lệ trẻ 6 tuổi huy động vào lớp 1 đạt 100%. Tỷ lệ học sinh bỏ học không đáng kể. Tỷ lệ học sinh xếp loại khá, giỏi ở các lớp thay sách giáo khoa cao hơn so với các lớp chưa thay sách giáo khoa 30%. Hiện có 57,8% số học sinh học 2 buổi/ngày.
Bậc học trung học: Cấp trung học cơ sở (THCS) có 273 trường đều là công lập, 262/263 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ cập, nâng tỷ lệ người có độ tuổi từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS từ 85,4% tăng lên 96,49%. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt 41,2%. Cấp trung học phổ thông (THPT) hiện có 45 trường, trong đó có 28 trường công lập, 12 trường bán công, 5 trường dân lập. Năm học 2004 - 2005 tỷ lệ lớp công lập là 59,5%,; tỷ lệ lớp bán công trong trường công 9,1%.
Toàn tỉnh có 12 trung tâm giáo dục thường xuyên ở 12 huyện, thành phố, hàng năm thu hút từ 700 - 1000 học viên bổ túc THCS, trên 10 ngàn học viên bổ túc THPT, trong đó có trên 1 ngàn học viên là người lao động.
Toàn tỉnh có 136 trường đạt chuẩn quốc gia (10 trường mầm non, 111 trường tiểu học, 14 trường THCS, 1 trường THPT). Kết quả đạt thấp so với mục tiêu đặt ra.
Tỷ lệ tốt nghiệp ở các cấp đều đạt trên 95%. Số lượng học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học hàng năm đều tăng.
Toàn tỉnh có 12 trường chuyên nghiệp, dạy nghề, trong đó, khối trực thuộc địa phương có 7 trường. Đã mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo mới phù hợp với nhu cầu xã hội như: tin học, điện, điện tử, cắt may, cơ khí, động lực, địa chính, kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 15.000 lao động. Tỷ lệ người lao động qua dạy nghề tăng từ 18,1% năm 2000 lên 26,6% năm 2005.
1.3. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh từ cơ sở
Phong trào xây dựng đời sống văn hoá phát triển mạnh mẽ; 30,3% số làng, khu dân cư được công nhận "Làng, khu dân cư văn hoá" (mục tiêu 25%); 73% số hộ gia đình được công nhận "Gia đình văn hóa"; trên 79% số làng (thôn), khu dân cư xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Một số lễ hội truyền thống được khôi phục. Hoạt động văn hoá từng bước được xã hội hoá. Công tác đào tạo cán bộ văn hoá thông tin, văn hoá - nghệ thuật đạt nhiều kết quả. Các thiết chế văn hoá cơ sở được xây dựng tăng đáng kể: 831 nhà văn hoá thôn, xã; 650 thư viện xã và trường học. Lĩnh vực văn hoá - nghệ thuật được quan tâm, đã xuất bản 60 đầu sách. Công tác quản lý văn hoá được chú trọng.
2. Phương hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2006-2010.
Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; đảm bảo 90 - 95% học sinh học hết bậc THCS được học tiếp, trong đó có 10 - 15% học ở các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
Nâng cao chất lượng các chương trình chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Hạ tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 18% vào năm 2010.
Tỷ lệ giảm sinh bình quân 0,2 - 0,30/00/năm; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 0,9%.
Năm 2010 có trên 90% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Hằng năm giải quyết, tạo việc làm cho 3 vạn lao động trở lên. Đến năm 2010 có trên 40% số lao động qua đào tạo.
100% số huyện có sân vận động trung tâm, thư viện được nâng cấp xây mới; 100% số xã, phường, thị trấn, khu dân cư có đủ thiết chế văn hoá, thể thao theo qui định; 50% số làng, khu dân cư, 90% số cơ quan, đơn vị, 80% số gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá.