Chủ nhiệm dự án: Dược sỹ Trần Văn Oanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược và Vật tư y tế Hải Dương.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Công ty cổ phần Dược và Vật tư y tế Hải Dương.
Thời gian thực hiện: Từ tháng 01 đến tháng 12 năm 2005.
Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.
I. MỤC TIÊU
- Hình thành vùng trồng gấc chuyên canh, đạt năng suất cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp.
- Tiếp thu công nghệ để sản xuất viên nang mềm dầu gấc, sản xuất thử sản phẩm viên nang mềm dầu gấc, tiến tới sản xuất trên quy mô công nghiệp.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Điều tra tình hình trồng gấc tại địa phương, xây dựng mô hình thâm canh cây gấc đạt năng suất, chất lượng và mô hình tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
- Qui mô điều tra: 2.091 hộ thuộc 69 thôn ở 24 xã. Ở mỗi huyện Tứ Kỳ, Nam Sách, Thanh Hà và Kim Thành điều tra 6 xã. Trong đó có 1.624 hộ trồng gấc.
- Kết quả điều tra như sau:
+ Về giống: trong số 1.624 hộ trồng gấc có 1.611 hộ trồng gấc nếp (chiếm 69%), 335 hộ trồng gấc tẻ (chiếm 21%), 174 hộ trồng gấc lai và một số giống gấc khác (chiếm 11%).
+ Năng suất gấc thu hoạch bình quân: 21,459 tấn/ha.
+ Thị trường tiêu thụ: chủ yếu là tại chỗ, làm thực phẩm để thổi xôi, một số được tiêu thụ cho cơ sở thu mua để chế biến màng gấc và ép dầu.
2. Xây dựng mô hình trồng và thâm canh cây gấc đạt năng suất, chất lượng.
- Triển khai xây dựng mô hình trồng gấc thâm canh tại 3 huyện: Kim Thành, Thanh Hà và Tứ Kỳ. Trong đó, đề tài đầu tư toàn diện là 6 sào ở 5 hộ và đầu tư một phần 21 sào ở 17 hộ.
- Kết quả mô hình trồng gấc có đầu tư toàn diện về giống, phân bón và vật tư làm cột bê tông để bắc giàn cho gấc leo:
Trong số 6 sào đầu tư toàn diện tại 5 hộ 5 sào gấc trồng trong vườn và 1 sào gấc trồng ngoài đồng. Sau khi trồng cây gấc phát triển tốt, tỷ lệ cây sống cao, sau 4 - 5 tháng cây gấc bắt đầu ra hoa, đậu quả. Cây gấc ít bị sâu bệnh. Năng suất quả gấc trồng xen canh trong vườn bình quân đạt 24,233 tấn/ha, trồng ngoài đồng đạt 21,667 tấn/ha.
- Kết quả mô hình đầu tư một phần giống và phân bón với quy mô 21 sào, tại 17 hộ:
Sau khi trồng cây phát triển tốt, tỷ lệ cây sống cao, sau 4 - 5 tháng trồng cây bắt đầu ra hoa, đậu quả, cây gấc ít bị sâu bệnh. Năng suất gấc thu hoạch 19,3 tấn/ha.
Kết quả thử nghiệm cho thấy năng suất gấc trồng trong vườn cao hơn gấc trồng ngoài đồng, kết quả đầu tư đồng bộ cao hơn đầu tư từng phần.
- Hoàn thiện qui trình: Sau kết quả thử nghiệm, Ban chủ nhiệm đề tài đã hoàn thiện quy trình trồng gấc thâm canh. Trong đó, khâu chọn giống, chọn đất, làm giàn leo được quan tâm hướng dẫn phù hợp với điều kiện địa phương.
3. Xây dựng mô hình tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Công ty đã tổ chức 15 điểm thu mua gấc tập trung tại 3 huyện Thanh Hà, Kim Thành và Tứ Kỳ tổng cộng được 310 tấn quả gấc. Trong đó, thu mua của các hộ tham gia dự án là 20 tấn, của dân trong vùng trồng triển khai dự án 290 tấn.
4. Áp dụng thiết bị công nghệ chế biến viên nang mềm dầu gấc.
- Nhập khẩu dây chuyền thiết bị sản xuất viên nang mềm do Công ty Chế tạo máy TECH WORLD (Hàn Quốc) cung ứng và lắp đặt.
- Tiếp thu công nghệ chế biến viên nang mềm dầu gấc:
+ Đã đào tạo được 20 công nhân kỹ thuật tiếp thu công nghệ và vận hành thiết bị sản xuất viên nang mềm dầu gấc do chuyên gia của đơn vị cung ứng thiết bị đào tạo và chuyển giao.
+ Ép dầu gấc làm nguyên liệu sản xuất viên nang mềm dầu gấc tại Công ty TNHH Dược phẩm Hải Linh và Viện Thực phẩm của Bộ Công nghiệp.
+ Sản xuất thử viên nang mềm dầu gấc trên dây chuyền thiết bị và công nghệ được chuyển giao với qui mô sản xuất là 3 mẻ, mỗi mẻ 20.000 viên do chuyên gia Hàn Quốc hướng dẫn; sản suất 2 mẻ với số lượng là 174.000 viên nang mềm dầu gấc do công nhân của công ty tự sản xuất, chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở.
5. Tuyên truyền quảng cáo giới thiệu sản phẩm.
Xây dựng một phóng sự về qui trình thâm canh cây gấc đạt năng suất cao, công nghệ sản xuất và công dụng của viên nang mềm dầu gấc và phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hải Dương. In 4.000 tờ rơi quảng cáo giới thiệu sản phẩm.