Lĩnh vực Giáo dục 2008-12-26 16:30:13

ĐỀ TÀI THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN BẬC TIỂU HỌC TỈNH HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài: Th.S Nguyễn Vinh Hiển, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương

Thời gian thực hiện: 4/2001 - 01/2002.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.

I. MỤC TIÊU

Nghiên cứu lý luận, thực tiễn, thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Tiểu học trong phạm vi tỉnh Hải Dương những năm 2001 - 2010.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Thực trạng giáo dục Tiểu học tỉnh Hải Dương.

1.1. Những mặt tích cực:

Thực trạng giáo dục Tiểu học ở tỉnh Hải Dương hiện nay đã có tiến bộ hơn so với thời kỳ 1989 - 1991, khi mới tách trường tiểu học ra khỏi trường trung học cơ sở (thời kỳ tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ), chất lượng đại trà đã được nâng lên, tỉnh đã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

Đối với bậc tiểu học, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đủ biên chế theo quy định đối với cán bộ quản lý và giáo viên. Số lượng giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn chiếm tỉ lệ cao (vượt 22,8% so với mặt bằng toàn quốc). Mạng lưới trường tiểu học phát triển, cơ sở vật chất, nền nếp chuyên môn, chất lượng dạy học từng bước tiến bộ, là tỉnh thứ 6/61 tỉnh, thành phố của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2000.

1.2. Một số hạn chế cần khắc phục:

So với tiêu chuẩn trường tiểu học chuẩn quốc gia và so với yêu cầu giáo dục toàn diện theo chuẩn chương trình, bậc tiểu học còn một số hạn chế như:

- Về cơ sở vật chất, diện tích khuôn viên, đồ dùng thiết bị, phương tiện dạy học, sân chơi, bãi tập ở một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu làm hạn chế việc dạy học và giáo dục toàn diện.

- Đội ngũ giáo viên vừa thừa, vừa thiếu. Có nơi thừa giáo viên trong biên chế theo định mức (toàn tỉnh đạt 1,24 giáo viên/lớp, định mức là 1,15 giáo viên/lớp), song lại thiếu giáo viên dạy chuyên các môn hát - nhạc, mỹ thuật. Việc thiếu giáo viên các bộ môn này cùng với thiếu phương tiện, đồ dùng dạy học nên các môn học đó chưa thực hiện được mức độ chuẩn chương trình cho các môn học nói trên.

- Việc đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, xây dựng trường tiểu học theo chuẩn Quốc gia đã được triển khai thực hiện song tiến độ còn chậm. Hiện tượng học sinh và một bộ phận giáo viên nói ngọng, viết sai chính tả là phổ biến ở các địa phương trong tỉnh.

- Đa số cán bộ và nhân dân chưa thấy rõ được những yêu cầu của xã hội đối với nhà trường, sớm hài lòng với những điều kiện và thành tích hiện tại là nguyên nhân làm hạn chế sự tiến bộ của các nhà trường.

2. Hệ thống giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện bậc tiểu học:

2.1. Giải pháp 1.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân về giáo dục tiểu học và chủ trương lớn của ngành về giáo dục tiểu học. Đây phải được coi là giải pháp quan trọng có tính chiến lược, vì nếu tư tưởng thông suốt thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết tận gốc.

2.2. Giải pháp 2.

Củng cố và nâng cấp cơ sở vật chất trường học, thiết bị dạy học, để dạy học 2 buổi/ngày ở 50% số lớp vào năm 2005 và 100% số lớp vào năm 2010.

Nguồn kinh phí đầu tư củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất được huy động từ các nguồn vốn do phụ huynh học sinh đóng góp, nguồn vốn từ chương trình, mục tiêu, nguồn viện trợ nước ngoài, v.v... và phát động giáo viên, học sinh tự làm đồ dùng giảng dạy

2.3. Giải pháp 3.

Nâng cao năng lực của cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên bậc tiểu học.

- Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý của tỉnh và các lớp cao đẳng, đại học tại chức. Có chính sách phù hợp để trẻ hoá đội ngũ giáo viên. Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên tiểu học, chú ý khắc phục bệnh nói ngọng trong giáo viên trẻ ngay từ khâu đào tạo. Thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề.

- Thông qua "Phong trào thi đua hai tốt" để lựa chọn những điển hình cán bộ quản lý và giáo viên giỏi các cấp. Có hình thức động viên khen thưởng kịp thời và đề bạt cất nhắc để tạo động lực cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy tốt và tham gia công tác quản lý tốt.

