Sáng kiến-sáng chế 2015-08-27 12:26:36

Mang trong mình căn bệnh u máu giãn tĩnh mạch, nhưng em Vũ Đình Bắc, học sinh lớp 8A Trường THCS Bình Lãng (Tứ Kỳ) vẫn say mê sáng tạo. Em chính là tác giả của sáng chế máy xúc bảo vệ môi trường đã đoạt giải nhì trong cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh năm 2014-2015 do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học, kỹ thuật tỉnh tổ chức.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông lại phải chống chọi với bệnh tật nên từ nhỏ Bắc đã có dáng người thấp bé hơn các bạn cùng trang lứa. Ngôi nhà em ở gần triền đê sông Thái Bình nơi hằng ngày các xe chở cát, chở đá qua lại tấp nập. Mỗi ngày, sau giờ học, Bắc thường lên bờ đê chơi cùng các bạn. Nhìn thấy những chiếc máy xúc miệt mài lấy cát, đá đổ vào xe để chở đi các nơi, em thầm ngưỡng mộ người phát minh ra loại phương tiện này để giúp con người tiết kiệm sức lao động. Tuy nhiên, máy xúc có nhiều khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường. Điều này luôn thôi thúc Bắc tìm ra giải pháp khắc phục hạn chế đó. Trong một tiết học vật lý, khi được nghe cô giáo giảng về nguyên lý "bình thông nhau và máy nén thủy lực", Bắc đã nghĩ tới ý tưởng chế tạo chiếc máy xúc sử dụng năng lượng sạch. Từ đó, em bắt đầu lên kế hoạch thực hiện ý tưởng ở dạng mô hình. 

Mô hình máy xúc thu nhỏ do Bắc thiết kế có đầy đủ cấu tạo và tính năng như một chiếc máy xúc thật, nhưng lại hoạt động bằng điện của bình ắc quy sử dụng nguồn năng lượng mặt trời có thể bảo vệ môi trường và hạn chế tiếng ồn; sử dụng nguyên lý "bình thông nhau", truyền áp lực giúp cho gầu xúc hoạt động mà không cần tác động lực thông qua động cơ sử dụng nhiên liệu. Đây chính là điểm sáng tạo của Bắc khi áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế đời sống.

Mặc dù từ lúc nảy sinh ý tưởng, bắt tay vào thực hiện và hoàn thành sản  phẩm chỉ mất 2 tháng nhưng đó cũng là quãng thời gian khó khăn và nhiều lần Bắc muốn bỏ cuộc. Em chia sẻ: "Lúc đầu, em cũng nghĩ là dễ thực hiện nhưng khi triển khai thì lại phát sinh nhiều vấn đề do thiếu dụng cụ để lắp ráp. Em phải ra cửa hàng sửa xe máy để xin bình ắc quy, dây xích cũ, dùng xi lanh y tế thay thế các pít-tông, nối hệ thống đường điện và mua tôn về cắt hộp. Do thiếu kinh nghiệm nên các bộ phận không ăn khớp nhau, em phải làm lại nhiều lần. Nhiều lúc nản chí, muốn bỏ cuộc, nhưng được sự động viên của thầy cô bạn bè, em càng quyết tâm thực hiện bằng được". 

Cô Phạm Thị Thu, giáo viên dạy bộ môn vật lý và cũng là người trực tiếp hướng dẫn em Bắc thực hiện ý tưởng cho biết: "Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ thường xuyên đau ốm và chính bản thân em cũng có nhiều thiệt thòi hơn các bạn trong lớp nhưng Bắc rất chăm chỉ, sáng tạo trong học tập. Điều đó không chỉ dừng lại ở trong suy nghĩ mà em còn có những hành động thông qua sản phẩm cụ thể để biến ý tưởng thành hiện thực. Mô hình máy xúc do em Bắc thiết kế có thể chưa thật sự hoàn hảo nhưng mục đích bảo vệ môi trường của nó thì đáng trân trọng và được đánh giá cao. Hiện tại, mô hình này là giáo vụ trực quan để giảng dạy môn học vật lý tại trường. Nó không chỉ giúp học sinh dễ hiểu hơn môn học mà còn nhắc nhở các em có ý thức bảo vệ môi trường sống".

Niềm đam mê khoa học cùng với những nỗ lực không ngừng để đưa ý tưởng thành hiện thực của Bắc đã đạt thành quả xứng đáng. Sáng chế của em đã được một số chuyên gia đánh giá tốt, được đưa lên nhiều chương trình truyền hình về công nghệ như "7 ngày công nghệ", "Sáng tạo Việt".

Nói về dự định trong tương lai, Bắc cho biết sẽ cố gắng học tập, thi đỗ vào trường kỹ thuật, công nghệ để theo đuổi ước mơ chế tạo ra nhiều loại máy móc, thiết bị sử dụng nguyên liệu sạch, vừa nâng cao năng suất lao động, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Theo: Báo Hải Dương

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.