Thông tin SHTT 2010-03-19 08:20:40

Thương hiệu "Chè Thanh Mai" quen thuộc với người dân Hải Dương mấy chục năm dưới thời bao cấp đã tuột khỏi tay người trồng chè tỉnh Hải Dương gần 2 năm nay, bởi một nhà chế biến chè ở tỉnh Lâm Đồng đã đăng ký và đang sở hữu bản quyền thương hiệu này. Mất đi một thương hiệu từng là niềm tự hào, người Hải Dương không tránh khỏi chạnh lòng. Song người trồng chè trong tỉnh vẫn nỗ lực vươn lên tiếp tục khôi phục diện tích chè và xây dựng một thương hiệu mới cho chè Chí Linh.

Ngày 21-6-2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2316/ QĐ-UBND phê duyệt kinh phí 2,1 tỷ đồng xây dựng mô hình thâm canh, chế biến các giống chè chất lượng cao để khôi phục thương hiệu Chè Thanh Mai. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 500 triệu đồng, số còn lại giao cho Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng (GCT) Hải Dương huy động và trực tiếp thực hiện dự án. Thời gian thực hiện dự án tính từ ngày tỉnh phê duyệt đến hết năm 2010. Thực hiện nhiệm vụ được giao, cuối năm 2008, Công ty GCT Hải Dương đã chủ động giải phóng mặt bằng 5 ha đất thuộc quyền sử dụng của công ty, chính thức vận hành dự án. Trong đó tập trung vào việc ươm, nhân các giống chè chất lượng cao như Phú hộ, LĐP1, LĐP2, Kim tuyên, Phúc vân tiên. Đây là những giống chè qua khảo nghiệm rất phù hợp với thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu tại các vùng đồi, núi của tỉnh ta. Những giống chè trên không những cho năng suất cao, ổn định, khả năng chống chịu sâu bệnh khá mà còn là nguồn nguyên liệu để chế biến chè xanh tiêu thụ nội địa và chè đen, chè Ô Long xuất khẩu. Công ty GCT Hải Dương còn liên hệ với các chuyên gia đầu ngành của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhờ tư vấn và chuyển giao công nghệ . Viện Chè Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, phát triển, chế biến chè (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc), Viện Nghiên cứu thuỷ lợi miền núi phía Bắc... giúp chọn mua giống chè; thiết kế vườn ươm, lắp đặt hệ thống tưới nước hiện đại; trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân của công ty và chuyển giao kỹ thuật thâm canh chè cho 31 hộ trồng chè ở huyện Chí Linh. Thời tiết từ cuối năm 2008 đến nay diễn biến rất phức tạp, không thuận lợi cho việc ươm, nhân giống và trồng thí điểm chè chất lượng cao. Song nhận được sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia, công nhân Công ty GCT Hải Dương đã thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật nên tiến độ ươm, nhân giống vẫn vượt kế hoạch dự kiến. Giải phóng mặt bằng xong, công ty gấp rút xây dựng 2 ha nhà lưới và 3 ha vườn đầu dòng để lấy mắt ghép và giâm, ươm bầu chè ; mua thiết bị tưới nước hiện đại và nhờ chuyên gia Viện Nghiên cứu thuỷ lợi miền núi phía Bắc về hướng dẫn lắp đặt, vận hành hệ thống tưới. Đến giai đoạn này, Công ty GCT Hải Dương đã cơ bản hoàn thành nhiều chỉ tiêu dự án đề ra, chỉ còn lại phần lắp đặt dây chuyền chế biến chè, dự kiến sẽ thực hiện xong trong quý 3-2010.

Tại vườn đầu dòng, chè đang phát triển tốt, đến năm 2011 sẽ cho khai thác mắt để ghép hoặc ươm bầu. Riêng ươm nhân chè trong nhà lưới, công ty đã thực hiện việc nhân giống bảo đảm giữ nguồn gien gốc, theo hướng dẫn của các chuyên gia. Đến trung tuần tháng 3, sau gần 3 tháng ươm, giâm, có 95 % trong tổng số 130 nghìn mắt giâm trong bầu đã ra rễ. Loạt bầu giống đầu tiên này sẽ được đưa ra trồng vào tháng 9 tới, trên diện tích hơn 50 ha. Hầu hết các bầu giống này là giống chè Kim Tuyên, nhập từ Đài Loan, phục vụ chế biến chè Ô Long. Theo ông Đặng Văn Thư, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và chế biến chè, giống chè Kim Tuyên được trung tâm chuyển giao cho 1 hộ trồng chè ở Thái Nguyên trồng thử 3 ha, từ 3 năm trước. Do chưa có dây chuyền chế biến chè Ô Long nên hộ này chế biến thành trà khô bình thường, không những thu được sản lượng trà khô cao hơn 25% so với các giống chè khác cùng thời gian trồng, cùng chế độ chăm sóc mà giá bán cũng cao gấp ba lần so với trà khô loại ngon bán tại Thái Nguyên, đạt giá trị sản xuất 125 triệu đồng/ ha. Tại Đài Loan, giống chè này chế biến thành chè Ô Long, hình thức tương tự chè khô ở ta, nhưng với hương liệu và chất lượng khác hẳn, hiện đang bán với giá từ 15 đến 18 triệu đồng/ kg. Mỗi ha chè nếu chế biến thành chè Ô Long được từ 15 đến 18 kg, đạt giá trị từ 225 đến 270 triệu đồng. Đây là một cơ hội lớn để người trồng chè ở tỉnh ta vươn lên làm giàu. Được biết, 31 hộ có đất rừng sản xuất ở Chí Linh đã tình nguyện trồng 50 ha chè Kim Tuyên. Như vậy, giống chè quý này sẽ có mặt tại vùng đồi, núi của tỉnh ta vào mùa thu tới.Cùng với nỗ lực mở rộng diện tích chè, Công ty GCT Hải Dương đã nhờ Sở Khoa học và Công nghệ làm thủ tục đăng ký thương hiệu chè mới của tỉnh ta. Công việc này đã được cân nhắc kỹ. Chắc chắn trong năm 2010, tỉnh Hải Dương sẽ có một thương hiệu chè mới, thay cho thương hiệu chè Thanh Mai đã bị mất.
Theo Báo Hải Dương

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.