Lĩnh vực Môi trường 2008-12-26 13:11:31

DỰ ÁN ĐIỀU TRA ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG CHÍ LINH VÀ CÁC VÙNG PHỤ CẬN, ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BỀN VỮNG  

Chủ nhiệm dự án: KS. Vũ Bảo Dương, Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện chính: Trường Đại học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội, Bộ Quốc phòng; Viện Sinh thái Tài nguyên Sinh vật; Trung tâm Tài nguyên và Sinh vật Quốc gia.

Thời gian thực hiện: Năm 1997 - 1998

Dự án được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Điều tra đánh giá hiện trạng các thành phần môi trường của huyện Chí Linh và vùng phụ cận.

- Đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường bền vững cho khu vực huyện Chí Linh và vùng phụ cận.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Điều tra hiện trạng môi trường đất

Từ thực tế sử dụng đất hiện nay của huyện Chí Linh, dự án đã phân thành 7 loại đất để điều tra đánh giá, bao gồm: đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất đồi núi trọc, đất khu dân cư, đất khu công nghiệp, đất khu khai thác than, đất chịu lửa, đất ven đường giao thông.

Quá trình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất công nghiệp và hoạt động giao thông vận tải có tác động rất lớn đến môi trường đất của huyện Chí Linh. Qua điều tra, khảo sát, phân tích cho thấy, tuy hàm lượng kim loại nặng và các độc tố trong đất còn ở mức thấp, chưa ảnh hưởng lớn đến môi trường đất, song để bảo vệ đất cần phải có biện pháp tổng hợp nhằm phủ xanh thảm thực vật trên diện tích canh tác bằng cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây nông sản thực phẩm... Riêng đối với đất dân cư, đất khu công nghiệp và các loại đất khác cần được quy hoạch, khai thác hợp lý để hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả gây ô nhiễm môi trường đất.

2. Hiện trạng môi trường nước.

2.1. Nước mặt.

Nguồn nước mặt của các nhánh sông thuộc hệ thống sông Thái Bình chưa bị ô nhiễm; thành phần và hàm lượng các chất có trong nước đảm bảo tiêu chuẩn nguồn nước mặt loại B (TCVN 5942-1995). Chất lượng nguồn nước tại thời điểm hiện nay và tương lai phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng nguồn nước từ các nhánh sông thượng nguồn như: sông Đuống, sông Lục Nam, sông Cầu, sông Thương... Nguồn nước mặt của hệ thống sông tự nhiên khu vực Chí Linh và vùng phụ cận đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước cho sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Ngoài mục đích sử dụng cho công nghiệp, nông nghiệp, nguồn nước thuộc hệ thống sông Thái Bình còn nước phục vụ sinh hoạt.

2.2. Đánh giá khả năng khai thác nước dưới đất.

Khả năng khai thác nước dưới đất khu vực huyện Chí Linh tập trung vào 3 tầng chứa nước chính:

- Tầng chứa nước lỗ hổng có nguồn gốc hỗn hợp sông, biển (aII) ở khu vực phía nam và đông nam huyện với lưu lượng khoảng 1.000 m3/ngày đêm, có thể khai thác bằng giếng khoan nhỏ lẻ.

- Tầng chứa nước lỗ hổng có nguồn gốc hỗn hợp sông, biển (apII) lưu lượng dồi dào, chất lượng khá, ở khu vực trung tâm có thể khai thác cấp nước tập trung với lưu lượng 13.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu dùng nước sinh hoạt cho các cụm dân cư.

- Tầng đá gốc nứt nẻ, rắn chắc T, P2, D2 khai thác trong các đới phá huỷ, đứt gẫy phía Bắc có thể đáp ứng lưu lượng 2000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên các lỗ khoan khai thác phải bố trí tại vị trí lỗ khoan thăm dò mới đảm bảo được lưu lượng và chất lượng nước.

- Đối với khu vực vùng núi phía Bắc của huyện, nước ngầm tích trữ trong đới phong hoá với lưu lượng rất nhỏ, chỉ khai thác bằng các giếng đào, ở các thung lũng trước núi gặp các thấu kính chứa nước chỉ khai thác bằng giếng khoan lắp bơm tay; khu vực này chủ yếu dùng giếng đào và bể nước mưa phục vụ nước sinh hoạt.

Có thể nói hầu hết các thuỷ vực nước mặt và nước ngầm của khu vực Chí Linh chưa bị ô nhiễm, trừ một số thuỷ vực hồ, sông chứa nước thải sinh hoạt hay nước thải sản xuất có ô nhiễm ở những mức độ khác nhau.

Nguồn nước tại các thuỷ vực này đáp ứng cho tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và cấp nước sinh hoạt cho dân. Tuy nhiên nếu như nguồn nước này không được bảo vệ tốt thì sẽ bị ô nhiễm trong tương lai không xa. Những dấu hiệu biểu hiện ô nhiễm ở đây là hàm lượng chất dầu mỡ trên hệ thống sông Thái Bình và hàm lượng Nitơrít, kim loại nặng, thuốc sâu của hệ thống sông và hồ chứa nước thải công nghiệp có xu hướng tăng.

3. Môi trường không khí khu vực huyện Chí Linh và vùng phụ cận.

Có thể đánh giá một cách tổng quát là trên địa bàn huyện Chí Linh, tại các khu vực sản xuất công nghiệp, khai thác chế biến khoáng sản..., trên các tuyến đường giao thông, khu vực dân cư xung quanh đã bị ô nhiễm bụi, nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép. Chưa bị ô nhiễm các loại khí độc và tiếng ồn, hàm lượng CO2, NOx, SO2 đều dưới ngưỡng cho phép. Trên các tuyến đường giao thông (đường 18, 183) còn bị ô nhiễm khí Cácbuabyđrô (CxHy) và hơi chì, hai thành phần này đều có nồng độ cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Khu dân cư xa khu vực sản xuất công nghiệp như vùng Côn Sơn - Kiếp bạc, khu dân cư Sao Đỏ chưa bị ô nhiễm bụi, khí độc và tiếng ồn. Môi trường ở những khu vực này còn ít bị ô nhiễm, các chỉ tiêu xác định được về bụi, thành phần khí, tiếng ồn đều ở dưới ngưỡng cho phép đối với khu vực dân cư.

4. Hiện trạng tài nguyên sinh vật.

4.1. Đánh giá hiện trạng tài nguyên thực vật Chí Linh.

- Chí Linh hiện còn 2.389 ha rừng tự nhiên, phân bổ rải rác ở các xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Lê Lợi, Cộng Hoà và tập trung chủ yếu ở thôn Đồng Châu, Hố Đình xã Hoàng Hoa Thám là 1.747 ha rừng. Chất lượng rừng suy giảm, lớp thực vật che phủ chủ yếu là những cây nhỏ, tầng vượt tán hầu như không có. Diện tích rừng luôn bị xâm lấn bởi sự phát triển của vườn đồi.

- Tuy là rừng thứ sinh và nghèo kiệt nhưng với số lượng của 507 loài đã tìm thấy trong quá trình khảo sát là nền tảng để bảo vệ sự phát triển bền vững hệ sinh thái môi trường đối với sự phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ bền vững của thị trấn Sao Đỏ và huyện Chí Linh trong tương lai.

- Về giá trị tài nguyên, hiện rừng Chí Linh có 107 loài cây gỗ, 132 loài cây làm dược liệu, 9 loài cây quý hiếm và nhiều loài cây có công dụng khác... đang là tiềm năng cho môi trường và tài nguyên. Rừng trồng theo mô hình trồng hỗn tạp nhiều loài như hiện nay đã thay thế cho rừng trồng thuần loại bạch đàn trước đây sẽ đưa lại những kết quả tốt, cải tạo được môi trường sinh thái và phủ nhanh đất trống, đồi trọc.

- Cảnh quan sinh thái khu vực Côn Sơn - Kiếp Bạc còn thô sơ. Rừng tự nhiên còn lại cần được bảo vệ khoanh nuôi để trong vòng 10 - 20 năm tới sẽ tạo được thảm cây như ở chùa Thanh Mai hiện nay. Khôi phục đồi lim xanh ở Đền Cao và phát triển cây lim ra xung quanh hồ An Lạc, trồng xen với các cây keo, muồng, tạo được quần thể thực vật đa dạng, phong phú. Diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại các khu di tích lịch sử, rừng tái sinh thuần loại đã giao cho các tổ chức, cá nhân chăm sóc bảo vệ cần được đôn đốc kiểm tra ngăn chặn sự xâm lấn rừng. Cần đầu tư xây dựng và phổ biến một số mô hình giữ rừng cho tương lai của Chí Linh và Hải Dương.

5. Hiện trạng tài nguyên động vật vùng Chí Linh.

5.1. Thành phần loài của các nhóm động vật.

Thành phần của 5 nhóm động vật đã thống kê được như sau:

Nhóm động vật

Số bộ

Số họ

Số loài

Thú

8

21

42

Chim

17

37

99

Bò sát

2

13

41

Lưỡng cư

1

5

21

8

17

51

Tổng cộng

36

93

254

5.2. Một số nhận xét.

- Cùng với sự giảm diện tích rừng đã kéo theo sự mất đi của 18 loài thú. Những loài thú đã mất đều là những loài có giá trị rất lớn về mặt kinh tế và sinh học. Các loài còn lại (trừ các loài chuột và dơi) đều có số lượng ít hoặc rất ít. Tình trạng thú rừng đã và đang ở tình trạng báo động khẩn cấp.

