Chủ nhiệm đề tài: BSCKI. Nguyễn Văn Út, Giám đốc Bệnh viện Y học Dân tộc tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Bệnh viện Y học Dân tộc tỉnh tỉnh Hải Dương.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Viện Dược liệu Trung ương; Viện Y học Dân tộc Trung ương; Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường; UBND huyện Chí Linh, Trung tâm Y tế Chí Linh, và UBND xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh.
Thời gian thực hiện: 1997-1998.
Đề tài được tổng kết.
I. MỤC TIÊU
Điều tra khảo sát thực trạng của Dược Sơn về lịch sử, đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, thuỷ văn, kinh tế - xã hội, cây làm thuốc. Trên cơ sở đó xây dựng đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển Dược Sơn thành vườn thuốc mẫu, nhân giống, bào chế phục vụ chữa bệnh, đồng thời là nơi di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh trong quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Nghiên cứu, điều tra về lịch sử vườn thuốc Dược Sơn:
Dược Sơn là núi đất pha cát sỏi, có độ cao 42 m so với mặt biển; tổng diện tích 10 ha, phần đỉnh rộng 1,8 ha, một phần chân núi là bờ sông Thi Đức còn có tên là Dược Linh Nam Tào, thuộc tổng Chi Ngãi, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, nay là thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh. Theo lịch sử và truyền thuyết, đây là vườn thuốc Quốc gia đầu tiên ở Việt Nam, gắn liền với một thời kỳ lịch sử của dân tộc mà Trần Hưng Đạo đã kỳ công xây dựng. Dược Sơn không chỉ là vườn thuốc đơn thuần mà còn là di tích lịch sử, văn hoá không thể thiếu trong quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc.
2. Điều tra về kinh tế - xã hội:
Xã Hưng Đạo (trong đó có thôn Dược Sơn) thuộc huyện Chí Linh, qua khảo sát cho thấy:
- Tổng diện tích của xã là 154.120 ha. Trong đó, đất đồi núi chiếm 215 ha, đất canh tác chiếm 5.246 ha. Dân số 5.120 người, lao động trong độ tuổi có 2.644 người, số cán bộ về hưu mất sức 86 người. Toàn bộ dân số là dân tộc Kinh, trình độ văn hoá cấp I và II chiếm 80%, cấp III chiếm 1%, đại học và trên đại học không có. Đời sống thấp, thu nhập chủ yếu là thuần nông và canh tác đồi rừng (chiếm 90%), các thu nhập do dịch vụ khác không đáng kể. Do ở gần khu vực đền Kiếp Bạc, hàng năm một số hộ thu nhập thêm từ kinh doanh, dịch vụ mùa trẩy hội. Thu nhập bình quân đầu người thấp, trung bình 250.000 đồng/người/năm (Bình quân cả huyện là 700.000 đồng/người/năm). Riêng thu nhập bình quân ở thôn Dược Sơn có khá hơn vì làm thêm dịch vụ khác như chuyên chở buôn bán, đánh bắt thuỷ sản dựa vào sông Thiên Đức.
- Cơ sở hạ tầng của xã còn nghèo nàn. 100% dân cư có điện sử dụng phục vụ thắp sáng. Đường vào đền Kiếp Bạc đang được nâng cấp thành đường nhựa, còn lại hầu hết là đường đất đồi cát sỏi tự nhiên, ngoằn ngoèo qua từng quả đồi cao thấp. Xã có 1 trường học, trong đó có 8 phòng học cao tầng, còn lại là nhà cấp 4.
- Về cơ sở y tế: Xã có 1 trạm y tế nhỏ với diện tích 100 m2, nhà cấp 4 với 5 giường bệnh và 5 cán bộ. Trong đó, có 2 y sỹ, 1 y tá và 2 y sỹ định hướng Đông y. Trang thiết bị nghèo nàn, có 2 máy đo huyết áp, 2 máy điện châm, 1 bộ đồ đỡ đẻ. Tuy vậy, số lượng bệnh nhân đến khám tại trạm xá khá đông, khoảng 2.800 lượt khám/năm. Tại xã chưa có lương y, lương dược, có 2 lương y chữa bệnh bằng kinh nghiệm gia truyền (không có giấy phép hành nghề). Rừng của thôn Dược Sơn bao quanh chân đồi, có 180 hộ dân, 1 lương y làm thuốc chữa bệnh (không có giấy phép hành nghề), lượng bệnh nhân trung bình hàng năm khoảng 100 người (cả trong và ngoài tỉnh). Trên đền Nam Tào có tổ trông coi đền được xã cắt cử, kèm theo một số kinh nghiệm dùng cây thuốc đã thu hái quanh khu vực bán cho khách thập phương đến thăm viếng. Mỗi gói thuốc gồm 25 - 30 vị, sao tẩm bào chế đơn giản để chữa các chứng cảm nhiệt, cảm hàn, mất ngủ, ăn không tiêu, đái rắt v.v...
Nhìn chung, về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, cơ sở y tế, cùng với việc khai thác Dược Sơn, sử dụng thuốc Nam của xã Hưng Đạo còn thấp so với yêu cầu và tiềm năng sẵn có.
