Triển khai trồng Cây Trinh Nữ Hoàng Cung

ĐỀ TÀI TRIỂN KHAI TRỒNG CÂY TRINH NỮ HOÀNG CUNG TỪ CẤY MÔ TẠI HẢI DƯƠNG VÀ ỨNG DỤNG TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH U PHÌ ĐẠI LÀNH TÍNH TUYẾN TIỀN LIỆT TRÊN LÂM SÀNG  

Chủ nhiệm đề tài: BSCKI. Phạm Thị Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: 2004-2005.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.

I. MỤC TIÊU

- Triển khai trồng 2000 m2 cây Trinh nữ Hoàng cung (TNHC) từ nuôi cấy mô tại Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) và huyện Chí Linh. Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng hoạt chất của cây;

- Nghiên cứu bào chế bài thuốc từ lá cây TNHC để điều trị bệnh U phì đại lành tính tuyến tiền liệt trên lâm sàng tại Hải Dương;

- Đánh giá tác dụng phụ của bài thuốc.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN.

A. TRIỂN KHAI TRỒNG CÂY TNHC TỪ NUÔI CẤY MÔ TẠI HẢI DƯƠNG

1. Kết quả trồng cây TNHC tại Bệnh viện YHCT Hải Dương.

1.1. Kết quả trồng 720 m2 TNHC tại Bệnh viện YHCT Hải Dương năm 2004 theo quy trình Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao:

Tỷ lệ nẩy mầm: Tiến hành trồng thí nghiệm 2 đợt vào ngày 25/3/2004 và ngày 25/8/2004. Sau khi trồng được 30 ngày thì cây bắt đầu mọc và đến 50 ngày thì cây mọc hoàn toàn. Giống cây TNHC được lấy ở vườn ươm của Trung tâm Ứng dụng TBKH đem trồng tại vườn Bệnh viện YHCT có tỷ lệ sống tương đối cao, đạt 91%, mỗi tháng một cây thường ra thêm được 3 - 4 lá bánh tẻ. Tháng 11 mùa rét cây ngừng sinh trưởng, không ra lá, thời gian phát triển và ra lá của cây kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, số lá tối đa trung bình/cây đạt 28 lá, Cây TNHC không thấy có nấm bệnh phá hoại trong suốt quá trình sinh trưởng thường bị sâu xám, sâu khoang phá hại toàn thân vào vụ xuân hè và vụ đông. Đã tiến hành phun thuốc Captan hoặc vô-pha-tốc với nồng độ 1 - 2% kết hợp bắt bằng tay, diệt trừ hoàn toàn loại sâu. Năng suất thực tế tại Bệnh viện YHCT đạt 28 kg lá khô/sào (đối với cây giống đem trồng vườn ươm có tuổi là 20 tháng). Cây giống 8 tháng tuổi đem trồng đạt năng suất 6 kg lá khô/sào.

1.2. Kết quả chăm sóc 720 m2 cây TNHC năm 2005 tại Bệnh viện YHCT.

Tốc độ ra lá: Cây trồng tại Bệnh viện theo qui trình đạt số lá cao hơn chỉ bón phân vi sinh. Năng suất dược liệu lá TNHC khô (kg/ô =1 sào): Năng suất TNHC chăm sóc theo qui trình năm 2004 (37 kg/sào) cao hơn lô bón phân vi sinh (19,2 kg/sào).

1.3. Kết quả ươm cây TNHC từ bình cấy mô ra vườn ươm.

Tỷ lệ mọc mầm: Cây TNHC từ bình nuôi cấy mô sau khi ươm trồng tại vườn của Bệnh viện YHCT có tỷ lệ sống 75%. Cây TNHC có số lá và chiều cao đạt tiêu chuẩn cây giống để xuất cây ra vườn ươm.

2. Kết quả triển khai trồng cây TNHC tại xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh năm 2005 (trồng và chăm sóc theo qui trình xây dựng 2004):

Cây giống TNHC được tách từ gốc cây mẹ (trồng năm 2004) ở vườn của Bệnh viện YHCT đem trồng 2 đợt vào tháng 3 và 5 tại huyện Chí Linh trên diện tích 1.280 m2. Tỷ lệ mọc mầm, sống đạt 97,6%; tốc độ ra lá đạt trung bình 25 lá/1cây; năng suất 26 kg lá khô/sào. Vụ đông chưa cho thu hoạch vì sau khi trồng, cây mới hồi xanh thì đã bước vào thời kỳ ngủ đông, thân lá ngừng phát triển.

