Những vấn đề chung (số 4-2018) -0001-11-30 07:06:30

Thành phố Hải Dương được khởi lập từ năm 1804 với tên gọi Thành Đông. Từ một thành trì quân sự-hành chính, Thành Đông trở thành trung tâm của xứ Đông xưa - một trong Tứ trấn của Kinh thành Thăng Long. Với vị trí quan trọng đó, ngay sau khi Pháp tấn công ra miền Bắc đã 2 lần tấn công Thành Đông (năm 1873 và 1883), thiết lập bộ máy thống trị và đặt ách đô hộ thực dân tại tỉnh Hải Dương. Thực dân Pháp đầu tư xây dựng một số cơ sở sản suất công nghiệp như Nhà máy Rượu, Nhà máy Chai, Nhà máy Nước, Nhà máy Điện. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, để phục vụ cho yêu cầu chiến tranh, thực dân Pháp đặt ra nhiều chính sách hà khắc hơn trước như tăng sưu thuế, cưỡng bức dân ta đóng góp mua vé xổ số, quốc trái…

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Tháng 7/1937, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã cử đồng chí Nguyễn Văn Xứng (tức là Lê Thanh Nghị) về xây dựng phong trào cách mạng ở Hải Dương.Cùngthời gian này, Đoàn Thanh niên Dân chủ thành phố đã bảo vệ an toàn cuộc họpdo đồng chí Lê Thanh Nghị chủ trì tại số 3, phốBùi Thị Cúc và làm tốt việc giao nhận sách, báo tới các huyện. Trước sự phát triển rộng khắp của phong trào, đồng chí Lê Thanh Nghị đã giới thiệu đồng chí Hoàng Văn Thụ về bắt liên lạc với nhóm thanh niên dân chủ ở TP.Hải Dương. Tại số nhà17,phố Đông Môn, đồng chí Hoàng Văn Thụ tiếp xúc, làm việc với các cơ sở. Đặc biệt, đồng chí nói chuyện với thanh niên, học sinh và giáo viên Trường Pierre Pasquier(Pie Passkiê)về đường lối cách mạng của Đảng, mục đích, lý tưởng của Đảng.Tối ngày 26/8/1938, tại số nhà 17,phố Đông Môn (nay là phố Phạm Hồng Thái)đã thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiêncủa TP.Hải Dương. Buổi lễ được sự chứng kiến của đồng chí Hoàng Văn Thụ, xứ uỷ viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Chi bộ Đảng gồm 3 đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn, Nguyễn Văn Sớ và Bùi Văn Giáp do đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn làm Bí thư.

Đầu năm 1940,đồng chí Thành Ngọc Quản(tức Đào Văn Trường),cán bộ xứ ủy Bắc Kỳ về bắt liên lạc xây dựngcơ sở đảng ở TP.Hải Dương,Liên tỉnh B ở vùng Nam Sách.Ngày 10/6/1940, Ban Tỉnh uỷ lâm thời Hải Dương được thành lập, Tỉnh uỷ chủ trương xây dựng, phát triển Đảng, củng cố, mở rộng Mặt trận Thống nhất Phản đế Đông Dương, công tác xây dựng Đảng ở TP.Hải Dương lại được phục hồi và phát triển.Chi bộ Đảng được thành lập tại văn phòng Nhà máy Nướcvới3 đảng viên do đồng chí Nguyễn Đức Thắng làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan (Bí thư Ban Tỉnh ủy lâm thời) và đồng chí Long là đảng viên. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan đã trực tiếp treo lá cờ búa liềm trên đỉnh tháp nước thành phố (hiện nay là khuôn viên Nhà Văn hóa thiếu nhi ở phố Hoàng Hoa Thám). Cuối năm 1940, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan và Nguyễn Đức Thắng bị địch bắt và tra tấn dã man, nhưng hai đồng chí nêu cao tấm gương sáng ngời của những người chiến sĩ cộng sản đấu tranh đến cùng bảo vệ cơ sở.

Năm 1943, Ban Cán sự Liên tỉnh B đã bí mật về Hải Dương, bắt mối và xây dựng cơ sở. Tại TP.Hải Dương, đồng chí Vũ Duy Hiệu bí mật tổ chức nhóm Việt Minh ở Sở Lục lộ, Sở Địa chính và một số nơi khác trong thành phố.Tháng 9/1940, phát xít Nhật vào TP.Hải Dương đóng quân tại Nhà Nông phố, trường Con gái... Cuối năm 1944 đầu năm 1945, toàn thành phố có trên2.000 người chết đói(thôn Kim Lai-Ngọc Châu chết 485 người), người chết la liệt khắp nơi…Trong khi đó, các kho thóc của Nhật, của Pháp ở Hội Quán Hoa Kiều phố Bờ Sông (nay là đường Bạch Đằng) đầy ắp, có tới hàng ngàn tấn thóc.  Đầu tháng 4/1945, đồng chí Trần Đức Thịnh, xứ ủy viên Bắc Kỳ về quán triệt chỉ thị“Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, công nhận ban Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hải Dương và chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Kha làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 5/1945, Chi bộ TP. Hải Dương được thành lập. Đồng chí Đỗ Văn Thanh được chỉ định làm Bí thư. Từ tháng 5-8/1945 ở TP.Hải Dương xuất hiện một cao trào cách mạng của quần chúng chưa từng thấy.

