Thiết kế và chế tạo thiết bị lọc máu

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU THIẾT KẾ VÀ CHẾ TẠO THIẾT BỊ LỌC MÁU ĐỂ TRUYỀN MÁU HOÀN BỒI BẰNG HỆ THỐNG LỌC MÁU KÍN, MỘT CHIỀU CÓ SỬ DỤNG ÁP LỰC H-94  

Chủ nhiệm đề tài: BS. Lê Quý Hùng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: 1997 - 1998.

Đề tài được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

Những năm gần đây, số phụ nữ mắc căn bệnh chửa ngoài tử cung tăng cao. Trong đó, tỷ lệ người mất một lượng máu lớn chảy vào ổ bụng khá cao. Phẫu thuật cấp cứu để điều trị cầm máu là việc làm cấp bách. Bên cạnh đó, việc bồi phụ lại đủ máu cho họ là việc làm không thể thiếu và đóng vai trò quyết định. Trước tình hình đó, biện pháp hiệu quả nhất là thu hồi lại số lượng máu đã chảy vào ổ bụng để truyền lại cho người bệnh, gọi là phương pháp truyền máu hoàn bồi.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Phân loại về tuổi:

Qua nghiên cứu 30 bệnh nhân trong độ tuổi 22 đến dưới 45 lọc máu bằng H-94 cho thấy, bệnh nhân bị chửa ngoài tử cung đa số gặp ở lứa tuổi sinh đẻ 22 - 44.

2. Phân loại về nhóm máu:

Tỷ lệ những trường hợp có nhóm máu hiếm (nhóm AB) là 1/30 (3,4%), các trường hợp bị chửa ngoài tử cung vỡ, nhóm máu O là 10/30 (33,3%), nhóm máu A là 10/30 (33,3%), còn lại nhóm máu B là 9/30 (30%).

3. Phân loại theo thời gian từ khi khối chửa vỡ tới khi được mổ và lọc máu:

Trong số 30 bệnh nhân lọc máu bằng H 94 thì các bệnh nhân chửa ngoài tử cung vỡ được chuẩn đoán dưới 24 giờ.

4. Phân loại theo tần số mạch quay trước mổ:

Đa số các bệnh nhân chửa ngoài tử cung vỡ có mạch quay nhanh, thường từ 90 l/ph trở lên.

5. Phân loại theo huyết áp trước mổ (tính theo huyết áp tối đa):

Bệnh nhân bị chửa ngoài tử cung đều có huyết áp tụt thấp hơn so với bình thường.

6. Phân loại theo số lượng hồng cầu máu ngoại vi trước mổ:

Phần lớn bệnh nhân bị chửa ngoài tử cung vỡ có lượng hồng cầu trong máu ngoại vi dưới mức 3,8 triệu hồng cầu/1 lít máu.

7. Phân loại theo chỉ tiêu có chọc dò Douglas:

Số bệnh nhân có chọc dò để chẩn đoán, xác định chửa ngoài tử cung có tỷ lệ cao hơn số bệnh nhân không chọc dò. Trung bình cứ 30 bệnh nhân có chọc dò để chẩn đoán thì xác định được 18 người (60%). Không chọc dò chẩn đoán được 12 người (40%).

8. So sánh 2 phương pháp truyền máu hoàn bồi bằng thủ công:

- Phân loại theo lượng máu truyền hoàn bồi của 2 phương pháp: Số người thu gom máu với khối lượng lớn gặp ở phương pháp dùng H-94 thường nhiều hơn ở phương pháp thủ công.

- Phân loại theo tỷ lệ máu vỡ ra ổ bụng và máu thu gom lại được của 2 phương pháp: Sử dụng H-94 thì tỷ lệ máu thu gom được là 31.750 ml, bằng 90,85% lượng máu trong ổ bụng (lượng máu trong ổ bụng là 34.750 ml). Trong khi đó, ở phương pháp thủ công, tỷ lệ máu thu gom được là 24.050 ml, bằng 52,40% lượng máu trong ổ bụng (lượng máu trong ổ bụng là 45.900 ml).

- Phân loại theo mức độ thu gom máu nhiều nhất và ít nhất trên mỗi bệnh nhân của 2 phương pháp: Lượng máu thu gom trên mỗi bệnh nhân ở phương pháp dùng H-94: người cao nhất 2.700/2.750 ml, người ít nhất 250/260 ml. Còn với phương pháp thủ công: người cao nhất 1.700/2.800 ml, người ít nhất 250/260 ml.

- Lượng máu thu gom trung bình của mỗi bệnh nhân theo hai phương pháp: Phương pháp thủ công là 802 ml, còn phương pháp dùng H-94 là 1.052 ml.

- Phân loại theo vấn đề có phải truyền thêm máu đông loại hay không của 2 phương pháp: Số người truyền máu hoàn bồi bằng H-94 không ai phải truyền thêm máu đông loại, trong khi ở phương pháp thủ công là 7/30.

9. Phân loại theo thời gian thu gom máu:

Phương pháp thu gom máu thủ công thường từ 15 - 20 phút. Trong khi đó, phương pháp dùng H-94 chỉ từ 3 - 5 phút, tiết kiệm được rất nhiều thời gian để thu gom máu trong ổ bụng, rút ngắn được thời gian phẫu thuật.

10. Diễn biến trong hậu phẫu:

Cả 2 phương pháp truyền máu tự thân nên tỷ lệ biến chứng sau mổ là rất thấp. Ở phương pháp dùng H-94 không có hiện tượng vàng da nghi do tan vỡ hồng cầu. Ở phương pháp H-94 số bệnh nhân trung tiện sớm có tỷ lệ cao hơn, vi lượng máu được bồi phụ đủ nên các hoạt động chức năng của cơ thể nhanh hồi phục hơn. Mặt khác, các thao tác lấy máu ít phải tác động đến ruột, không gây hiện tượng liệt ruột.

11. Sử dụng kháng sinh sau mổ:

Loại kháng sinh: cả 2 phương pháp đa số các bệnh nhân sau lọc máu chỉ dùng các loại kháng sinh thông thường: Penicilin, Gen tamyxin.

Sự phối hợp kháng sinh của 2 phương pháp: Số bệnh nhân truyền máu hoàn bồi bằng phương pháp sử dụng H-94 chỉ dùng đơn thuần một loại kháng sinh mà vẫn an toàn hơn hẳn so với phương pháp thủ công.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả nghiên cứu chủ yếu được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, do nhiều yếu tố kỹ thuật, đề tài chưa được áp dụng rộng rãi ở các bệnh viện khác trong tỉnh.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây