ảnh minh họa, nguồn internet Trong năm 2012, và 6 tháng đầu năm 2013 tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm diễn biến rất phức tạp trên phạm vi cả nước. Dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm xảy ra ở nhiều tỉnh, làm thiệt hại rất lớn về kinh tế do gia súc, gia cầm ốm chết phải tiêu hủy, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi. Trên địa bàn tỉnh, dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng đã xảy ra ở một số địa phương.
- Dịch cúm gia cầm: Đầu tháng 02/2012 đến 23/3/2012, dịch cúm gia cầm xuất hiện ở 07 hộ chăn nuôi thuộc xã Ngô Quyền huyện Thanh Miện và 04 hộ chăn nuôi tại các huyện Ninh Giang, Gia Lộc làm ốm, chết, tiêu hủy 5.164 con gia cầm. Từ 16/7/2012 đến 22/7/2012 dịch tiếp tục xảy ra ở 08 hộ chăn nuôi tại thôn Tú, xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà làm chết và tiêu hủy 5.480 con gia cầm.
- Dịch lở mồm long móng gia súc: Từ ngày 12/3/2012 dịch lở mồm long móng xảy ra ở 02 hộ chăn nuôi lợn tại xã Cẩm Hoàng huyện Cẩm Giàng, số lợn ốm, chết, phải tiêu hủy ở 02 hộ là 29 con với trọng lượng là 2.126 kg.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chi cục Thú y đã chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp phòng dịch với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công bố dịch, ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như: Thực hiện tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh, thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời ngăn chặn vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh ra, vào địa phương, phun thuốc khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường, tiêm vác xin bao vây ổ dịch, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh, tuyên truyền vận động nhân dân, người chăn nuôi ký cam kết thực hiện "05 không" không giấu dịch, không mua gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm mắc bệnh, không bán chạy gia súc, gia cầm bệnh, không vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt bừa bãi xác gia súc, gia cầm bệnh ra môi trường; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Do tập trung chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh sớm ổn định, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ngoài ra, Chi cục Thú y đã triển khai nhiệm vụ tiêm phòng đến 12 huyện, thành phố, thị xã và tuyên truyền cho người chăn nuôi hiêu rõ hiệu quả của việc tiêm phòng. Kết quả như sau:
- Đối với đàn lợn: Tiêm phòng vác xin dịch tả lợn được: 1.245.022 liều (kể cả các trang trại), đạt tỷ lệ 79,80%. Tiêm phòng vác xin Tụ dấu được: 1.065.122 liều (kể cả các trang trại), đạt tỷ lệ 66,98%.
- Đối với đàn trâu, bò: Tiêm phòng vác xin Tụ huyết trùng trâu bò được: 32.810 liều. Tiêm vác xin Lở mồm long móng được: 63.325 liều
- Tiêm vác xin Dại cho đàn chó được 130.900 liều, ước đạt 85%.
- Đối với đàn gia cầm: Tiêm 97.500 liều vác xin H5N1 phòng, chống dịch cho đàn gia cầm.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong quá trình vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Chi cục thú y còn tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đã kiểm dịch lợn sữa xuất khẩu (tại 03 xí nghiệp giết mổ lợn sữa là Công ty TNHH Thắng Lợi, Công ty TNHH Long Thành và Công ty CP Hương Quỳnh Đăng) được 1.010.334 con. Trong đó số lợn đủ tiêu chuẩn giết mổ xuất khẩu 1.003.471 con, số loại thải 6.863 con. Kiểm dịch xuất tỉnh được: Lợn thịt 9.890 con, lợn giống 49.6062 con; gia cầm thịt và gia cầm giống được 810.970 con; thịt trâu, bò 11.629 kg; thịt lợn 28.159 kg; trứng gia cầm 1.492.688 quả; thủy sản thương phẩm 247.990 kg và một số sản phẩm động vật vận chuyển ra ngoài tỉnh. Kiểm dịch nội tỉnh: Tiến hành kiểm tra sản phẩm thịt lợn, gia cầm từ các huyện vận chuyển về thành phố Hải Dương phục vụ tiêu dùng hàng ngày được 458.698 kg, 132.110 quả trứng đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y;
Kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y: Công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm đã được triển khai và duy trì ở một số huyện, thành phố như: Thành phố Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Bình Giang, Chí Linh. Kết quả đã kiểm soát được: Trâu bò: 2.765 con; Lợn : 42.300 con; Gia cầm thịt: 157.200 con. Duy trì kiểm soát giết mổ lợn, gia cầm tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung Hoàng Long - thành phố Hải Dương, quá trình kiểm tra đã chấn chỉnh, nhắc nhở các chủ hộ chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn dịch bệnh ở gia súc, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Kiểm tra vệ sinh thú y: Chi cục thú y chỉ đạo Trạm thú y các huyện, thành phố, thị xã thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật bán tại chợ ở 97/137 chợ của 9/12 huyện, thành phố được thực hiện kiểm tra thường xuyên, hàng ngày với số lượng sản phẩm được kiểm tra quy ra con là: 7.425 con (trâu, bò, bê), 27.756 con lợn, 123.738 con gia cầm, quá trình kiểm tra đã phát hiện, xử lý 93 trường hợp không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y; thẩm định cấp 15 giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y đối với trang trại chăn nuôi, cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Thú y tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ thú y cơ sở: Tập huấn về nhiệm vụ phòng chống dịch tai xanh, cúm gia cầm, lở mồm long móng, giới thiệu một số bệnh mới ở gia súc, gia cầm, hướng dẫn các biện pháp phòng, trị cho thú y cơ sở xã, phường, các chủ trang trại, gia trại được 08 lớp, với 625 người tham dự; Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng kinh doanh thuốc thú y ở 12 huyện, thành phố, thị xã với số người học tập là 155 người; Phối hợp với các công ty thuốc thú y tổ chức 03 buổi hội thảo về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm với 685 lượt người tham dự.
Thời gian tới, Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương tăng cường công tác kiểm tra giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện bệnh sớm, nếu có dịch xảy ra phải tổ chức xử lý gia súc mắc bệnh còn ở trong diện hẹp và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định không để lây lan ra diện rộng. Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y nhằm ngăn chặn dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Quản lý tốt các điểm giết mổ lợn, trâu, bò. Hướng dẫn kỹ thuật đến người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học: Nuôi con giống sạch bệnh, thường xuyên vệ sinh tiêu độc, phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi, thực hiện chăm sóc nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng cho con vật. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân thấy rõ tác hại của dịch bệnh ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi và sức khỏe cộng đồng, chấp hành tốt các quy định của Pháp lệnh thú y về nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Ninh Hải