14 giờ ngày 17/8/1945, đoàn diễu hành của Thanh niên Phan Anh tập trung ở câu lạc bộ dành cho người Việt (Sécta) trên phố Nguyễn Du ngày nay, đoàn người đi tớisố 60, phố Quang Trung thì lực lượng Cách mạng vứt bỏ cờ quẻ li xuống đường, giương cao cờ đỏ sao vàng, biến thành cuộc diễu hành biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng, hô vang khẩu hiệu:Ủng hộ Việt Minh”.Ông Bạch Năng Thi, đại biểu của Việt Minh đứng trên cổng vườn hoa(Trước khởi nghĩa là Vườn hoa Bảo Đại, sau khởi nghĩa là Vườn hoa Độc Lập ( nay là Quảng trường Độc Lập), đọc 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, tuyên bố xoá bỏ chính quyền tay sai thân Nhật, thành lập chính quyền cách mạng. TP. Hải Dương là một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất toàn quốc. Ngày 18/8/1945, Ủy ban cách mạng lâm thời của TP.Hải Dương được thành lập do ông Bạch Năng Thi làm Chủ tịch.Năm 1946, Chi bộ Đảng TP.Hải Dương đã có 20 đảng viên và được sự đồng ý của Tỉnh uỷ, Đảng bộ TP.Hải Dương được thành lập, đồng chí Đỗ Văn Thanh được chỉ định làm Bí thư, đồng chí Lê Đình Vũ làm Phó Bí thư.

Sau Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, 350 tên lính Pháp vào thị xã Hải Dương, lập đồn bốt tại đầu Cầu Phú Lương, Trường Con Gái, Nhà Nông Phố, Nhà Máy Chai. Đến tháng 10/1946 Pháp tăng quân số đóng tại Hải Dương lên 650 tên. Từ ngày 19 đến 25/12/1946, quân dân thị xã Hải Dương đã đánh 25 trận, tiêu diệt 2 vị trí địch (Trường Con Gái và Bốt đầu cầu Phú Lương), diệt 83 tên, bắt sống 21 tên, thu nhiều quân trang quân dụng, dân thị xã Hải Dương rút ra ngoài an toàn trước khi thị xã bị giặc chiếm đóng. Tháng 3/1948, Tỉnh ủy đã cử đồng chí Vũ Đức Quảng làm Bí thư để tập hợp một số cán bộ, đảng viên, củng cố các tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể, mặt trận. Đảng bộ thị xã Hải Dương đã thành lập được các chi bộ: Chi bộ 10 trong nhà tù Hải Dương; Chi bộ đường phố do đồng chí Lã Như Tường làm Bí thư; Chi bộ Phượng Cáo do đồng chí Nguyễn Văn Thanh làm Bí thư… Ngày 30/10/1954, Đảng bộ và nhân dân thị xã Hải Dương hân hoan đón bộ đội tiến về giải phóng thị xã, chấm dứt ách đô hộ trên 80 năm của thực dân Pháp.

Để lãnh đạo và tổ chức nhân dân thực hiện nhiệm vụ mới, tháng 12/1958, đã tiến hành Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ II, công khai hoạt động lãnh đạo nhân dân. Trong 10 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ đã tiến hành 6 kỳ Đại hội (Đại hội II đến Đại hội VII). Kế hoạch 5 năm lần thứ I đang được Đảng bộ và nhân dân TP.Hải Dương thực hiện có kết quả bị gián đoạn bởi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ. Ngày 15/11/1965, Mỹ huy động 20 máy bay đánh phá Cầu Lai Vu và ngày 22/12/1965 lợi dụng lúc trời chưa sáng máy bay Mỹ đánh phá Cầu Phú Lương.

