Lĩnh vực XHNV 2008-12-26 17:17:25

ĐỀ TÀI MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KINH TẾ TRANG TRẠI Ở TỈNH HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Hữu Cát, Quyền Trưởng Ban Kinh tế Tỉnh uỷ Hải Dương.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Ban Kinh tế Tỉnh uỷ Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Năm 1999.

Đề tài được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

- Nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về kinh tế trang trại. Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế trang trại ở Hải Dương.

- Kiến nghị những giải pháp cơ bản nhằm phát triển kinh tế trang trại ở Hải Dương trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Quá trình hình thành và phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh Hải Dương.

Bối cảnh ra đời kinh tế trang trại ở tỉnh Hải Dương được thể hiện trên các mặt mặt chủ yếu sau:

Trong nông, lâm, ngư nghiệp đã và đang diễn ra sự thay đổi lớn về sở hữu và phương thức sử dụng các yếu tố đầu vào của sản xuất, trước hết là đất đai.

Lưu thông hàng hoá, trong đó hàng hoá nông sản, đã chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Nhiều chính sách của Nhà nước đã hướng vào phục vụ, tháo gỡ khó khăn cho nông, lâm, ngư nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển.

Nông nghiệp tỉnh Hải Dương phát triển nhanh và vững chắc, đạt tốc độ tăng bình quân 6% một năm, làm tăng đáng kể tích luỹ trong nông nghiệp, nông thôn.

2. Tiêu chí nhận dạng trang trại ở tỉnh Hải Dương.

Đề tài đã đưa ra 3 tiêu chí nhận dạng trang trại ở tỉnh Hải Dương, đó là:

- Giá trị sản lượng hàng hoá thu (doanh thu) trong một năm.

- Quy mô vốn đầu tư được biểu thị bằng các chỉ tiêu: tổng vốn đầu tư của hộ hoặc vốn đầu tư trên 1 đơn vị diện tích (hay đầu con gia súc).

- Quy mô diện tích được xác định theo hộ và theo vùng hoặc quy mô đầu con gia súc, gia cầm.

Trong các tiêu chí trên thì giá trị sản lượng hàng hoá thực hiện (doanh thu) là tiêu chí chủ yếu và quan trọng nhất, các tiêu chí còn lại là tiêu chí bổ sung.

* Với những kết quả tổng kết từ cơ sở lý luận và thực tiễn đề tài đưa ra những lượng hoá về tiêu chí nhận dạng trang trại ở Hải Dương như sau:

- Giá trị sản lượng hàng hoá thực hiện (hoặc doanh thu) trong một năm tối thiểu một trang trại phải đạt 30 triệu đồng/năm đối với tất cả các trang trại.

- Tổng vốn đầu tư (luỹ kế) xác định phải bảo đảm 2 yêu cầu:

+ Phù hợp với quy mô diện tích, hoặc quy mô đầu con gia súc, gia cầm của trang trại.

+ Phù hợp với doanh thu hàng năm mà vốn đầu tư có thể tạo ra trong điều kiện hiện tại. Đề tài đưa ra tiêu chí quy định mức vốn đầu tư (luỹ kế) thiết lập một trang trại tối thiểu là 30 triệu đồng cho tất cả các loại trang trại.

- Quy mô diện tích đất sử dụng hoặc quy mô đàn gia súc, gia cầm: Đối với trang trại trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản: Diện tích đất 0,5 ha (vùng đồng bằng) và 1 ha (vùng núi); đối với trang trại chăn nuôi: 50 con trâu, bò hoặc 200 con lợn, hoặc 1.500 con gia cầm.

3. Kết quả phát triển trang trại ở Hải Dương.

Qua số liệu điều tra, khảo sát năm 1999 về tình hình kinh tế trang trại cho thấy, trừ huyện Nam Sách và Bình Giang, các huyện và thành phố còn lại có 1.097 trang trại, riêng Chí Linh có 914 trang trại, chiếm 83%.

- Về thời gian hình thành: Trước năm 1994 có 241 trang trại, bằng 21,9%; từ năm 1994-1996 có 493 trang trại, bằng 45%; từ năm 1997-1998 có 82 trang trại, bằng 7,5%; năm 1999 có 281 trang trại, bằng 25,6%.

- Về quy mô sử dụng đất: Từ 0,5 ha đến dưới 1 ha có 126 trang trại, bằng 11,4%; từ 1 ha đến dưới 3 ha có 738 trang trại, bằng 67,3%; từ 3 ha đến dưới 5 ha có 138 trang trại, bằng 12,6%; từ 5 ha đến dưới 10 ha có 63 trang trại, bằng 5,8%; từ 10 ha đến dưới 20 ha có 29 trang trại, bằng 2,6%; từ 20 đến dưới 30 ha có 3 trang trại, bằng 0,3%.