- Khu hệ chim khá phong phú và đa dạng, vừa có các loài chim ở đồng bằng, vừa có các loài chim ở rừng núi. Điều đáng lo ngại hiện nay là sự phát triển vườn đồi đã sử dụng ngày càng nhiều thuốc trừ sâu các loại cho sản xuất nguy cơ làm suy thoái các loài chim kiếm ăn ở rừng.

- Các loài bò sát bị khai thác nhiều, có thể đã mất đi các loài rùa và sẽ biến mất các loài khác như tắc kè, kỳ đà hoa, trăn mốc... Các loài rắn cũng sẽ biến mất trong từng khu vực.

- Cá và động thực vật thuỷ sinh khá phong phú, các thuỷ vực chưa bị ô nhiễm. Khai thác và bảo vệ các thuỷ vực như thế nào cần xem xét kỹ trong hiện tại và tương lai.

Nếu không giữ được rừng tự nhiên sẽ dẫn đến sự mất mát đa dạng động vật nói chung do mất nơi ở, nơi kiếm ăn và nguồn thức ăn cho chúng, mất nguồn cung cấp nước thường xuyên cho một số đầm hồ, từ đó nguồn thuỷ sinh vật sẽ suy giảm.

6. Những đề xuất, hoàn chỉnh phương án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên quan điểm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

6.1. Kiến nghị về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị và phát triển nông thôn.

- Đào tạo cán bộ, nâng cao chất lượng nhân lực phải coi là giải pháp hàng đầu để thực hiện quy hoạch lâu bền bằng việc xây dựng trường đào tạo cán bộ kỹ thuật quy mô địa phương.

- Quy hoạch đô thị phải đồng thời với quy hoạch nông thôn trong quy hoạch tổng thể. Trước hết cần có dự án nghiên cứu, đánh giá và quy hoạch phát triển cây ăn quả phục vụ phát triển nông thôn và tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến.

6.2. Kiến nghị về quy hoạch du lịch.

Trong quy hoạch du lịch nên chú trọng quy hoạch khu du lịch quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và kết hợp giữa du lịch và nghỉ dưỡng.

Sau đây là những điểm bổ sung cho phương hướng phát triển du lịch và các giải pháp cụ thể:

- Mở rộng và liên thông cụm du lịch Côn Sơn - Kiếp bạc - Chu Văn An... Trước hết cần đầu tư xây dựng đường xá cho tiện đi lại của du khách.

- Nghiên cứu phục hồi thảm cây rừng, phù hợp với cảnh quan tự nhiên tương tự thời Nguyễn Trãi ở Côn Sơn và Trần Hưng Đạo ở Kiếp Bạc.

- Tổ chức và quản lý tốt các dịch vụ du lịch, trước hết ở Côn Sơn - Kiếp Bạc và di chuyển một số công trình đã xây dựng xung quanh khu du lịch có ảnh hưởng đến mỹ quan và môi trường (Đài Liệt sĩ trước cổng vào đền Côn Sơn).

6.3. Kiến nghị về quy hoạch phân bố dân cư.

Quy hoạch dân cư nông thôn và đô thị là vấn đề xã hội hết sức phức tạp. Khi tiến hành quy hoạch dân cư của huyện Chí Linh dọc theo tuyến du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc phải theo quan điểm sinh thái và nhân văn để bản quy hoạch có tính khả thi và hiệu quả.

6.4. Kiến nghị về quy hoạch, biện pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững huyện Chí Linh.

- Xây dựng bổ sung hướng quy hoạch môi trường như một nội dung của quy hoạch tổng thể, tương đồng với quy hoạch ngành trong toàn huyện. Nó được xem như một biện pháp bảo vệ môi trường để chỉ đạo và điều chỉnh các dự án chi tiết, các hoạt động kinh tế trên quan điểm phát triển bền vững.

Trên cơ sở đánh giá dự báo môi trường, tiến hành quy hoạch tổng thể cho toàn huyện và quy hoạch môi trường chi tiết đối với từng khu vực trên địa bàn. Phương án quy hoạch môi trường có thể thực hiện song song với quy hoạch ngành, nhưng phải hoàn thành trước. Cần bổ sung phương án bảo vệ rừng tự nhiên và hoàn chỉnh phương án phủ xanh đất trống, đồi núi trọc sao cho có hiệu quả thực sự.

- Xem xét lại việc quy hoạch điểm nghĩa trang mới và bãi tập kết rác thải rắn ở thị trấn Sao Đỏ.

- Các cơ sở công nghiệp, các xí nghiệp nhà máy, khi xây dựng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể, hạn chế chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.

- Tổ chức quan trắc thường kỳ hiện trạng môi trường các khu công nghiệp và khu vực xung quanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

- Đẩy mạnh công tác quản lý môi trường bằng việc thành lập công ty môi trường trên cơ sở HTX môi trường Sao Đỏ hiện có.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả của dự án đã được UBND huyện Chí Linh và một số ngành chức năng trong tỉnh sử dụng tra cứu trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Chí Linh và một số khu vực trong huyện.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.