Để thực hiện đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng và các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Đảng bộ thị xã Hải Dương tiến hành 4 kỳ Đại hội từ Đại hội VIII tháng 10/1967 đến Đại hội XI tháng 1/1975 đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp để chuyển hướng mọi hoạt động cho phù hợp với tình hình thời chiến, vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và tích cực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, với phương châm “Tất cả cho tiền tuyến - tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Trong tháng 5,6/1965 toàn thành phố đã đào được 4.648 hầm kèo (hầm chữ A), 4.500 hố cá nhân và 850 m giao thông hào. Năm 1965, trong 2 đợt giao quân thành phố đã giao 503 đồng chí đạt tỷ lệ 101%. Năm 1972, TP.Hải Dương tuyển quân đạt 107,2% kế hoạch trên giao. Ngày 10/5/1972, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá Hải Dương lần thứ hai đánh phá 24 trận ở 70 điểm. Đến tháng 8/1972, máy bay địch đánh phá các khu vực Ga Hải Dương, trường Thương nghiệp, trường Y sĩ, trường học sinh miền Nam, nhà máy Mỳ sợi, nhà máy Cơ khí, xí nghiệp Gỗ, nhà máy Đá Mài, nhà máy Sứ, làm 73 người chết, 169 người bị thương…

Trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, Thị xã Hải Dương đã có 6.523 thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ, trong đó có 1.181 người con anh dũng hy sinh, 1.024 thương bệnh binh, hàng nghìn gia đình có chồng, con tham gia kháng chiến. Đảng bộ và nhân dân Thị xã đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. 4 đơn vị thuộc thành phố được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (gồm Công an nhân dân thành phố, phường Thanh Bình, phường Ngọc Châu, phường Ái Quốc); 1 đơn vị Anh hùng Lao động (xã Thạch Khôi); 7 đồng chí được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 191 bà mẹ được phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Qua 3 kỳ đại hội (Đại hội XII tháng 5/1977 đến Đại hội XIV tháng 12/1982), dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ và nhân dân thị xã Hải Dương đã kiên cường phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với phương châm “Tự lực tự cường, chủ động linh hoạt, sáng tạo, tích cực đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường đầu tư, mở rộng liên doanh, liên kết kinh tế”. Nhờ vậy, kinh tế của thị xã tiếp tục phát triển, bảo đảm đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể nhân dân được quan tâm, góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng bọn thực dân và đế quốc xâm lược, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986-2015), Đảng bộ đã trải qua 8 kỳ đại hội từ Đại hội lần thứ XV (9/1986) đến Đại hội XXII (8/2015), Đảng bộ đã có nhiều biện pháp năng động, sáng tạo, động viên và khai thác triệt để mọi tiềm năng về trí tuệ, sức lao động, kỹ thuật, nguồn vốn; mạnh dạn đổi mới cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân và xuất khẩu; đời sống nhân dân thị xã được cải thiện và từng bước được nâng cao.

Từ sau Đại hội XV, Đảng bộ đã mở rộng khu công nghiệp, thu hút nhiều dự án lớn, có hàm lượng kỹ thuật cao; không gian thành phố được mở rộng gấp nhiều lần. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng được gắn liền với việc thực hiện các Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thông qua việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đã góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và đội ngũ cán bộ, công chức; chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, đảng bộ có nhiều đổi mới, nhất là nội dung sinh hoạt chuyên đề…Vì vậy thị xã Hải Dương từ một đô thị loại IV đã từng bước được xây dựng, nâng cấp thành đô thị loại II vào năm 2009 và đang phấn đấu lên đô thị loại I trước năm 2020.

Đạt được những thành tựu trên, trước hết là nhờ sự lãnh đạo của Đảng mà nòng cốt là Ban Chấp Đảng bộ thành phố (tiền thân là Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập vào ngày 26/8/1938). Từ buổi ban đầu chi bộ có 3 đảng viên, đến nay toàn Đảng bộ đã có 62 chi, đảng bộ cơ sở với hơn 14.000 đảng viên. Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Dương luôn nắm vững và chủ động vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy vào tình hình thực tiễn của địa phương để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Xây dựng Đảng bộ “Trong sạch, vững mạnh” chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, gần dân, sát dân, tôn trọng dân; nắm chắc và giải quyết tốt những tâm tư, nguyên vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân tạo nên sự đồng thuận giữa Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân.

Giai đoạn 2015-2020 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển kinh tế-xã hội. Ban Chấp hành Đảng bộ đang tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đã đề ra: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tập trung huy động mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng thành phố Hải Dương trở thành đô thị loại I”.

Với truyền thống vẻ vang 80 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ,từ những bài học và kinh nghiệm rút ra trong chỉ đạo thực tiễn công cuộc đổi mới; trước những thời cơ và thách thức mới, Đảng bộ và nhân dân thành phố quyết tâm đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách,tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng thành phố Hải Dương trở thành đô thị loại I, ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh, phát triển bền vững, xứng đáng với truyền thống Thành Đônganh hùng./.

Bài của Phạm Ninh Hải

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2018

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.