Tổng diện tích mà các trang trại sử dụng vào sản xuất nông, lâm, thuỷ sản là 3.700 ha, bình quân 3,37 ha/trang trại.

- Về quy mô vốn đầu tư: Tổng vốn đầu tư của lĩnh vực kinh tế trang trại tính đến tháng 10/1999 là 43.002 triệu đồng (trong đó vốn cố định là 31.155 triệu đồng, vốn lưu động là 11.847 triệu đồng). Trong đó vốn tự có 27.736 triệu đồng bằng 64,5%, vốn vay ngân hàng 6.880 triệu đồng bằng 16%, vốn lưu động 11.847 triệu đồng bằng 19,5%.

Quy mô đầu tư các trang trại: từ 10 đến dưới 20 triệu đồng có 165 trang trại, bằng 15%, từ 20 đến dưới 30 triệu đồng có 280 (25,5%), từ 30 đến dưới 50 triệu đồng có 498 trang trại, (45,4%), từ 50 đến dưới 100 triệu đồng có 121 trang trại (11%), trên 100 triệu đồng có 33 trang trại (3,1%).

Như vậy có 445 trang trại (chiếm 40,6%) có mức vốn đầu tư dưới 30 triệu đồng. Tuy nhiên phần lớn các trang trại đang trong thời kỳ xây dựng cơ bản hoặc mới lập trại, cho nên các trang trại còn tiếp tục đầu tư tăng lên ở các năm sau.

- Về sử dụng lao động: tổng số lao động của các trang trại là 6.905 người, trong đó lao động thuê ngoài là 4.294 người (62%), lao động kỹ thuật là 55 người (0,8%). Bình quân mỗi trang trại có 6,3 lao động. Hầu hết các hợp đồng lao động giữa chủ trang trại và người lao động là trao đổi bằng miệng.

- Về kết quả sản xuất năm 1998 tổng doanh thu của các trang trại đạt 22,5 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại 20,5 triệu đồng; năm 1999 tổng doanh thu ước đạt 25 tỷ đồng.

- Về chủ trang trại trong số 1.097 người có 161 đảng viên (14,7%), 47 người là công chức nhà nước (4,2%), 909 người là nông dân (82,9%). Chủ trang trại không có hộ khẩu thường trú tại Hải Dương là 36 người bằng 3,2%. Tuổi bình quân của chủ trang trại là 37 tuổi.

4. Quan điểm phát triển trang trại.

- Kinh tế trang trại là một hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu không duy nhất để chuyển nền kinh tế tiểu nông lên sản xuất lớn ở Hải Dương.

- Phát triển đa dạng các loại hình trang trại, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển trang trại gia đình.

- Phát triển trang trại theo hướng tập trung hoá, chuyên môn hoá nhằm phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh.

- Phát triển trang trại cả miền núi và đồng bằng, nhưng trước mắt tập trung phát triển ở nơi đang còn nhiều tiềm năng đất đai, mặt nước.

- Phát triển kinh tế trang trại theo sự quản lý Nhà nước.

5. Những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế trang trại ở Hải Dương.

- Về đất đai: Tạo điều kiện tập trung đất đai để hình thành và mở rộng quy mô các trang trại. Khai thác triệt để đất hoang hoá, mặt nước chưa sử dụng, đất công điền vào phát triển kinh tế trang trại. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để các chủ trang trại yên tâm bỏ vốn đầu tư trên diện tích đang sử dụng. Khuyến khích các trang trại sử dụng hợp lý và tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai.

- Về vốn:

+ Vốn ngân sách hỗ trợ trang trại trong xây dựng các công trình hạ tầng như thuỷ lợi, giao thông, điện.

+ Dành một phần đáng kể vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước cho kinh tế trang trại, tăng quy mô sản xuất, kinh doanh.

+ Hướng các nguồn vốn từ quỹ, các chương trình, dự án vào phát triển kinh tế trang trại, chủ yếu là quỹ quốc gia giải quyết việc làm.

+ Kiến nghị Nhà nước cho phép các trang trại thế chấp vay vốn bằng toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất.

+ Kiến nghị Nhà nước không thu tiền thuế đất đối với phần vượt mức hạn điền do chuyển nhượng hợp pháp mà có.

+ Nhà nước bảo đảm cho các trang trại được hưởng chính sách ưu đãi về vốn; thực hiện cơ chế cho các trang trại vay vốn theo dự án.

- Đề tài đã đề xuất các giải pháp liên quan khác để thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển như: về thị trường, về xây dựng cơ sở hạ tầng và khoa học và công nghệ; về nguồn nhân lực; về thuế và quản lý nhà nước đối với các trang trại.

II. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả nghiên cứu được sử dụng trong chỉ đạo phát triển kinh tế trang trại ở các huyện, thành phố.

Tuy vậy, kết quả nghiên cứu chưa được chuyển hoá thành văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ và không được áp dụng rộng trong thực tiễn.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.