3. So sánh đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây TNHC giữa các công thức phân bón:

TNHC trồng và chăm sóc theo qui trình xây dựng năm 2004, cây sinh trưởng, phát triển và năng suất đạt trị số cao nhất. Quy trình Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao đạt trị số thấp hơn. Quy trình chăm sóc bằng một loại phân vi sinh đạt trị số thấp nhất. Vùng đồng bằng cây sinh trưởng tốt hơn và năng suất cao hơn miền núi.

4. Phân tích hàm lượng hoạt chất lá TNHC trồng tại Hải Dương (kiểm nghiệm tại Viện Dược liệu - Hà Nội).

Hàm lượng Alcaloid toàn phần của lá cây: ở miền núi Chí Linh cao hơn trồng tại đồng bằng; chăm sóc theo qui trình xây dựng năm 2004 cao nhất, TNHC thu hoạch năm thứ hai cao hơn năm thứ nhất là 0,02%, thu hoạch vào mùa hè cao hơn mùa đông.

B. NGHIÊN CỨU BÀO CHẾ THUỐC TỪ LÁ CÂY TNHC VÀ ÁP DỤNG ĐIỀU TRỊ

1. Nghiên cứu bào chế thuốc chữa bệnh.

1.1. Phương pháp bào chế thuốc chữa bệnh.

Bài thuốc được bào chế theo 3 phương pháp:

Bào chế thuốc sắc trực tiếp: Cho 20 g lá khô vào ấm, sắc 2 lần trong 1 ngày, mỗi lần đổ 200 ml nước lạnh vào sắc trực tiếp nhỏ lửa trên bếp, lấy 100 ml/1 lần nước thuốc, 2 lần lấy 200 ml nước thuốc trộn vào đóng làm 2 túi, mỗi túi 100 ml đem định lượng hàm lượng Alcalcoid toàn phần.

Bào chế thuốc sắc cách thuỷ: cho 20 g lá khô vào ấm sắc 2 lần trong ngày. Mỗi lần đổ 200 ml nước lạnh vào sắc cách thuỷ lấy 100 ml nước thuốc. Sắc 2 lần trộn vào đóng làm 2 túi, mỗi túi 100 ml đem định lượng hàm lượng Alcaloid toàn phần.

Bào chế thuốc dưới dạng cao lỏng: đối với cao dược liệu khô thì chọn lá khô, không mốc, mọt. Còn cao dược liệu tươi thì chọn lá xanh, không nát, không úa, không bị sâu bệnh. Nấu cao theo phương pháp chiết xuất phân đoạn, chiết suất và cô cao bằng phương pháp bình thuỷ.

1.2. Kết quả phân tích và kiểm nghiệm chất lượng thuốc bào chế: Hàm lượng Alcaoid toàn phần và hiệu suất chiết suất của thuốc sắc cách thuỷ cao hơn sắc trực tiếp, của cao lỏng lá TNHC tươi cao hơn lá khô và sắc cách thuỷ.

2. Quy định liều dùng, cách dùng, liệu trình điều trị.

2.1. Quy định liều dùng, cách dùng: Liều dùng tương đương 20g lá TNHC khô/ngày. Thuốc sắc cách thuỷ: bệnh nhân uống sáng 100ml, chiều 100ml. Thuốc cao: Bệnh nhân uống sáng 10ml, chiều 10ml.

2.2. Liệu trình điều trị: Năm 2004 điều trị cho 18 bệnh nhân bằng thuốc sắc cách thuỷ uống 21 ngày, nghỉ 1 tuần rồi uống tiếp 1 tuần; uống thuốc 4 đợt nghỉ 3 đợt, nghỉ 1 đợt là 1 tuần, tổng số ngày uống thuốc 63 ngày. Năm 2005 điều trị 22 bệnh nhân trong đó 11 bệnh nhân uống cao TNHC, 11 bệnh nhân uống thuốc sắc cách thuỷ. Thời gian uống thuốc: Uống 3 đợt, mỗi đợt 21 ngày, nghỉ 3 đợt mỗi đợt 1 tuần rồi lại uống tiếp 21 ngày; tổng số ngày uống thuốc là 63 ngày.

