Tổng kết chương trình giải quyết việc lam (2001-2005)

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2001-2005 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG THỰC HIỆN 2006 - 2010 CỦA TỈNH HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Nguyễn Hữu Oanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương.


1. Kết quả thực hiện chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2001 - 2005.

Thực hiện nhiều giải pháp huy động cả xã hội tham gia giải quyết việc làm. Đã giải quyết việc làm được cho 59.703 lao động thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, 9.595 lao động thông qua đề án cho vay vốn hỗ trợ việc làm và 17.092 lao động thông qua các hoạt động dịch vụ. Mỗi năm giải quyết việc làm cho gần 25.000 lao động (mục tiêu 15.000-20.000 lao động), trong đó đi làm việc ở nước ngoài trên 4.000 lao động/năm.

Có 57.744 lao động được dạy nghề và truyền nghề; đã mở 6.484 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 435.000 lượt nông dân; phát triển 22 làng nghề với tổng số tiền của 25 dự án là 1.016 triệu đồng; tạo việc làm và dạy nghề thêu ren, mộc, mỹ nghệ, may, gốm sứ... cho 2.965 lao động nông nghiệp nông thôn.

Cơ chế quản lý và điều hành chương trình thống nhất trong toàn tỉnh, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội hưởng ứng tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm. Các văn bản được ban hành kịp thời, thông thoáng trong triển khai thực hiện, nguồn lực cho các hoạt động được tăng cường, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đồng bộ. Công tác tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân về vấn đề giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.

Thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với các kết quả: ổn định việc làm, tạo thêm việc làm mới ở khu vực nông nghiệp, nông thôn cho 21.814 lao động; giải quyết việc làm theo chương trình phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng được 16,8535 lao động; giải quyết việc làm theo chương trình sắp xếp lại phát triển các ngành dịch vụ được 17.092 lao động.

UBND các xã, phường, thị trấn đã giúp đỡ người lao động làm các thủ tục, giấy tờ cần thiết, miễn thu các loại lệ phí,... để tạo thuận lợi cho người lao động đi xuất khẩu lao động. Ban chỉ đạo tỉnh đã trực tiếp cử đoàn cán bộ đi khảo sát tình hình lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia, Nhật Bản để có biện pháp mở rộng quy mô đưa người đi xuất khẩu lao động. Các Công ty xuất khẩu lao động gắn bó chặt chẽ với Đảng bộ, chính quyền địa phương và với từng gia đình, thực hiện các thủ tục nhanh gọn cho người đi lao động ở nước ngoài.

Trên địa bàn tỉnh có 28 cơ sở dạy nghề, trong đó có 9 trường tham gia dạy nghề (7 trường Trung ương quản lý, 2 trường trực thuộc tỉnh), tăng 15 cơ sở so với năm 2000. Ngoài ra, có khoảng 350 doanh nghiệp tự tuyển lao động và đào tạo nghề. Đã gắn kết hơn giữa đào tạo và giải quyết việc làm. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 15 ngàn lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 18,1% năm 2000 lên 26,6% năm 2005 (mục tiêu 25%).

2. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chính để giải quyết việc làm giai đoạn 2006 - 2010.

2.1. Mục tiêu:

Mỗi năm giải quyết, tạo việc làm cho 3 vạn lao động trở lên. Đến năm 2010 có trên 40% số lao động qua đào tạo. Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 4,5% và nâng thời gian lao động ở nông thôn lên từ 82-83% vào năm 2010. Cơ cấu lao động thuộc các ngành Nông, lâm, ngư nghiệp - Công nghiệp, xây dựng - Dịch vụ là 53% - 27% - 20% vào năm 2010.

2.2. Nhiệm vụ và giải pháp chính để giải quyết việc làm giai đoạn 2006 - 2010:

Mở rộng hệ thống và nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Kiện toàn tổ chức và đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề. Làm tốt công tác hướng nghiệp, nhất là cho học sinh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các trường chuyên nghiệp, dạy nghề, cơ sở đào tạo nghề gắn với xúc tiến và hỗ trợ giải quyết việc làm; liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp về đào tạo và sử dụng lao động. Quản lý chặt chẽ việc cho phép và tổ chức đào tạo hệ tại chức nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Phấn đấu tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng bằng bình quân chung của cả nước. Chú trọng đào tạo trên đại học với ngành nghề kỹ thuật cao. Có chính sách phát triển, bồi dưỡng, đào tạo, trọng dụng nhân tài. Nâng cấp Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) thành Trung tâm giới thiệu việc làm khu vực phía Bắc, Trường công nhân kỹ thuật thành Trường cao đẳng dạy nghề, xây dựng một số trung tâm dạy nghề cấp huyện. Củng cố, tăng cường hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng cơ sở. Phấn đấu mỗi năm có 3.000 lao động trở lên đi làm việc ở nước ngoài. Quản lý chặt chẽ hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động. Thực hiện tốt pháp luật về lao động và chính sách bảo hiểm xã hội. Quan tâm đến vấn đề nhà ở, phúc lợi văn hoá - xã hội đối với người dân.

Tập trung chỉ đạo một số chương trình phát triển kinh tế trọng điểm tạo nhiều việc làm, thu hút nhiều lao động như phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, mở rộng thâm canh tăng vụ, giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp nông thôn xuống còn 55%. Sắp xếp lại và phát triển các ngành dịch vụ gọn nhẹ.

Thực hiện các giải pháp hỗ trợ trực tiếp, bao gồm tổ chức các dịch vụ việc làm trong thị trường lao động như đăng ký tìm việc, cung cấp các dịch vụ việc làm miễn phí. Tổ chức cho vay vốn giải quyết việc làm và gắn liền cho vay với chuyển giao công nghệ, hướng dẫn cách làm ăn cho nông dân và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề truyền thống. Đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ có khó khăn, hỗ trợ bằng cách cho vay vốn để số lao động nữ khỏi mất việc làm do thiếu vốn.

Đưa công tác đào tạo lao động để xuất khẩu vào kế hoạch của các trường nghề, các trung tâm dạy nghề. Khuyến khích các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và người lao động cùng đầu tư đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây