Lĩnh vực Nông nghiệp 2015-05-20 08:44:14

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Võ Văn Quyền cho biết, vải là đặc sản nông nghiệp của hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, sản lượng vải năm nay ước đạt khoảng 200.000 tấn, trong đó xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Ô-xtrây-li-a... khoảng 80.000 tấn, số còn lại tiêu thụ trong nước.

Tìm thêm “đầu ra” cho mùa vải sắp thu hoạch rộ, ngày 15-5, tại TP Hồ Chí Minh, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cùng Sở Công thương tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị kết nối thương mại để tiêu thụ vải thiều. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương cho biết, Hải Dương hiện có khoảng 21 nghìn ha đất trồng cây ăn quả, sản lượng quả đạt khoảng 200.000 tấn/năm; trong đó diện tích trồng vải chiếm 11.000 ha, sản lượng đạt khoảng 50.000 tấn, giá trị kinh tế của cây vải đạt khoảng 430 tỷ đồng/năm. Vải thiều không giống như loại trái cây khác vì chín đồng loạt, vận chuyển khó và dễ hư hao trong điều kiện không được bảo quản tốt cho nên rất cần sự hợp tác của các địa phương, ngành hàng và doanh nghiệp (DN) trong khâu tiêu thụ.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương Vũ Doãn Quang thông tin, mùa vải sớm (vải tu hú) ở Hải Dương đã được thu hoạch với khoảng 10.000 tấn, riêng vải thiều, dự ước sản lượng khoảng 40.000 tấn sẽ thu hoạch vào khoảng từ ngày 5-6 đến 5-7-2015. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Nguyễn Văn Phú cho biết thêm, đặc sản vải thiều Thanh Hà là niềm tự hào của xứ Đông xưa nay. Tại Hải Dương, hiện đã có 25 mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP với 229 ha, sản lượng đạt khoảng 1.500 tấn. Trong năm 2015, có 19 ha của 97 hộ dân trồng vải đã được cấp mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn đi Mỹ và giá trị của quả vải ở xứ này không ngừng tăng lên. Vải thiều Hải Dương đã có mặt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, nhưng số lượng xuất đi còn rất khiêm tốn, chủ yếu bán ở thị trường trong nước.
Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh là nơi tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản với số lượng lớn cho các tỉnh, trong đó có vải thiều. Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Đông khẳng định, với tiềm lực và kinh nghiệm của mình, thành phố sẽ lập phương án để các nhà phân phối, thương nhân, chợ đầu mối kết nối với các DN, nhà vườn ở Hải Dương để tiêu thụ vải với số lượng nhiều và hiệu quả.
Theo Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức Trịnh Diệp Thanh Thảo, trong tổng số 60.000 tấn vải từ phía Bắc chuyển vào Nam của niên vụ 2014, chợ Thủ Đức đã tiêu thụ 37.000 tấn. Để tiêu thụ một lượng trái vải lớn trong thời gian rất ngắn, chợ đầu mối Thủ Đức đã dành riêng một khu để quả vải tập kết về và phân phối đi nơi khác và năm nay sẽ ưu tiên nhiều hơn để thương nhân kinh doanh. Ban quản lý chợ sẽ cung cấp cho ngành công thương tỉnh Hải Dương và Bắc Giang danh sách tiểu thương thu mua vải thiều, lưu lượng hàng hóa tại chợ đầu mối, diễn biến thị trường để DN đầu mối cung cấp hàng tại hai địa phương chủ động nguồn hàng đưa vào thuận tiện, tránh dồn ứ.
Năm 2014, chợ đầu mối Hóc Môn tiêu thụ 5.800 tấn vải thiều do 6 tiểu thương kinh doanh. Năm nay, chợ Hóc Môn tăng lên 11 điểm bán, thời gian bán vải thiều dài hơn, từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau. Nhằm giúp tiểu thương kinh doanh vải thiều đạt hiệu quả, ông Lê Hoàng Phong, đại diện tiểu thương ở chợ Hóc Môn đề nghị các DN ở Hải Dương cần có kế hoạch thu mua, giao nhận, giá cả bằng hợp đồng sớm. Ông Phong cũng lưu ý nhà cung cấp dùng bao bì đựng vải thiều phải đồng nhất, trọng lượng vừa phải nhằm dễ vận chuyển. Năm trước đã có tình trạng đựng vải thiều Thanh Hà vào sọt, bao xốp của nhãn hàng hóa khác làm giảm giá trị và người tiêu dùng nghi ngờ về nguồn gốc.
Đại diện Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đề nghị các DN từ Hải Dương khi đưa vải thiều vào Nam cần ký kết hợp đồng rõ ràng, hàng hóa phải bảo đảm chất lượng, giá cả ổn định, giao hàng đúng hẹn để nhà phân phối còn tổ chức đưa vào các điểm bán lẻ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương cam kết chính quyền và các DN Hải Dương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đầu mối ở TP Hồ Chí Minh tiếp cận, đặt hàng, thanh toán và tiêu thụ vải thiều.
Cùng với Hải Dương, Bắc Giang là địa phương có diện tích, sản lượng vải thiều lớn cũng đang xúc tiến kế hoạch tìm đầu ra cho mặt hàng nông sản này. Ngày 14-5, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị xúc tiến xuất khẩu, kết nối cung cầu tiêu thụ vải thiều năm 2015 ngay tại cửa khẩu đường bộ số 2, Kim Thành, TP Lào Cai (Lào Cai) nhằm tìm phương án tổ chức tốt hoạt động bến bãi, thủ tục thông quan, ký kết hợp đồng với thương nhân phía Trung Quốc (thị trường thu mua vải thiều của Việt Nam đến 90% lượng hàng xuất khẩu) cho mùa thu hoạch vải đã cận kề. Tỉnh Bắc Giang cũng đã lên kế hoạch, yêu cầu các sở, ngành, DN trong tỉnh chuẩn bị phương án đưa vải thiều vào thị trường phía Nam để tham gia hội nghị xúc tiến thương mại tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 2-6 tới.
Đại diện Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay sản lượng vải thiều của Bắc Giang ước đạt khoảng 160.000 tấn, trong đó xuất khẩu 64.000 tấn (chiếm khoảng 40% tổng sản lượng). Riêng huyện Lục Ngạn hiện có 17.500 ha vải thiều, trong đó 9.500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 60,38 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất sang Mỹ. Tuy nhiên, số vải thiều tiêu thụ trong nước vẫn còn rất lớn, vì thế ngành công thương Bắc Giang đang gấp rút để kết nối với TP Hồ Chí Minh nhằm giảm thiểu tình trạng ế hàng, dội chợ.
Các DN phân phối, chợ đầu mối , thương nhân ở TP Hồ Chí Minh hiện vẫn băn khoăn về giá vải thiều ở miền Bắc không cao lắm, nhưng khi vào đến thị trường thành phố thì cao ngất ngưởng, phải có cách làm để giá vải thiều giảm bớt đi độ chênh lệch để dễ kinh doanh. Theo một cán bộ ở Hải Dương, vải (loại tu hú) tại Hải Dương hiện có giá tại vườn trên dưới 35.000 đồng/kg, nhưng khi đến chợ ngay tại Hải Dương giá bán đã chênh lệch 10.000 đến 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh, giá bán loại vải này đã từ 60.000 đến 80.000 đồng/kg, cao gấp vài lần…
Theo: Nhân dân

