Lĩnh vực CN,GT,XD 2008-12-26 10:38:50

ĐỀ TÀI ĐIỀU TRA HIỆN TRẠNG LÀNG NGHỀ TỈNH HẢI DƯƠNG (SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ MÔI TRƯỜNG)  

Chủ nhiệm đề tài: KS. Nguyễn Duy Sách, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp: Phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 5/2003 đến tháng 12/2003.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất của các làng nghề, bao gồm các chỉ tiêu như giá trị thu nhập, công nghệ, thiết bị sản xuất, sản phẩm, thị trường, lao động, nguyên liệu, nhiên liệu, trình độ tay nghề, v.v...

- Điều tra, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường làng nghề và ảnh hưởng của nó đến cộng đồng dân cư xung quanh.

- Đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển bền vững làng nghề ở tỉnh Hải Dương.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Tình hình kinh tế - xã hội của các xã, phường, thị trấn có làng nghề.

Căn cứ vào tiêu chí làng nghề đang sản xuất, đề tài đã tiến hành điều tra ở 9 huyện và thành phố Hải Dương, 26 xã, phường, thị trấn với 28 làng nghề. Trong đó, ở huyện Gia Lộc điều tra 6 làng, ở huyện Ninh Giang 5 làng, ở huyện Tứ Kỳ 4 làng, ở huyện Thanh Miện 3 làng, ở các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Nam Sách mỗi địa phương 2 làng, Thành phố Hải Dương 2 làng và huyện Thanh Hà, Kinh Môn mỗi huyện 1 làng. Trong số các làng nghề được điều tra có 22 làng, bằng 78,6% bắt đầu làm nghề trước thời kỳ đổi mới năm 1986 và 6 làng nghề, bằng 21,4% phát triển từ thời kỳ đổi mới đến nay.

Dân số của 26 xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) có làng nghề được điều tra là 189.009 người; số người trong độ tuổi lao động là 90.935 người, bằng 48,1% dân số. Trong đó, lao động nông nghiệp bằng 62,7%, lao động tiểu thủ công nghiệp bằng 23,2% và lao động dịch vụ bằng 14,1%. Trong số lao động có 19.289 người, bằng 21,2% lao động thuộc các xã có làng nghề trực tiếp làm nghề. Các xã này còn thu hút và tạo việc làm cho 1.903 lao động ở nơi khác đến làm việc.

Diện tích đất tự nhiên của 26 xã có làng nghề là 14.299,53 ha, bình quân diện tích đất canh tác 526 m2/người. Các xã này đã chuyển một phần đất sản xuất nông nghiệp sang đầu tư nhà xưởng, cơ sở sản xuất.

Tổng thu nhập năm 2002 của 26 xã được điều tra là 897.615,8 triệu đồng, thu nhập bình quân 4,75 triệu đồng/người/năm. Trong đó thu từ nông nghiệp bằng 44,7%, thu từ tiểu thủ công nghiệp bằng 25,3% và thu từ dịch vụ bằng 30%.

- Tổng sản lượng lương thực quy thóc của các xã được điều tra là 87.090,5 tấn, lương thực bình quần đầu người 460 kg.

- Tỷ lệ hộ nghèo 26 xã được điều tra là 7,7%, thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh (toàn tỉnh 8,14% theo tiêu chí cũ).

2. Tình hình kinh tế - xã hội và sản xuất của làng nghề.

Tổng số có 28 làng được điều tra, phân loại theo lĩnh vực sản xuất như sau: 6 làng nghề làm bánh gai, bánh đa, bún; 5 làng làm nghề mộc, 5 làng làm nghề mây tre đan và làm thừng, 4 làng làm nghề thêu ren, 3 làng làm nghề dệt chiếu, 1 làng nghề trạm khắc đá, 1 làng nghề cơ khí, 1 làng nghề mỹ nghệ kim hoàn, 1 làng nghề giầy da và 1 làng nghề sấy nông sản.

Tất cả các làng nghề sử dụng điện lưới quốc gia, có 192,6 km đường làng được cứng hoá và 2.948 máy điện thoại, bình quân 4,5 máy/100 dân, cao hơn bình quân chung của tỉnh (bình quân chung của tỉnh là 4 máy/100 dân).

Các làng nghề đang sản xuất có 17.550 học sinh đang đi học. Trong đó, tiểu học chiếm 40,5%, trung học cơ sở chiếm 36,7%, Trung học phổ thông và tương đương chiếm 11,6%, học nghề chiếm 5,4%, cao đẳng chiếm 2,8% và đại học chiếm 3% tổng số học sinh.

Tổng dân số có trong 28 làng nghề là 65.026 người. Trong đó, có 32.443 người, bằng 49,9% trong độ tuổi lao động. Lao động đang làm nghề bằng 39,3%, làm nông nghiệp bằng 37,1% và làm nghề khác bằng 23,6%.

Tổng diện tích đất của 28 làng nghề là 4.696,8 ha, trong đó đất canh tác nông nghiệp 3.138,7 ha, bình quân diện tích đất canh tác là 482,7 m2/người.

Tổng thu nhập một năm của 28 làng nghề là 343.188,7 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người 5,28 triệu đồng/năm. Trong đó, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp bằng 31,8%, thu nhập từ làm nghề bằng 38%, thu khác bằng 30,2%.

Tỷ lệ hộ nghèo 7,3% thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo chung của các xã có nghề.

Vốn đầu tư cho làm nghề của các làng nghề là 80.030 triệu đồng, trong đó vốn tự có bằng 71,6%, vốn vay bằng 28,4%.

Trang thiết bị và công nghệ sản xuất của các làng nghề: Hầu hết các làng nghề còn sử dụng các loại công cụ thủ công truyền thống hoặc cải tiến một phần. Một số làng nghề đã sử dụng máy móc cơ khí thay thế lao động thủ công ở một số khâu trong sản xuất như máy cưa, máy bào, máy tiện trong làng nghề mộc; máy xay bột trong làng nghề làm bún, bánh đa. Làng nghề cơ khí có tỷ lệ sử dụng máy móc cơ khí cao hơn các ngành nghề khác.

Sản phẩm và thị trường tiêu thụ: Các sản phẩm do làng nghề sản xuất rất phong phú, đa dạng, từ mặt hàng thông dụng đến mặt hàng cao cấp. Mỗi năm các làng nghề được điều tra đã sản xuất 64.251 sản phẩm thêu ren, 151.720 sản phẩm đồ mộc, 8 triệu sản phẩm mây tre đan, 559.000 đôi chiếu, 2.000 tấn nông sản sấy khô, 8.526 tấn bánh đa, bún, 752 triệu chiếc bánh gai, 78.700 đôi giầy, dép da, 2.375 sản phẩm chạm khắc đá, 72.000 bộ phụ tùng máy và 6.100 chiếc máy móc nông nghiệp, 75 xe công nông, 6.000 sản phẩm cơ khí khác và 1 triệu lít rượu thương phẩm. Sản phẩm của các làng nghề nói trên chủ yếu được tiêu thụ trong nước. Một số sản phẩm như thêu ren, mây tre đan, sản phẩm nông sản sấy, thủ công mỹ nghệ và đồ mộc được xuất khẩu ra nước ngoài.

3. Thực trạng lao động, sản xuất, thu nhập, vốn đầu tư của các hộ làm nghề.

Trong số 1.767 chủ hộ có 1.554 người là nam bằng 88% và 213 người là nữ bằng 12%. Theo độ tuổi của chủ hộ: 18 đến 35 tuổi có 22,7%, từ 36 đến 55 tuổi 67,1%, từ 56 đến 60 tuổi 4,6% và trên 60 tuổi 5,6%. Về trình độ văn hoá của chủ hộ: Có 6,5% học hết tiểu học, 76,2% trung học cơ sở và 17,3% trung học phổ thông.

Trong số 1.767 hộ điều tra có 4.486 lao động bằng 60,3% tổng số nhân khẩu, 84,5% số hộ có từ 1 - 3 lao động, còn lại 15,5% số hộ có từ 4 lao động trở lên. Đại đa số lao động của các làng nghề không được đào tạo nghề bài bản, không có lao động trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng và đại học, chỉ có 2,4% lao động được đào tạo kỹ thuật ngắn ngày, 70,8% lao động do truyền nghề, còn lại 26,8% là lao động phổ thông.

Tổng thu nhập của các hộ trong 28 làng nghề đang sản xuất là 43.536,96 triệu đồng. Trong đó, thu nhập từ làm nghề bằng 67%.

Tổng vốn đầu tư của 1.767 hộ là 33.488,33 triệu đồng. Trong đó, vốn tự có bằng 74,9%, vốn vay bằng 25,0%, vốn khác 0,1%.

4. Hiện trạng môi trường làng nghề đang sản xuất.

4.1. Nước dùng cho sinh hoạt và sản xuất của các làng nghề.

Tổng lượng nước dùng cho sinh hoạt và sản xuất của 28 làng nghề là 15.219,3 m3/ngày đêm. Trong đó, nước máy bằng 0,8%, nước mưa bằng 12,8%, nước giếng khơi, giếng khoan bằng 64,2% và nguồn nước khác bằng 22,2 %.

4.2. Nguyên liệu và nhiên liệu dùng để sản xuất.

Mỗi năm các làng nghề sử dụng 26.479 tấn nguyên liệu các loại, 24.344 m3 gỗ và đá, tiêu thụ 887.976 Kw/h điện, 32,1 tấn xăng dầu, 8.987 tấn than và 260 tấn củi để phục vụ sản xuất và sản xuất. Mỗi năm các làng nghề đã chế biến 7.525 tấn gạo, 4,5 tấn đậu xanh, 13.150 tấn hành, tỏi củ, bí đỏ, 1.651,2 tấn cói và đay, 1.688 tấn mây, tre phục vụ sản xuất.

4.3. Nguồn chất thải của làng nghề.

Mỗi ngày các làng nghề thải ra 42 tấn chất thải rắn; nước thải là 13.779,2 m3. Trong đó, nước thải sinh hoạt là 9.741,9 m3, nước thải làm nghề là 4.037,3 m3. Phần lớn chất thải rắn và nước thải ở các làng nghề chưa được xử lý. Rác thải đổ trong làng, ngoài đồng hoặc trong khuôn viên của các hộ làm nghề. Nước thải chẩy tự nhiên từ hệ thống cống rãnh của các hộ ra ao, hồ, kênh tiêu của làng, đổ trực tiếp ra sông, hệ thống thuỷ lợi của các xã.

- Kết quả phân tích một số chỉ tiêu nước thải (BOD5, COD, NH3, pH, TSS, Fe, Mn, Cr, Zn, CN, Hg...) cho thấy:

+ Có 4 làng nghề chế biến nông sản môi trường nước đã bị ô nhiễm.

+ Tại các làng nghề cơ khí: các chỉ tiêu pH, COD, TSS, Fe, Mn, Cr, Zn đạt mức tiêu chuẩn cho phép, nhưng qua khảo sát thực tế ở các chủ hộ sản xuất cho thấy nước thải có chứa nhiều hoá chất và cặn sơn.

+ Tại làng nghề mỹ nghệ kim hoàn: các chỉ tiêu pH, COD, TTS đạt tiêu chuẩn cho phép, các chỉ tiêu CN và Hg không đạt.

+ Tại làng nghề dệt chiếu, mây tre đan: nhìn chung nước thải chưa bị ô nhiễm, chỉ có một lượng nhỏ phẩm nhuộm khi in hoa chiếu thừa được thải vào hệ thống thoát nước thải chung.

+ Đối với các làng nghề còn lại: nguồn nước thải chưa bị ô nhiễm, không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cộng đồng dân cư.

- Kết quả phân tích một số chỉ tiêu khí thải: Kết quả phân tích khí thải tại 10 làng nghề, mỗi làng một mẫu vào tháng 12/2003 và so sánh với Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5937-1995 cho thấy, chất lượng không khí tại đa số các làng nghề chưa bị ô nhiễm, một số làng ô nhiễm tiếng ồn như làng nghề cơ khí Kẻ Sặt, các làng nghề mộc Đông Giao, Đức Minh.

5. Nhận thức về bảo vệ môi trường.

Kết quả phỏng vấn 26 Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch xã, 28 Trưởng thôn, Trưởng khu dân cư có làng nghề cho thấy, nhận thức của cán bộ địa phương về bảo vệ môi trường khá tốt. Họ cho rằng việc bảo vệ môi trường sống nói chung và môi trường trong các làng nghề đang sản xuất nói riêng là rất cần thiết và là trách nhiệm của mọi thành viên trong cộng đồng làng xã. Phát triển sản xuất phải gắn liền với bảo vệ môi trường.

Kết quả phỏng vấn 1.767 chủ hộ sản xuất có 1.131 người, bằng 64,3% cho rằng trách nhiệm bảo vệ môi trường là của cộng đồng dân cư trong xã; 412 người, bằng 23,3% trả lời là trách nhiệm của huyện, tỉnh và Nhà nước; 177 người, bằng 10% trả lời không biết; 43 người, bằng 2,4% không trả lời.

6. Giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề.

Đề tài đưa ra hệ thống 7 giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề và phát triển bền vững. Cụ thể như sau:

a. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về phát triển sản xuất làng nghề gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

b. Khuyến khích tổ chức tiếp thị, mở rộng thị trường, đảm bảo tiêu thụ các sản phẩm của các làng nghề.

c. Đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ và áp dụng khoa học và công nghệ để phát triển sản xuất hàng hoá của làng nghề.

d. Quy hoạch làng nghề từ tỉnh đến các huyện, thành phố gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

e. Đào tạo tay nghề, tập huấn khoa học và công nghệ, kiến thức thị trường để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho làng nghề.

f. Bảo vệ môi trường làng nghề, bao gồm: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đề xuất các biện pháp cải thiện môi trường cho từng loại hình làng nghề.

g. Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với làng nghề nói chung và làng nghề nói riêng.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả nghiên cứu đề tài là căn cứ khoa học giúp các cấp uỷ Đảng và chính quyền từ tỉnh đến huyện nắm được tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất, môi trường ở các làng nghề để có chủ trương phát triển bền vững phù hợp; giúp các cơ quan quản lý có những chính sách hỗ trợ để khôi phục các làng nghề truyền thống trong tỉnh.

Tin khác

Cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Oanh Điệp - phát triển nghề tiểu thủ công truyền thống (27/09/2018)

Hải Dương: Chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công (17/08/2016)

Tăng chất lượng xử lý bề mặt công trình xây dựng bằng bột trét tường (17/08/2016)

Nâng cao chất lượng và thẩm mỹ công trình với keo dán gạch (22/05/2016)

Ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển: Chờ luồng gió mạnh (20/05/2016)

Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ chắp cánh cho nền kinh tế vươn xa (24/12/2015)

Ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển: Chờ luồng gió mạnh (28/10/2015)

Hiện trạng và giải pháp hoạt động của các khu, cụm công nghiệp (14/07/2015)

Việt Nam lần đầu tiên có nhà máy ứng dụng công nghệ nano bạc (09/01/2015)

Ứng dụng công nghệ Jet-Grouting trong công trình xây dựng tỉnh Hải Dương (17/03/2014)

Thông xe nút giao thông lập thể giữa đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 5 và đường tỉnh lộ 390. (19/01/2014)

Đẩy mạnh chương trình phát triển vật liệu xây không nung (02/07/2013)

Bước phát triển của giao thông nông thôn ở Hải Dương (08/04/2013)

Thiết bị rải bê tông "made in Việt Nam" (13/09/2012)

Tỉnh Hải Dương qua 3 năm thực hiện Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (26/03/2012)

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.