3. Điều tra đất đai, thổ nhưỡng:
Vườn Dược Sơn gồm 2 quả đồi áp sát nhau, cách Kiếp Bạc 500 m về phía Tây Nam. Hiện nay, dân đã khai phá lấn vào sâu chân đồi, chỉ còn lại quả đồi chính rộng 1,9 ha, chiều dài 270 m, rộng 65 m, mặt đồi bằng phẳng, dốc nghiêng theo chiều dọc từ Tây Nam về Đông Bắc.
Kết quả phân tích thổ nhưỡng các mẫu đất đá ở các độ sâu khác nhau do trường Đại học Nông nghiệp I thực hiện cho thấy, đất đồi núi Dược Sơn là đất pha cát sỏi, cuội đỏ, đá vàng; thành phần cơ giới là đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát, đất hơi chua hoặc trung tính, hơi nghèo, độ mùn trung bình; lượng lân và kali trung bình, có tầng đất dầy nên tổng dinh dưỡng cao, cây sinh trưởng và phát triển tốt.
4. Điều tra khí tượng thuỷ văn:
- Qua biên soạn, tổng hợp các tài liệu khí tượng thuỷ văn vùng Dược Sơn cho thấy không có sự chênh lệch thời tiết trong khu vực, không xuất hiện những yếu tố khí hậu, thuỷ văn đột biến, bất thường. Khí hậu khu vực này chủ yếu ảnh hưởng khí hậu đồng bằng Bắc Bộ.
- Thời tiết khu vực Dược Sơn - Chí Linh diễn biến như các vùng phụ cận, có phần mát mẻ hơn.
5. Điều tra cây thuốc:
5.1. Thành phần loài cây thuốc phong phú:
Dược Sơn trước đây là núi thuốc với hàng trăm loại khác nhau, có lượng thuốc đủ chữa cho binh lính và dân địa phương. Nhưng hiện nay, qua khảo sát, Dược Sơn còn lại là ngọn đồi hoang hoá. Làng Dược Sơn ngày phát triển, lấn sâu vào chân đồi, người dân trồng cây ăn quả, không trồng cây thuốc. Ban Chủ nhiệm đề tài đã kết hợp với trường Cao đẳng Sư phạm, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Viện Nghiên cứu Dược liệu Trung ương, Viện Y học Dân tộc Trung ương tiến hành điều tra và thu được kết quả như sau:
Dược Sơn có 158 loài cây thuốc có thể sử dụng để chữa một số bệnh thông thường như:
- 15 loài chữa vết thương như bong gân, gẫy xương, vết thương phần mềm; đáng chú ý có cây Dược linh, mỏ quạ v.v...
- 51 loài dùng chữa bệnh tiêu hoá như đau dạ dày, ỉa chảy, nhuận tràng, lỵ, táo bón, chậm tiêu; đáng chú ý là cây bầu giác, sự cẩu, hàm ếch, cỏ Lào v.v...
- 18 loài chữa bệnh gan, mật như viêm gan siêu vi trùng, viêm gan mãn tính, xơ gan cổ trướng, bổ gan, lợi mật v.v... Đáng chú ý có bìm bìm, dừa cạn, hà thủ ô, găng trắng, đùm đùm.
- 13 loại chữa bệnh đường tiết niệu như viêm cổ tử cung, viêm đường tiết niệu sỏi thận, chứng thuỷ thũng. Đáng chú ý có mặt quỷ, khúc khắc, vú bò, gừng gió.
- 12 loài chữa bệnh hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, phổi. Đáng chú ý có đuôi hổ, bướm bạc, đơn châu chấu, bộ nấm v.v...
- 26 loài chữa bệnh thần kinh, cơ, xương, khớp như đau dây thần kinh, an thần, đau nhức xương khớp v.v...
- 9 loài chữa bệnh phụ sản như an thai, rối loạn kinh nguyệt, bệnh vú v.v... Đáng chú ý có cây vuốt hùm, hy thiêm. Ngoài ra, còn có các loại cây chữa sởi, răng, hàm mặt, da, mắt, tai, mũi, họng, đau đầu, hạ sốt, giải độc v.v...
5.2. Trữ lượng cây thuốc:
Nhìn chung số lượng cá thể ít, trữ lượng nhỏ, khoảng 500 - 600 kg.
5.3. Về phân bố, mật độ sinh sống của cây thuốc:
Phân bố không đồng đều, sinh sống phát triển tự nhiên, hoang dại còn sót lại, mật độ tập trung chủ yếu xung quanh vườn đồi, việc khai thác thu hái tuỳ tiện.
5.4. Việc quản lý, sử dụng, khai thác thuốc Dược Sơn:
Dược Sơn đã bỏ hoang hoá từ lâu, không ai quản lý. Cây thuốc còn lại sống hoang dại, không ai chăm sóc.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Đề tài đề xuất phương án quy hoạch nhưng không được cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư kinh phí phục hồi Dược Sơn.
Kết quả đạt được của đề tài mới chỉ dừng ở mức khảo sát và đánh giá.