Nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

So với các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nhiều điểm mới.


baqovie

1. Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD

Căn cứ trên tình hình thực tiễn, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đưa ra các quy định chi tiết và đầy đủ về các hành vi bị cấm như: cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện những hành vi như lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác hoặc che dấu thông tin về hàng hóa, dịch vụ, về uy tín, khả năng kinh doanh; cấm việc tiếp xúc, liên hệ trái ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên; cấm các hành vi quấy rối người tiêu dùng, gây cản trở, ảnh hưởng xấu đến công việc và đời sống… Việc quy định cụ thể và đầy đủ hơn về các hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người tiêu dùng được bảo vệ đầy đủ hơn, đồng thời ràng buộc chặt chẽ hơn các trách nhiệm liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

2. Trách nhiệm của bên thứ 3 đối với NTD

Một điểm mới quan trọng trong Luật là quy định về trách nhiệm ràng buộc đối với bên thứ 3 trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Bên thứ 3 ở đây có thể hiểu là những đơn vị truyền thông, quảng cáo về hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh tới người tiêu dùng.

Cụ thể, Luật quy định khá chi tiết trách nhiệm của bên thứ ba về các vấn đề như: phải bảo đảm chính xác, đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp; yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp chứng cứ chứng minh tính xác thực và đầy đủ của thông tin; chịu trách nhiệm liên đới trong việc cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác; từ chối cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý trong trường hợp hành vi sử dụng có khả năng quấy rối ngưòi tiêu dùng...

3. Về hợp đồng giao kết với NTD, điều kiện giao dịch chung

Thực tế, rất nhiều giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được thực hiện thông qua các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung do tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương soạn thảo và áp dụng với nhiều người tiêu dùng. Việc đưa ra các quy định điều chỉnh quan hệ hợp đồng giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng giúp khắc phục vị thế yếu thế của người tiêu dùng khi thương lượng, giao kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, Pháp lệnh năm 2009 cũng như Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh lại chưa đề cập, chưa có những quy định cụ thể điều chỉnh vấn đề này.

Khắc phục điều đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định khá đầy đủ việc đăng ký hợp đồng theo mẫu đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ theo từng thời kỳ. Quy định này không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn giúp cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể kiểm soát được việc ban hành và sử dụng các hợp đồng đối với những hàng hóa, dịch vụ mang tính “nhạy cảm” đối với người tiêu dùng.

4. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với NTD

Kế thừa những ưu điểm của Pháp lệnh năm 1999, đồng thời vào tình hình và nhu cầu thực tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đưa ra những quy định mới và chặt chẽ về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng.

Luật đã có những quy định mới, tập trung vào vấn đề trách nhiệm bảo hành và thu hồi hàng hóa có khuyết tật, bồi thường thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra cho người tiêu dùng. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành đối với hàng hóa do mình cung cấp, trong thời gian bảo hành phải cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa tương tự để sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận, phải chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển hàng hóa, linh kiện được bảo hành… Đối với hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiến hành thu hồi và báo kết quả với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Những quy định mới trong Luật không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tối đa, qua đó còn góp phần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp.

5. Vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi NTD

Quan điểm xây dựng Luật là xã hội hóa hoạt động bảo vệ người tiêu dùng. Vì vậy, bên cạnh kế thừa các nguyên tắc về hoạt động, quyền, nghĩa vụ của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Pháp lệnh năm 1999, Luật cũng đã có thêm những quy định mới nâng cao vai trò của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, góp phần xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng như: quy định quyền tự khởi kiện vì lợi ích công cộng của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Pháp lệnh 1999 chỉ quy định quyền khởi kiện của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi được người tiêu dùng ủy quyền); quy định tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước cấp kinh phí và các điều kiện khác khi tổ chức này thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao.

6. Giải quyết tranh chấp giữa NTD và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ

Luật đã giành riêng một Chương quy định các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: thương lượng; hòa giải; trọng tài và tòa án. Đặc biệt, với phương thức giải quyết tranh chấp tại tòa án, Luật đã có quy định rất tiến bộ trong việc quy định tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp vụ án dân sự đơn giản, chứng cứ rõ ràng và có đủ các điều kiện theo quy định tại Luật. Việc quy định một trình tự rút gọn, đơn giản so với quy trình, thủ tục khởi kiện tại tòa án theo pháp luật về tố tụng dân sự truyền thống sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho người tiêu dùng. Đồng thời, quy định này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh các phương thức giải quyết tranh chấp trên, trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì người tiêu dùng, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết.

7. Về việc miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi và miễn tạm án phí

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đưa ra quy định miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi và miễn tạm ứng án phí cho người tiêu dùng khi tiến hành khởi kiện các tổ chức cá nhân vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quy định này xuất phát từ vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Trong hầu hết các vụ vi phạm, người tiêu dùng hầu như không thể chứng minh được lỗi của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ do thiếu kiến thức, phương tiện, năng lực tài chính.

Thực tiễn các vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng thời gian qua cho thấy điều đó, như vụ xăng pha aceton; sữa nhiễm melamine… Trong các vụ việc này, người tiêu dùng không thể chứng minh được các chất hóa học có hại trong sản phẩm. Ngoài ra, trong một số vụ việc liên quan đến lợi ích xã hội thì Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ người khởi kiện thông qua việc miễn tạm ứng án phí hoặc án phí.

Luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2011.(Tài liệu Văn phòng Chủ tịch nước)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây