Lĩnh vực XHNV 2008-12-26 17:43:13

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU CẢI TIẾN MỘT SỐ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TỈNH HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài: KS. Nguyễn Tá Dước, Phó Văn phòng HĐND - UBND tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 4/2002 đến tháng 10/2003.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Xuất sắc.

I. MỤC TIÊU

- Đánh giá hiện trạng về thủ tục hành chính ở tỉnh Hải Dương hiện nay.

- Phân tích làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của quá trình tiến hành cải cách một bước thủ tục hành chính.

- Đề xuất phương án, biện pháp nhằm thực hiện cải tiến một số thủ tục hành chính trên 5 lĩnh vực chủ yếu ở tỉnh Hải Dương là: Cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép đầu tư; Quản lý đất đai; Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội; Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; Quản lý quy hoạch, nhà đất đô thị và cấp giấy phép xây dựng.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Cơ sở lý luận.

Trong khoa học Luật Hành chính hiện nay chưa có quan điểm thống nhất về phạm vi cụ thể của khái niệm thủ tục hành chính.

Quan điểm thứ nhất: cho rằng đó là trật tự mà các cơ quan quản lý hành chính nhà nước giải quyết các tranh chấp về quyền và xử lý các vi phạm pháp luật.

Quan điểm thứ hai: cho rằng đó là trình tự mà cơ quan quản lý hành chính nhà nước giải quyết bất kỳ vụ việc cá biệt cụ thể nào.

Quan điểm thứ ba: cho rằng thủ tục hành chính là trình tự thực hiện mọi hình thức hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, tức là bao gồm cả trình tự hoạt động sáng tạo pháp luật.

Trong ba quan điểm trên thì quan điểm thứ ba có tính bao quát rộng và hợp lý hơn cả vì xem xét bất kỳ hoạt động quản lý nào đều có thể thấy tính kế tiếp liên tục của các hành động. Do đó, đối tượng chịu tác động của các quy phạm vật chất hành chính là các quan hệ xã hội rất đa dạng nên không có một thủ tục hành chính duy nhất, mà có rất nhiều loại thủ tục trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Tất cả các hoạt động đó đều có những đặc trưng chung tạo thành khái niệm thủ tục hành chính.

Vậy thủ tục hành chính là trình tự về thời gian và không gian khi thực hiện một thẩm quyền nhất định của bộ máy nhà nước, là cách thức giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức và cá nhân nhằm đảm bảo cho công việc đạt được mục đích đã định, phù hợp với thẩm quyền, chức năng do luật định cho các cơ quan trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

Bởi vậy, có thể xem thủ tục hành chính là trình tự thực hiện thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc thực thi công vụ.

Thủ tục hành chính là một bộ phận tạo thành chế định tất yếu của Luật Hành chính. Nói cách khác, thủ tục hành chính là một loại hình quy phạm hành chính mang tính công cụ để giúp các cơ quan nhà nước có điều kiện thực hiện chức năng của mình. Nó đảm bảo cho các quy phạm vật chất hành chính được thực hiện có hiệu quả.

2. Khảo sát thực trạng cải cách thủ tục hành chính.

Đã tiến hành khảo sát thực trạng cải cách thủ tục hành chính ở một số ngành, UBND huyện, thành phố về các lĩnh vực: đầu tư xây dựng cơ bản, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép đầu tư, cấp phép xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng thu hồi đất. Nội dung đề tài đã tập trung phân tích, đánh giá, tìm những tồn tại, bất cập trong quá trình quản lý hành chính công trên một số lĩnh vực mà thực tiễn ở tỉnh ta đang đặt ra những yêu cầu phải cải cách.

