Lĩnh vực XHNV 2008-12-27 07:48:12

ĐỀ TÀI TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2001 - 2005; QUAN ĐIỂM, PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010"

Chủ nhiệm đề tài: KS. Hoàng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Công nghiệp tỉnh Hải Dương.

 

1. Kết quả thực hiện chương trình phát triển công nghiệp 2001-2005.

Kết quả thực hiện phát triển công nghiệp thời kỳ 2001-2005 cho thấy về cơ bản ngành công nghiệp đã thực hiện đạt và vượt các mục tiêu đề ra. Đến năm 2005 các chỉ tiêu đạt là: Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 43,2% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 11.050 tỷ đồng, bằng 142% mục tiêu. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 21,1%/năm (mục tiêu 13-14%/năm). Trong đó, công nghiệp ngoài nhà nước tăng 25,1%/năm, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 48,7%. Năm 2005 tỷ trọng công nghiệp: Trung ương 48,3% - địa phương 22,6% - có vốn đầu tư nước ngoài 29,1% (năm 2000: 60,5% - 29,0% - 0,5%). Cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp có lợi thế.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu và tăng sức cạnh tranh. Một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng trưởng cao như lắp ráp ô tô, sản phẩm may mặc, giầy dép, máy bơm, xi măng, điện thương phẩm, gạch nung...

Công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm tăng bình quân 19%/năm (mục tiêu 10%). Một số sản phẩm có tốc độ tăng cao như: thịt cấp đông, chế biến rau quả, bánh kẹo, bia...

Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp trong nông thôn bước đầu phát triển, giá trị sản xuất tăng 25,6% (mục tiêu 15%/năm), chiếm tỷ trọng 22%.

Mạng lưới điện được mở rộng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng; đã xây dựng quy hoạch phát triển điện đến năm 2015.

Bình quân 5 năm 2001-2005 ngành công nghiệp đã thu hút, tạo việc làm mới mỗi năm cho gần 1 vạn lao động, riêng năm 2004 là 1,5 vạn lao động. Tổng số lao động tham gia sản xuất công nghiệp đến năm 2005 là 145.000 người (trong đó có 25.000 lao động thời vụ, chiếm tỷ trọng 15,3% tổng số lao động trong tỉnh).

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình phát triển công nghiệp địa phương giai đoạn 2001-2005 còn một số hạn chế cần khắc phục: chưa thu hút được nhiều ngành công nghiệp có công nghệ cao; trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu; phát triển công nghiệp chế biến nông sản chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp.

2. Phương hướng, mục tiêu, giải pháp chủ yếu phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2010.

- Mục tiêu phát triển: Để góp phần thực hiện đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP) 11,5% năm trở lên và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực hiện cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, ngư nghiệp - Công nghiệp, xây dựng - Dịch vụ là 19% - 48% - 33%. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 20%/năm.

- Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp: Duy trì tốc độ phát triển cao đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh và bảo vệ môi trường. Phấn đấu công nghiệp Trung ương tăng 12,1%/năm, công nghiệp địa phương tăng 19%/năm (ngoài quốc doanh tăng 20,7%) và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 25,2%/năm trở lên. Mở rộng qui mô, tăng cường năng lực sản xuất mới; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại. Coi trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, từng bước hiện đại hoá các cơ sở sản xuất. Ưu tiên phát triển nhanh công nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và công nghiệp phụ trợ, thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động vào các vùng nông thôn. Phát triển sản xuất công nghiệp với nhiều qui mô, trình độ khác nhau, phù hợp với định hướng chung và lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Hình thành các doanh nghiệp vệ tinh phục vụ sản xuất cho các nhà máy lớn. Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định và triển khai thu hút nhanh các dự án vào các khu, cụm công nghiệp đã xây dựng. Hình thành thêm các khu, cụm công nghiệp. Thúc đẩy các dư án đã cấp phép triển khai thi công nhanh và sớm đi vào sản xuất. Nâng cao tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm có linh kiện, chi tiết, nguyên liệu nhập ngoại. Chú trọng phát triển các lĩnh vực có giá trị sản xuất cao, tạo nguồn thu hút đầu tư nhằm phát triển đồng đều giữa các ngành, địa phương.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch lưới điện Hải Dương đến năm 2015, hoàn thành dự án năng lượng nông thôn ở 60 xã.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.