- Sắp xếp bổ nhiệm lại cán bộ quản lý theo chu kỳ, phân công giảng dạy cho giáo viên cho phù hợp và khuyến khích sáng tạo phương pháp dạy học.

2.4. Giải pháp 4:

Chỉ đạo tốt phong trào đổi mới phương pháp dạy học.

- Coi đổi mới phương pháp dạy học vừa là yêu cầu, vừa là nhu cầu của cán bộ quản lý và giáo viên.

- Tổ chức hội thi cán bộ quản lý giỏi từ hiệu trưởng đến phó hiệu trưởng và các tổ trưởng, thực hiện triệt để việc dạy 1 buổi/tuần (đối với hiệu trưởng) và 2 buổi/tuần (đối với hiệu phó) để nâng cao năng lực quản lý và hiểu biết thực tế dạy học của cán bộ quản lý.

- Tổ chức đào tạo giáo viên các môn ít tiết và phân phối giáo viên theo địa chỉ trước hết là trường chuẩn, trường điểm, trường tiên tiến xuất sắc, trường tiên tiến.

- Mở các lớp bồi dưỡng giáo viên, đào tạo nâng chuẩn giáo viên tiểu học và giao cho trường Cao đẳng sư phạm tiếp tục đào tạo giáo viên tiểu học, trong đó chú trọng đào tạo giáo viên hát - nhạc, mĩ thuật, thể dục để tạo nguồn cho giai đoạn sau.

- Kết hợp việc dạy kiến thức văn hoá với việc giáo dục lối sống, giáo dục học sinh về môi trường, vì môi trường xanh - sạch - đẹp giáo dục an toàn giao thông, dân số kế hoạch hoá gia đình... Đồng thời tổ chức tốt hoạt động ngoài giờ lên lớp theo chủ điểm từng năm học.

2.5. Giải pháp 5:

- Xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia theo các tiêu chuẩn giai đoạn 1996-2000; 2001-2005 theo điều kiện kinh tế - xã hội của các vùng miền trong tỉnh. Đây chính là mô hình trường tiểu học mới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2001-2010.

- Tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày (có hoặc không có bán trú) là một chủ trương lớn mang tính chiến lược trong sự phát triển giáo dục tiểu học nhằm mục đích giáo dục trẻ phát triển toàn diện, hài hoà cả về đức, trí, thể, mĩ, đáp ứng nhu cầu mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thực tế ở các trường có tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho thấy, trẻ có điều kiện phát triển trí tuệ hơn.

2.6. Giải pháp 6:

Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo giáo dục Tiểu học.

Căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục ngắn hạn và dài hạn, trong đó tập trung vào một số vấn đề trọng điểm sau đây:

- Kế hoạch phát triển trường lớp nói chung, trường dạy 2 buổi/ngày có bán trú và trường chuẩn Quốc gia theo mô hình Chuẩn giai đoạn 1996-2000 và 2001-2005 nói riêng.

- Có kế hoạch mở các trường dân lập, bán công ở những nơi có điều kiện theo nhu cầu của phụ huynh học sinh và có sự chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục.

- Trong việc xây dựng kế hoạch phát triển và quy mô trường lớp cần chú ý tới việc mở các lớp cho trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Chú ý tới các khu vực vùng sâu vùng xa trong việc quy định số học sinh trên lớp.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả nghiên cứu đã được Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng trong công tác tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, bắt đầu từ khâu đào tạo giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng học toàn diện cho học sinh tiểu học

Tin khác

Kết quả thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011- 2015 (08/09/2016)

Olympic Hóa học 2016: Việt Nam đoạt ba Huy chương (02/08/2016)

Việt Nam đạt 8 giải Olympic Vật lý châu Á 2016 (09/05/2016)

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói VNEN làm thay đổi cả thầy và trò (28/12/2015)

Lớp học sáng tạo ứng dụng công nghệ đầu tiên tại Việt Nam (04/11/2015)

Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp môn (21/07/2015)

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông trong dạy và học (17/09/2014)

Hải Dương: Nghiên cứu, đổi mới chương trình dạy học Lịch sử, Địa lý địa phương (15/06/2014)

Nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy Lịch sử và Địa lý tỉnh Hải Dương cấp phổ thông (27/05/2014)

Hải Dương: Xây dựng làng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự (31/03/2014)

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các trường đại học (12/03/2014)

Xây dựng thành công phần mềm từ điển tiếng Việt cho học sinh (18/02/2014)

Xây dựng thành công phần mềm từ điển tiếng Việt cho học sinh (02/12/2013)

Phong trào khuyến học ở làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (07/11/2012)

Một số yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn tỉnh Hải Dương. (25/03/2012)

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.