3. Nghiên cứu kiến nghị một số giải pháp nhằm cải tiến một bước các thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực, như:

3.1. Đối với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:

Thông báo công khai trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh và cấp huyện theo nội dung quy định hiện hành của Nhà nước. Trang bị cơ sở vật chất và bố trí cán bộ có đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho các Phòng đăng ký kinh doanh để tạo điều kiện cho bộ phận này có đủ phương tiện làm việc khoa học, nền nếp. Trong khi chờ Nhà nước ban hành văn bản chính thức, UBND tỉnh ban hành quy chế tạm thời để thể chế hoá mối quan hệ chuyên môn giữa Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh và Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện, bảo đảm mối liên hệ ngành, dọc, tạo điều kiện cho việc chỉ đạo thống nhất tập trung.

3.2. Đối với việc cấp giấy phép đầu tư:

Đề nghị UBND tỉnh có quy định thủ tục, trình tự và thời gian xét duyệt cấp giấy phép đầu tư cho dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên cơ sở đảm bảo với quy định của Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài và các văn bản hướng dẫn khác. Thành lập Ban quản lý dự án các khu công nghiệp để xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng cho các nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở nhanh chóng lựa chọn được địa điểm và tiếp nhận mặt bằng triển khai thực hiện dự án theo nguyên tắc "một cửa - một dấu". Tăng cường hoạt động vận động, xúc tiến kêu gọi đầu tư nước ngoài. Bố trí cán bộ có đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ và trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của bộ phận tiếp nhận dự án đầu tư nước ngoài.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư; giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và triển khai dự án đầu tư. Sớm có quy định cụ thể về chế độ ưu đãi của tỉnh đối với các dự án đầu tư nước ngoài, liên doanh, đầu tư trong nước.

3.3. Về giao và cho thuê đất:

Các phương án về chuẩn bị mặt bằng: Lập quy hoạch, các phương án thực hiện quy hoạch, chuẩn bị mặt bằng để kêu gọi các nhà đầu tư;

Các phương án về thủ tục hành chính, các điều kiện để thực hiện phương án một cửa, một dấu; Giải pháp về cơ chế chính sách như: qui định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, thời gian thực hiện từng công đoạn, đảm bảo thời gian từ khi chủ dự án nộp hồ sơ đến khi UBND tỉnh phê duyệt chấp thuận đầu tư không quá 30 ngày; Xây dựng quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận dự án đầu tư nước ngoài xong trong quý II năm 2002 theo cơ chế "một cửa"; Nghiên cứu quy định về trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, quy định rõ thời hạn từng công đoạn theo các phương án và cơ chế "một cửa".

3.4. Về thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở nông thôn:

Xem xét nghiên cứu để gộp đơn xin đề nghị chuyển quyền sử dụng đất với đơn xin xác nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất; Gộp hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất với hợp đồng bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất. Làm như vậy có thể giảm được hai loại giấy tờ cho người có nhu cầu chuyển nhượng. Thực hiện phương án "một cửa" UBND huyện, thành phố nên giao việc này cho một cơ quan là Phòng Địa chính hoặc Quản lý đô thị chủ trì. Cơ quan này có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với các cơ quan thuế, công chứng thực hiện các công việc nhất là trong việc thẩm định về đất, xác định giá trị tài sản, nhà đất... giúp cho người chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoàn tất các thủ tục từ khâu đầu cho đến khi có quyết định của UBND huyện, không nên để cho các cơ quan chức năng hoạt động riêng rẽ, chồng chéo.

3.5. Giải pháp đẩy nhanh quá trình đền bù giải phóng mặt bằng:

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Nhà nước có liên quan. Kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi các chính sách đền bù thiệt hại về giải phóng mặt bằng. Nhanh chóng hoàn chỉnh các quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết ở các đô thị, các khu, cụm công nghiệp. Khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho nhân dân, kiên quyết xử lý những tồn tại trước đây trong công tác quản lý đất đai như cấp sai thẩm quyền, thực hiện cải cách thủ tục giao đất, cho thuê đất. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, chính quyền các cấp. UBND tỉnh sớm có văn bản qui định cụ thể về trình tự, thủ tục và thời gian ở từng khâu trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố cần tổ chức tổng kết đánh giá kết quả và phương hướng thực hiện giải phóng mặt bằng.