3. Áp dụng điều trị cho các bệnh nhân U phì đại lành tính tuyến tiền liệt.

3.1. Đặc điểm các bệnh điều trị:

Phân bố theo độ tuổi: Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh ít nhất ở độ tuổi 41 - 50 và cao nhất 66 - 75 tuổi. Phân bố theo nghề nghiệp: Tỷ lệ bệnh nhân là cán bộ nghỉ hưu 72,5%, làm ruộng 27,5%. Phân bố thời gian mắc bệnh tới khi điều trị: Bệnh nhân có biểu hiện từ 1 đến 3 năm đi điều trị có tỷ lệ cao nhất (50%). Còn lại số bệnh nhân có biểu hiện bệnh từ 4 - 5 năm đi điều trị chiếm tỷ lệ thấp nhất là 20%. Thăm trực tràng: Thăm khám bằng tay qua trực tràng khi vào viện 30 bệnh nhân có mật độ tuyến tiền liệt chắc chiếm 75%, 10 bệnh nhân mật độ mềm (chiếm 25%). Khi ra viện 40 bệnh nhân có mật độ mềm (chiếm 100%). Sau điều trị tuyến tiền liệt mềm đi nhanh, bệnh nhân bị bệnh ở thể thấp nhiệt nhiều nhất (chiếm 65%).

3.2. Kết quả điều trị:

Kết quả điều trị rối loạn tiểu tiện: có 39 bệnh nhân rối loạn nặng trước điều trị chiếm 97,5%, sau điều trị không có bệnh nhân nào rối loạn nặng. Các bệnh nhân rối loạn nặng đã chuyển thành rối loạn nhẹ và không rối loạn.

Mức độ chất lượng cuộc sống trước và sau điều trị: trước điều trị 92,5% bệnh nhân ở mức độ nặng, sau điều trị không có bệnh nhân ở mức độ nặng, chất lượng cuộc sống đạt kết quả tốt.

Về chỉ số huyết áp: sự thay đổi mạch, huyết áp trước và sau điều trị không có ý nghĩa thống kê. Sau điều trị: Huyết áp từ 110/70 - 140/80 mmHg ra viện có 33 bệnh nhân (chiếm 82,5%). Huyết áp 140/90 - 180/100 mmHg vào viện có 15 bệnh nhân (chiếm 37,5%), ra viện có 7 bệnh nhân (chiếm 17,5%). Huyết áp < 110/70 mmHg vào viện có 4 bệnh nhân (chiếm 25%), ra viện không có bệnh nhân nào huyết áp <110/70 mmHg. Như vậy, thuốc không có tác dụng xấu đến huyết áp mà ngược lại huyết áp đã có xu hướng về chỉ số bình thường.

Thể tích tuyến tiền liệt trước và sau điều trị: thể tích tiền liệt đã giảm tốt trong quá trình điều trị. Lượng nước tiểu tồn lưu trong bàng quang giảm nhanh trong quá trình điều trị.

Kết quả xét nghiệm sinh hoá, huyết học, nước tiểu, phân trước và sau điều trị cho thấy, ngoài tác dụng tiêu tổ chức xơ, thuốc còn có tác dụng giảm Cholesterol máu. Bệnh giảm, sức khoẻ bệnh nhân tăng. Thuốc không độc hại, không ảnh hưởng đến chức năng gan, thận và hệ tiêu hoá.

3.3. Đánh giá tác dụng phụ của thuốc:

Lần đầu uống thuốc có 2 bệnh nhân nôn nao kéo dài 10 phút rồi tự hết, lần sau giảm dần. Sau 4 lần uống thì bình thường. Có 1 bệnh nhân ngứa ngoài da không rõ nguyên nhân đã ngừng điều trị.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Sau khi công bố kết quả nghiên cứu, số người dân đi tìm cây TNHC trồng và tự chữa bệnh tăng đột biến. Nhiều cơ sở chữa bệnh bằng lá TNHC khô.

Ngoài thuốc sắc được bào chế từ cây TNHC cũng đã sản xuất được thuốc hoàn dẻo và chè uống.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây