Thông tin SHTT 2011-05-09 13:57:03

Sau khi Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm Hoa Hồi Lạng Sơn, giá Hoa Hồi tăng từ 3.000 đến 5.000 đồng/1kg (năm 2007) lên từ 26.000 đến 28.000 đồng/1kg (năm 2010).

Phát triển cây hồi

Với tổng diện tích trên 33.000ha, trong đó trên 10.000ha đang cho thu hoạch, sản lượng hồi khô hàng năm của Lạng Sơn đạt gần 6.000 tấn.
Lạng Sơn được coi là "rốn" hồi của cả nước, tuy nhiên trong những năm qua có một thực tế đáng buồn là trong khi giá hồi bấp bênh, thị trường tiêu thụ "chập chờn" và chất lượng, sản lượng hồi cũng có xu hướng đi xuống.
Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở KH&CN Lạng Sơn thực hiện việc xây dựng và đăng ký bảo hộ tên gọi xuất xứ cho sản phẩm hoa Hồi.
Trên cơ sở các kết quả của dự án, Sở KH&CN Lạng Sơn đã tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm Hoa Hồi của tỉnh Lạng Sơn. Ngày 28/5/2007, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã công bố Quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm Hoa Hồi Lạng Sơn.
...Thành sản phẩm có thương hiệu
Trong khuôn khổ Chương trình 68 (Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp). Lạng Sơn đã thực hiện dự án "Xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn cho sản phẩm Hoa Hồi".
Dự án có tổng kinh phí thực hiện khoảng 4,5 tỷ đồng được thực hiện trong 3 năm (2007- 2010) ở 12 xã thuộc 6 huyện (Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định, Cao Lộc).
TS. Lường Đăng Ninh, chủ nhiệm dự án cho biết, mục tiêu của dự án là xây dựng và vận hành mô hình quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn cho sản phẩm Hoa Hồi để từ đó đề xuất mô hình mẫu áp dụng cho việc quản lý và phát triển các chỉ dẫn địa lý dùng cho các sản phẩm lâm sản, góp phần hoàn thiện phương pháp tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý nói chung ở Việt Nam.
Ngoài ra, một trong những nội dung quan trọng nữa của dự án là xây dựng mô hình quản lý nội bộ và trong năm 2008 Hội sản xuất chế biến và kinh doanh hồi Lạng Sơn đã ra đời để thực hiện nội dung này.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội cho biết: Số hội viên hiện nay đã tăng lên khoảng 300 người, ở 6 huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó tất cả đều tham gia vào một trong các quá trình trồng, chế biến và kinh doanh hồi, nhiệm vụ trọng tâm là các hội viên phải cùng đảm bảo chất lượng hồi theo đúng quy trình kỹ thuật ở tất cả các công đoạn.
Hiện sản phẩm hồi Lạng Sơn đã được cả thế giới biết đến thể hiện qua dự án hợp tác quốc tế với nước bạn Trung Quốc về "Hợp tác cải tạo rừng hồi năng suất thấp và ứng dụng kỹ thuật chế biến sản phẩm hồi" đã và đang tích cực được triển khai mô hình cải tạo rừng hồi thí điểm với quy mô 20 ha ở Đồng Giáp (Văn Quan).
Theo thống kê của Sở KH&CN Lạng Sơn, hiện nay tại xã Yên Phúc, huyện Văn Quan đã có một số dây chuyền chưng cất tinh dầu hồi của cả Trung Quốc và Việt Nam đang được vận hành song song để có thể lựa chọn một dây chuyền tối ưu nhất.
Ngày 28/5/2007, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã công bố Quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm Hoa Hồi Lạng Sơn (nay là chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn cho sản phẩm Hoa Hồi), từ đó chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn cho sản phẩm Hoa Hồi là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ.
Đây là cơ sở quan trọng để cây hồi Lạng Sơn phát triển có quy hoạch, tập trung đầu tư khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường... tránh tình trạng sản xuất bấp bênh, chất lượng không đảm bảo và trôi nổi trên thị trường như hàng chục năm vừa qua. Đã có rất nhiều lợi ích, trong đó, dễ nhận ra nhất là từ đó cho đến nay, giá trị của sản phẩm hồi Lạng Sơn đã tăng lên gấp 2,5 đến 3 lần.( Báo Đất Việt)

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.