Giải pháp cải tiến thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản: đảm bảo thủ tục đầu tư và xây dựng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì cùng các sở, ngành có liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các chủ đầu tư. UBND tỉnh cần nghiên cứu cải tiến trong khâu giao kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm. Khâu ghi, bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm cho các công trình, hạng mục công trình cần phải cải tiến nhằm giảm bớt thủ tục hành chính giấy tờ. Các công trình nhóm B, C ghi vốn tối đa là 2 lần (kể cả các công trình chuyển tiếp, đầu tư xây dựng trong 2 năm). Đổi mới và nâng cao chất lượng các khâu lập, thẩm định và trình duyệt dự án đầu tư. UBND tỉnh uỷ quyền cho Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt các dự án có tổng mức đầu tư nhỏ hơn 500 triệu đồng (các công trình cải tạo, sửa chữa, đê điều...), uỷ quyền cho các sở chuyên ngành phê duyệt giá trị dự toán khoán thầu đối với các công trình có tổng mức đầu tư nhỏ hơn 500 triệu đồng cùng với phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, quy định về đấu thầu, giao thầu của tỉnh. Tăng cường hơn nữa sự phối kết hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành chức năng của tỉnh. Thực hiện hình thức chủ nhiệm điều hành dự án đối với các công trình mà chủ đầu tư không có năng lực chuyên môn. Cho thành lập các phòng thẩm định với biên chế hợp lý ở các Sở xây dựng chuyên ngành hiện nay chưa có phòng thẩm định (Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Cán bộ ở phòng thẩm định phải gồm những người có chuyên môn sâu, tinh thần trách nhiệm và trung thực. Ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình thực hiện đầu tư, theo cơ chế "một cửa".

3.6. Giải pháp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, sở hữu nhà ở đô thị:

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, sở hữu nhà ở thực hiện Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà cho các hộ khi thực hiện việc mua bán nhà, khai nhận thừa kế kèm theo chuyển quyền sử dụng đất.

3.7. Về cấp phép xây dựng:

Đối với các khu dân cư mới, các khu đã có quy hoạch ổn định nên bỏ khâu cấp phép trực tiếp cho các hộ dân bằng việc thiết lập các quy định chuẩn chung về xây dựng cho từng khu bằng các chỉ tiêu cụ thể như: Chỉ giới xây dựng, chiều cao tầng, chiều cao nhà, loại vật liệu, các quy định về vệ sinh - môi trường... Khi các hộ dân có nhu cầu xây dựng sẽ báo UBND phường sở tại và phải tuân thủ các quy định chung của khu vực như trên. Các cơ quan quản lý xây dựng sẽ căn cứ các quy định trên để kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân thực hiện, xử phạt các trường hợp vi phạm.

3.8. Quản lý quy hoạch đô thị:

Giao các ngành chức năng rà soát lại quy hoạch chung đã được duyệt từ năm 1996 để điều chỉnh, bổ sung duyệt lại quy hoạch chung cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh. Ban hành quy chế quản lý, quy trình quản lý đô thị nói chung và các khu đô thị mới. Khẩn trương hoàn chỉnh và phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu chức năng của thành phố cũng như của tỉnh, đặc biệt là quy hoạch chi tiết ven đường 5 mới. Niêm yết công khai quy hoạch được duyệt để nhân dân, các tổ chức, đối tượng liên quan biết để thực hiện.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả nghiên cứu của đề tài được Văn phòng HĐND và UBND tỉnh sử dụng trong quá trình tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo áp dụng việc cải cách thủ tục hành chính ở các sở, ban, ngành, UBND các cấp từ huyện đến các xã, phường, thị trấn. Nhiều cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và tất cả UBND các huyện, thành phố đã lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa. Quá trình giải quyết thủ tục hành chính ở nhiều cơ quan đã được nhanh gọn hơn.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.