Khoa học và Công nghệ (số 3-2018) -0001-11-30 07:06:30

  Một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương nhờ có nhiều hệ thống sông ngòi đa dạng và các vùng chiêm trũng nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăn nuôi thủy cầm. Điển hình phải kể đến một số mô hình nuôi tập trung theo quy mô trang trại ở xã Bình Xuyên, xã Thái Hòa (huyện Bình Giang), xã Ngô Quyền, xã Tân Trào, xã Đoàn Kết (huyện Thanh Miện), xã Nam Tân, xã Hiệp Cát, xã Quốc Tuấn (huyện Nam Sách).Theo số liệu thống kê năm 2016 lượng thủy cầm của tỉnh đạt 1.946.000 con. Nhờ có chính sách hỗ trợ từ Trung ương và của tỉnh trong những năm gần đây nên nhiều mô hình chăn nuôi thủy cầm trên địa bàn tỉnh ta đã được hình thành và duy trì phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Một số đề tài, dự án khoa học áp dụng các giống thủy cầm mới đã được triển khai trên địa bàn tỉnh: vịt Super M3, vịt Super Heavy, vịt Đại Xuyên PT và ngan VS152. Trong quá trình thực hiện các đề tài, dự án khoa học đã đồng thời tuyên truyền và phổ biến sâu rộng quy trình kỹ thuật chăn nuôi các giống thủy cầm cho người dân, giúp người chăn nuôi tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học  công nghệ mới vào sản xuất, thúc đẩy sản xuất thủy cầm theo hướng hàng hóa, sản xuất tập trung.

Để nâng cao được hiệu quả chăn nuôi thủy cầm, các hộ chăn nuôi nên thực hiện nghiêm chỉnh quy trình kỹ thuật do cán bộ kỹ thuật, cơ quan chuyên môn hướng dẫn, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung cần lưu ý trong quá trình chăn nuôi, nhất là việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đối với các giống thủy cầm trong mùa hè thu.

- Chuồng trại: Mùa hè thu có thời tiết oi nóng nên chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng mát. Bề mặt tường, trần và nền láng xi măng bằng phẳng, nhẵn. Nền chuồng có độ dốc từ 7 - 100 để thuận tiện cho khâu dọn vệ sinh, tẩy uế… Vị trí làm chuồng nuôi nên chọn nơi cao ráo, thoáng mát, điều kiện chuồng nuôi phải phù hợp với quy mô chăn nuôi. Xây dựng chuồng phải có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác vệ sinh phòng dịch và an toàn sinh học. Nên làm sàn (lưới hoặc nhựa) để thuận tiện cho công tác vệ sinh, chăm sóc thủy cầm. Làm sàn chuồng và sàn đậu bằng lưới mạ kẽm hoặc bằng nhựa hình mắt sàng (1,5x 1,5 x 1,5) cho ngan.Khoảng cách giữa nền chuồng với mặt sàn cao 25-30 cm để tiện cho việc vệ sinh chuồng trại.

Hộ gia đình có điều kiện đầu tư có thể đầu tư hệ thống phun ẩm. Đây là hệ thống phun nước trên mái trần chuồng trại nhằm làm giảm nhiệt độ mái chuồng trại khi thời tiết có nhiệt độ cao và nắng to. Lưu ý khi phun nước thì nên cần quan tâm đến việc tăng cường sự thông gió và thoát nước xung quanh chuồng để tránh làm tăng độ ẩm cho chuồng trại.Có thể áp dụng một số biện pháp hạn chế nắng chiếu xiên vào chuồng: Dùng lưới đen hoặc trồng cây xanh, giàn cây leo che mái và hướng nắng.

Sân chơi có thể là bãi cát, vườn cây, sân bê tông, sân gạch phải dọn sạch và tiêu độc. Nếu sân bê tông, sân gạch cần phải nhẵn và được quét dọn thường xuyên. Diện tích sân chơi bằng 2 lần diện tích nền chuồng. Có thể có mương nước, ao hồ sạch, xây bể hoặc mương nước nhân tạo có độ sâu 25- 30 cm, kích thước tuỳ thuộc số lượng thủy cầm hàng ngày thay nước để nước luôn sạch cho thủy cầm tắm.

Vị trí chăn thả với thủy cầm phải có nguồn nước đảm bảo, không bị ô nhiễm. khu chuồng và khu chăn thả nen có nhiều cây cối xung quanh chuồng trại để làm giảm bức xạ của ánh nắng và làm nơi trú ngụ cho thủy cầm khi cần. Nếu nuôi cạn, phải có bể tắm và thay nước thường xuyên. Về mùa nóng cần giảm mật độ nuôi.

- Nước uống cho thủy cầm: Nước uống cho thủy cầm, cần có chất lượng tốt và phải được cấp thường xuyên, ảm bảo đủ nhu cầu nước của thủy cầm trong mùa nóng. Bồn chứa và ống dẫn phải vệ sinh hoặc thực hiện rửa sát trùng đúng thời hạn. Mức độ tiêu thụ nước uống sẽ thay đổi phụ thuộc vào sự tiêu thụ thức ăn, nhiệt độ môi trường, khối lượng cơ thể và tình trạng sức khoẻ. Trong điều kiện khí hậu mùa hè thu nóng bức lượng nước tiêu thụ cho thủy cầm tăng nhiều lần.

Kỹ thuật cho vịt uống nước cần lưu ý:Vị trí đặt máng uống phải bố trí cho thủy cầm dễ tiếp cận theo tuổi của vật nuôi (con nhỏ, con to) đảm bảo không bị máng ăn che khuất, tốt nhất nên để xen kẽ với máng ăn để con vật uống được thuận tiện. Sử dụng máng uống tròn bằng nhựa loại 2lít hoặc 5lít tuỳ theo lứa tuổi. Cho uống nước sạch và đầy đủ.

- Thức ăn cho thủy cầm: Thức ăn đảm bảo dinh dưỡng theo nhu cầu của thủy cầm qua các giai đoạn sinh trưởng và phát triển sẽ giúp thủy cầm khỏe và lớn nhanh. Cho ăn thức ăn phù hợp với lứa tuổi để đảm bảo dinh dưỡng. Cho ăn đủ khẩu phần, thức ăn nên chia làm nhiều bữa để kích thích con vật ăn được nhiều. Đối với thủy cầm có thể bổ sung rau xanh vào thức ăn khi thời tiết nắng, nóng.Để vịt, ngan ăn được nhiều, hiệu quả chuyển hóa thức ăn tốt cần cho ăn theo bữa, hết thức ăn mới cho ăn tiếp để thức ăn thường xuyên mới, có mùi thơm sẽ kích thích con vật ăn nhiều. Chú ý đảm bảo chất lượng thức ăn tốt không bị nhiễm mốc, ôi thiu.

Giai đoạn thủy cầm còn nhỏ:Mỗi ngày cho ăn 5- 7 lần để thức ăn luôn mới, thơm ngon, tăng tính thèm ăn và tránh gây lãng phí, ôi thiu, ... Thức ăn đổ đều vào các máng đảm bảo cho mỗi con đủ chỗ đứng để ăn.

Nên dùng thức ăn hỗn hợp của các công ty có uy tín. Từ tuần thứ 5 có thể trộn các nguyên liệu thức ăn sẵn có của địa phương với thức ăn đậm đặc.Bên cạnh đó, có thể tận dụng khả năng tự kiếm mồi, chăn thả trên đồng ruộng sau các mùa vụ để giảm giá thành chăn nuôi và giúp thủy cầm có sức đề kháng tốt hơn với dịch bệnh.

- Phòng chống dịch bệnh: Mùa hè thu có thời tiết bất thuận, nắng nóng cục bộ, mưa nắng thất thường trong các giai đoạn chuyển mùa nên người chăn nuôi cần  thường xuyên theo dõi hàng ngày tình trạng sức khỏe của từng cá thể như: trạng thái đi đứng, ăn uống, phân trắng, liệt chân, ủ rũ, chảy nước mắt, nước mũi,  khó thở, ...;trong các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của đàn thủy cầm cần phát hiện sớm những con bị bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời để  tránh lây lan rộng, làm thiệt hại kinh tế. Những con có triệu trứng bất thường cần tách riêng, để theo dõi, điều trị, tránh lây lan và ảnh hưởng tới các con khác. Thực hiện tiêm phòng vacxin theo quy trình phù hợp với dịch tễ của mỗi địa phương. Bên cạnh việc tiêm phòng vacxin, trong điều kiện thời tiết bất lợi  nên sử dụng kháng thể để  nâng cao sức khỏe cho vật nuôi. Để đảm bảo sức khỏe cho thủy cầm, tạo ra sức đề kháng tốt với dịch bệnh  thì các hộ chăn nuôi không chăn thả lúc thời tiết nắng nóng.

Giữ vệ sinh chuồng nuôi bằng các biện pháp cơ học (quét dọn chuồng trại, vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày); hóa học (phun khử trùng chuồng nuôi và khu vực chăn thả Virkon, Han-Iodine, Benkocid).

Người chăn nuôi không được giết mổ bừa bãi, tránh lây lan mầm bệnh. Nếu thủy cầm bị ốm, chết không được bán hoặc ăn thịt. Phải có khu đốt hoặc chôn xác. Khi chôn phải chôn sâu trước khi lấp phải rắc vôi bột. Thường xuyên phun thuốc sát trùng khu vực này. Không được sử dụng lại thức ăn thừa của những đàn thủy cầm bị bệnh cho đàn khác. Trong quá trình thực hiện những công việc trên người chăn nuôi đặc biệt chú ý bảo vệ mình bằng cách mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, đi ủng, đeo kính bảo hộ, đội mũ, đi găng tay, sau khi thực hiện công việc xong phải tắm rửa và sát trùng tay chân cẩn thận.

Khi sử dụng vacxin cần chú ýnhững điểm sau:Chỉ sử dụng vacxin khi thủy cầm khỏe mạnh; nên bổ sung vitamin tổng hợp hoặc điện giải cho con vật uống trong thời gian sử dụng vacxin; sử dụng dụng cụ tiêm đã được vô trùng, sử dụng đúng liều lượng, bảo quản vacxin theo hướng dẫn của nhà sản xuất; lọ vacxin sau khi sử dụng phải được khử trùng, sau đó có thể chôn hoặc để nơi quy định; đảm bảo dùng đúng lịch vac xin phòng bệnh, nên tiêm phòng thêm tụ huyết trùng trong giai đoạn hè thu; nên bổ sung thêm vitamin A, B complex, vitamin C, men tiêu hóa …để tăng sức đề kháng và hấp thu dinh dưỡng cho thủy cầm.

Bài của Vũ Văn Tân - PGĐ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.