Thông tin ứng dụng chuyển giao 2009-06-01 04:31:51

Thực hiện kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2009, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình thâm canh các giống lúa chất lượng HT6, N46 và áp dụng kỹ thuật gieo hạt bằng máy kéo tay trên địa bàn tỉnh Hải Dương".

Vụ Xuân năm 2009 Trung tâm đã triển khai 20 ha với 2 giống HT6 và N46 tại 2 điểm: thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện 10 ha, xã An Đức, huyện Ninh Giang 10 ha. Ở mỗi điểm đều theo dõi đối chứng với giống lúa Bắc thơm số 7 hoặc Khang dân 18 (KD18).
Giống lúa N46 được chọn từ tổ hợp lai: Tẻ thơm x TBB7 (nguồn từ IRRI), do tiến sĩ Nguyễn Hữu Tôn, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội chọn tạo, có gạo trong, cơm dẻo, thơm và vị đậm. Thời gian sinh trưởng 120-125 ngày.
Giống lúa HT6 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo từ tổ hợp lai HT1 x VH, được công nhận giống tạm thời từ vụ mùa năm 2008, có cơm thơm, dẻo. Thời gian sinh trưởng 125-130 ngày.
Hai giống N46 và HT6 có thời vụ gieo cấy vào trà xuân muộn bằng gieo mạ trên nền đất cứng, hoặc gieo sạ bằng máy kéo tay theo hàng; mật độ 50 khóm/m2, mỗi khóm 2-3 hạt (hoặc cấy mỗi khóm 2-3 dảnh) vào thời gian ngày 3-4/2/2009.
Phân bón cho 01 ha lúa: 8-10 tấn phân hữu cơ, 220 - 240 kg đạm Urê, 400 - 450 kg Super Lân, 220 kg Kaliclorua. Tập trung bón lót toàn bộ phân hữu cơ + Lân + 50% Đạm + 40% Kaliclorua; bón thúc sau gieo 20-22 ngày: 50% Đạm, 40% Kaliclorua; bón đón đòng 20% Kaliclorua.
Điều tiết nước trong ruộng theo nhu cầu sinh lý của cây lúa. Từ cấy đến kết thúc đẻ nhánh để mực nước trong ruộng khoảng 3-5 cm sau đó rút nước phơi ruộng từ 15 đến 20 ngày và tiếp tục cho nước vào ruộng từ 7-10 cm đến lúc lúa chín sáp.
May_keo_tayTại hai điểm thực hiện mô hình, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học đã trang bị máy gieo hạt kéo tay và cùng Trung tâm Chuyển giao Công nghệ-Khuyến nông và Bộ môn Công nghệ hạt giống thuộc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm hướng dẫn kỹ thuật sử dụng máy gieo hạt kéo tay, cung cấp thóc giống, hướng dẫn cách ủ giống, kỹ thuật gieo, kỹ thuật chăm bón cho các hộ nông dân tham gia mô hình.
Theo dõi quá trình sinh trưởng, khả năng đẻ nhánh của giống lúa N46 và TH6 cao hơn KD18. Lúa được gieo sạ bằng máy kéo tay cứng cây, ít sâu bệnh, chi phí giống và công gieo ít hơn gieo vãi và cấy, chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm 1/3 so với KD18. Đối với gieo sạ bằng máy kéo tay, năng suất giống lúa TH6 đạt 6,85 tấn/ha (gieo vãi 6,41 tấn/ha), giống lúa N46 đạt 6,36 tấn/ha (gieo vãi 5,97 tấn/ha), KD18 (đối chứng) 6,25 tấn/ha.
Ngày 30//5/2009 tại thị trấn Thanh Miện, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo đầu bờ về mô hình thâm canh các giống lúa chất lượng HT6, N46 và áp dụng kỹ thuật gieo hạt bằng máy kéo tay. Các hộ nông dân thực hiện mô hình và các đại biểu dự hội thảo đền thống nhất đánh giá cùng một loại giống nếu áp dụng kỹ thuật gieo sạ bằng máy kéo tay cho năng suất và hiệu quả sản xuất cao hơn lúa gieo thẳng và cấy. Đề nghị ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình.
Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp khuyến cáo nông dân nếu áp dụng kỹ thuật gieo sạ bằng máy kéo tay cần chú ý làm đất nhuyễn, ruộng làm phẳng để khi kéo máy lăn đều, mạ gieo đều theo thiết kế và không có chỗ đọng nước chánh thối mộng mạ; ruộng gieo sạ cần chủ động tưới, tiêu nước để đến thời điểm gieo có thể rút cạn nước; mạ ngân có độn dài hợp lý, nếu ngắn quá khi kéo máy số hạt giống sẽ ra nhiều, nếu mộng mạ quá dài số lượng hạt lọt qua lỗ máy ít không đảm bảo số dảnh cần thiết. Các địa phương nên thành lập các nhóm liên gia để cùng nhau áp dụng có hiệu quả kỹ thuật gieo sạ bằng máy kéo tay.

Nguyễn Văn Vóc

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.