Tin khác

Phê duyệt Đề án ưu tiên 'Đẩy mạnh hoạt động Khoa học và Công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030' (09/01/2024)

Hợp tác xã đưa vải thiều Thanh Hà vào siêu thị (29/05/2023)

Cẩm Giàng phát triển thương hiệu nông sản (09/05/2023)

Mô hình sản xuất giống lúa chịu úng, chua SHPT3 phục vụ chế biến bún, bánh (30/05/2022)

Mô hình thương phẩm giống lúa mới Hương Bình cho hiệu quả kinh tế cao (29/05/2022)

Mô hình trình diễn quản lý hiện tượng chết đồng loạt trên dưa hấu, dưa lê (30/09/2021)

Hiệu quả từ Mô hình sản xuất giống lúa chịu úng, chua SHPT3 phục vụ chế biến bún, bánh (11/08/2021)

Mô hình sản xuất gà Mía lai Sasso thương phẩm trên địa bàn huyện Thanh Hà (25/06/2021)

Phê duyệt đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 (24/03/2021)

Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ (26/10/2020)

Bước tiến mới trong xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản (26/10/2020)

Kết quả bước đầu phục tráng giống lúa nếp Quýt Kim Thành (05/11/2018)

Hiệu quả một số giống nhãn mới tại huyện Thanh Hà (26/09/2018)

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển đã đi thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp tại các huyện Thanh Hà, Gia Lộc. (12/01/2018)

Thị xã Chí Linh: Hiệu quả mô hình sản xuất giống gà đồi phục vụ nuôi thương phẩm tại địa phương (01/10/2017)

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.