Lĩnh vực Môi trường 2008-12-26 13:14:14

ĐỀ TÀI ĐIỀU TRA HIỆN TRẠNG VÀ XÂY DỰNG QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH NUÔI TRỒNG BẢO VỆ - KHAI THÁC MỘT SỐ SINH VẬT THUỘC 60 HA NƯỚC LỢ BÃI NGOÀI ĐÊ SÔNG THÁI BÌNH, XÃ AN THANH, HUYỆN TỨ KỲ  

Chủ nhiệm đề tài: Kỹ sư Vũ Xuân Thường, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư huyện Tứ Kỳ.

Cơ quan chủ trì và thực hiện: Phòng Kế hoạch - Đầu tư huyện Tứ Kỳ.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Địa bàn triển khai: xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ.

Thời gian thực hiện: năm 1997 - 1998.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Nắm được thực trạng nguồn tài nguyên sinh vật vùng nước lợ và tình hình quản lý khai thác, sử dụng đất

- Đề xuất phương án quy hoạch, kế hoạch khai thác nuôi, trồng và bảo vệ, phát triển hệ đa dạng sinh vật đặc hữu vùng nước lợ (trọng tâm là bảo tồn và phát triển nguồn gen quí hiếm vùng nước lợ, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Thực trạng tình hình kinh tế - xã hội của xã An Thanh.

Xã An Thanh gồm 3 thôn nằm ở phía đông Nam của huyện Tứ Kỳ, phía Đông giáp huyện Thanh Hà; phía Nam giáp xã Quang Trung và Cộng Lạc; phía Tây Nam giáp xã Văn Tố. Tính đến 31/12/1997 xã có 2.112 hộ, 8.212 nhân khẩu, trong đó có 3.650 lao động trong độ tuổi.

Diện tích hành chính xã là: 1.115 ha. Trong đó diện tích canh tác là: 609 ha. Tổng diện tích gieo trồng: 1.298 ha. Tổng diện tích lúa cả năm: 1.100 ha; rau, mầu: 125 ha. Diện tích đất bãi ngoài đê sông Thái Bình: 162 ha (trong đó có 60 ha chịu ảnh hưởng nước lợ, sản xuất được một vụ lúa chiêm, thời gian còn lại bỏ hoang hoá). Năng suất lúa cả năm 1997 đạt 89,2 tạ/ha, ngô 35 tạ/ha, khoai tây 115 tạ/ha. Tổng số đàn lợn 3.484 con; đàn trâu bò 770 con; đàn gia cầm 30.000 con. Ngành nghề phụ như dệt chiếu cói 100 hộ; đánh bắt thuỷ sản 30 hộ. Tổng thu nhập toàn xã (năm 1997) 20.152,5 triệu đồng. Trong đó, nông nghiệp chiếm 60%, các nguồn thu còn lại chiếm 40%. Tỉ lệ hộ khá 10%, hộ trung bình 75%, hộ nghèo 15%. Trình độ dân trí vào loại trung bình của huyện. Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, đời sống và lưu thông hàng hoá trên thị trường.

Vùng nước lợ xã An Thanh nằm ở bãi ngoài đê sông Thái Bình, đất được bồi hàng năm, địa hình thấp, trũng.

Về khí hậu chịu ảnh hưởng chung của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiệt đới gió mùa, mùa đông khô lạnh, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình năm 26,25oC, ẩm độ 84%, lượng mưa trung bình 1.505 mm.

Vùng nước lợ nằm ở hạ lưu sông Thái Bình. Ngoài lượng nước từ thượng nguồn đổ về còn chịu ảnh hưởng của thuỷ triều. Thời gian ngập úng nhiều từ tháng 5 đến tháng tháng 11.

2. Điều tra nguồn tài nguyên sinh vật tại 60 ha vùng nước lợ xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ.

2.1. Về động vật.

Thành phần loài: Rất đa dạng và phong phú (có trên 30 loài). Trong đó các loài động vật đặc hữu vùng nước lợ gồm có: Rươi, cáy, cà ra, rạm, cá nhệch, cá đối, cá mòi, con ruốc. Các loài động vật nước ngọt có: Cá rô, cá chép, cá mương, cá bống, cá nẹp, v.v... tôm tép và cua đồng.

Các loại động vật (đặc biệt là động vật đặc hữu) xuất hiện theo mùa, theo con nước và có sự biến động về số lượng và thành phần khác nhau. Nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi về quy luật là do con người tác động tới môi trường sinh thái.

Con cà ra xuất hiện nhiều vào tháng 9, 10, 11, 12.

Con rạm xuất hiện nhiều từ tháng 4 đến tháng 6.

Một số loài động vật đặc hữu vùng nước lợ nay đã mất hẳn như: Con tôm rảo, con ruốc. Một số khác đã cạn kiệt dần như cá nhệch, cá đối, cá mòi.

Các loài động vật nước ngọt thường xuyên xuất hiện ở các tháng trong năm có mật độ tương đối đồng đều và lớn hơn so với các loài động vật đặc hữu vùng nước lợ.

2.2. Về thực vật.

Thực vật gồm 61 loài. Trong đó các loài thực vật có số lượng nhiều như cỏ sữa, cỏ lăn, củ gấu, cỏ lồng vực, ấu, dứa dại, rau dệu, cây cứt lợn, chua me đất, cỏ gà, cỏ bạc đầu, rau dừa nước, cỏ bợ... và một số cây đặc hữu vùng nước lợ như cây cói .

2.3. Tình hình khai thác, đánh bắt và quản lý sử dụng.

Một số loài đánh bắt quanh năm như cáy, tôm, cá. Một số đánh bắt theo mùa như cà ra, rạm, rươi, vv...

Nhìn chung nguồn lợi tự nhiên vùng nước lợ còn được khai thác tự phát, không có kế hoạch phục hồi và thiếu sự quản lý chặt chẽ

3. Quy hoạch nuôi trồng, bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng lợi thế 60 ha vùng nước lợ đất bãi ngoài đê sông Thái Bình - xã An Thanh - huyện Tứ Kỳ

3.1. Nội dung phần quy hoạch 60 ha nước lợ.

a. Hiện trạng:

Nhìn chung 60 ha vùng nước lợ tương đối bằng phẳng, cốt đất trung bình chiếm 80%, chủ yếu là đất ruộng, chỉ sản xuất được một vụ lúa chiêm sau đó bỏ hoang hoá. Cốt đất thấp chiếm 18%, chủ yếu nằm trong khu vực bảo vệ hành lang đê, do nhân dân đào đất đắp đê thành thùng, vũng nham nhở.

Cốt đất cao chiếm 2%, chủ yếu là đường từ trên đê xuống bãi và các bờ ngăn.

Ngoài ra, trong khu vực còn có một số rãnh nước và các mương máng nhỏ tiêu thoát nước ra sông.

b. Quy hoạch:

- Phương hướng sản xuất kinh doanh tổng thể: Khoanh vùng nuôi trồng, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên sinh vật có giá trị kinh doanh ở vùng nước lợ gắn với việc phát triển cây ăn quả đặc sản phục vụ cho phát triển kinh tế và bảo vệ đa dạng sinh học.

- Phân vùng quy hoạch sử dụng đất: Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, tập quán canh tác, chế độ thuỷ văn, kinh nghiệm thực tiễn của nông dân... vùng nước lợ 60 ha được phân làm 3 vùng với phương án sản xuất chính như sau:

Vùng I:

Diện tích 13,5 ha, chiều dài 1.730 m dọc theo đê, chiều rộng trung bình 70 m tính từ chân đê trở ra, hiện trạng là thùng vũng. Phương hướng quy hoạch vùng này là: Vùng hành lang bảo vệ đê điều và cung cấp đất dự phòng đắp đê.

Kinh doanh: Cải tạo mặt bằng các thùng, vũng thành vùng lòng máng có chiều dài dọc suốt theo chân đê. Đắp đập đất giữ nước ở hai đầu để cá tự nhiên vào vùng cư trú trong mùa mưa lũ ngập từ tháng 5 đến tháng 9 và khai thác cá tự nhiên bằng gạn tháo nước bắt cá đầu tháng 10.

Vùng II:

Diện tích 32 ha, chiều dài 1.730 m, chiều rộng bình quân 180 m, là chân ruộng 1 vụ lúa, hiệu quả kinh tế thấp.

Phương án quy hoạch vùng này là: Đào ao nuôi và khai thác cá tự nhiên vào các tháng như ở vùng I, nuôi cá trong thời gian từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 năm sau (6 tháng). Đắp luống (cao tối đa không quá 1,9 m) trồng cây ăn quả đặc sản (chủ yếu là vải thiều, cam quýt các loại).

Vùng III:

Diện tích 14,5 ha, chiều dài 1.004 m chạy dọc và giáp sông Thái Bình (chưa kể phần đất nông trường 18,5 ha), là vùng đất 1 vụ lúa, hiệu quả kinh tế thấp.

Phương án quy hoạch vùng này là: Sản xuất 1 vụ lúa chiêm xuân (góp phần đảm bảo an toàn lương thực). Khoanh vùng bảo vệ, tạo môi trường tự nhiên thuận lợi cho các loài sinh vật đặc hữu vùng nước lợ phát triển, khai thác con đặc sản quý hiếm, chủ yếu là con rươi.

3.2. Tính toán hiệu quả kinh tế của cả vùng theo quy hoạch 60 ha/năm.

* Thực hiện theo quy hoạch (số liệu tính toán cho 1 năm theo mô hình thử nghiệm của Trung tâm Tư vấn dịch vụ xây dựng):

Đơn vị tính: 1.000 đồng

Vùng

Doanh thu

Chi phí

Hiệu quả kinh tế

Vùng I

43.875

28.814

15.061

Vùng II

1.196.400

456.200

740.200

Vùng III

200.925

87.136

113.789

Tổng:

1.441.200

572.150

869.050

* Nếu chỉ sản xuất 1 vụ lúa như hiện nay: Vùng 60 ha (trong đó chỉ sản xuất lúa được 44,5ha)

- Doanh thu lúa toàn vùng: 340.425.000đ.

- Chi phí cho sản xuất lúa: 212.176.000đ.

- Lãi từ sản xuất lúa : 128.249.000đ.

* So sánh giữa thực hiện theo quy hoạch và sử dụng như hiện nay, mỗi năm để thất thu: 741.000.000đ (869.000.000 đ - 128.000.000 đ).

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Qua 2 năm nghiên cứu và thực hiện đề tài đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là nuôi trồng thuỷ sản đã phát triển trong mấy năm gần đây. Nhân dân khu vực này không còn để đất hoang hoá hoặc cấy lúa 1 vụ như trước kia, hiện nay đã được khoanh vùng nuôi thuỷ sản, trồng cây kết hợp nuôi gia súc, gia cầm có tính ổn định lâu dài, đồng thời khai thác và bảo tồn loài đặc sản tự nhiên, đặc biệt là động vật đặc hữu quý hiếm đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.