Khoa học quản lý (số 3-2017) -0001-11-30 07:06:30

Hải Dương là tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, có tổng diện tích đất nông nghiệp là 107.536 ha, trong đó đất trồng cây hàng năm là 66.865 ha, đất trồng cây lâu năm là 19.498 ha, đất lâm nghiệp có rừng là 9.568 ha, đất nuôi trồng thủy sản là 11.282 ha và đất nông nghiệp khác là 323 ha.[1] Tỉnh còn có hệ thống sông ngòi dày đặcbao bọc và phân bố ở khắp các huyện, thị trong tỉnhnhư hệ thống sông Thái Bình, sông Luộc, sông Kinh Thầy, sông Lai Vu…Với điều kiện thiênnhiên ưu đãivà truyền thống lao động, cần cù, sáng tạo của mảnh đất, con người nơi đây, Hải Dương đãtừng bướcquy hoạch, phát triển được nhiều vùng sản xuất đặc sảnvà sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng phát triển như: vùng chuyên canh đặc sản vải thiều, vùng chuyên canh ổi, bưởi,chanh, quất củahuyện Thanh Hà; vùng sản xuất nếp cái hoa vàng, sắn dây, hành tỏi củahuyện Kinh Môn; vùng sản xuất hành tỏi củahuyện Nam Sách; vùng sản xuất củ đậu, nếp quýt củahuyện Kim Thành; vùng chuyên canh cà rốt củaCẩm Giàng; vùng chuyên canh chè, nhãn, na và chăn nuôi gà đồi của Chí Linh, vùng chuyên canh rau của huyện Gia Lộc…

Đi đôi với công tác phát triển vùng nông sản chuyên canh theo thế mạnh của từng địa phương, tỉnh cũng rất quan tâm đến việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là việc xây dựng thương hiệu cho các đặc sản và sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Nhờ có sự định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp đúng hướng, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và có chính sách kịp thời quan tâm đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nên cho đến nay Hải Dương đã xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được gần 20 thương hiệu cho các đặc sản và sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng phát triển của tỉnh dưới các hình thức phù hợp. Các thương hiệu đã được quan tâm xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như: Chỉ dẫn địa lý vải thiều “Thanh Hà” và các nhãn hiệu tập thể gồm: nếp cái hoa vàng Kinh Môn, cà rốt Đức Chính (Cẩm Giàng), sắn dây Kinh Môn, hành, mủa huyện Kinh Môn, ổi Thanh Hà, bưởi Thanh Hồng (Thanh Hà), rươi Tứ Kỳ, cáy Tứ Kỳ, gà đồi Chí Linh, na Chí Linh, bánh đa Hội Yên (Thanh Miện), bánh gai Ninh Giang, củ đậu Kim Thành…

Có thể nói, chính sách xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới các hình thức phù hợp cho các đặc sản và sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng của tỉnh đã mang lại những tác động tích cực trên nhiều phương diện khác nhau:

Trước tiên, việc xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ danh tiếng của các đặc sản, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên thị trường.Đây chính là cơ sở pháp lý để răn đe và xử lý đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh sản phẩm có tính giả mạo hoặc lợi dụng danh tiếng các đặc sản và nông sản của tỉnh để trục lợi.

Tiếp đến, việc xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã góp phần định vị thương hiệu cho một số nông sản có giá trị, có tiềm năng phát triển của tỉnh. Khi xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, ngoài việc hỗ trợ xây dựng mẫu nhãn hiệu, mẫu chỉ dẫn địa lý, tỉnh còn hỗ trợ cho các địa phương xây dựng hệ thống nhận diện sản phẩm như bao bì, nhãn mác, tài liệu quảng bá. Đây là công cụ thuận lợi để định vị thương hiệu, để tuyên truyền quảng bá, giúp cho người tiêu dùng nhận diện đúng các đặc sản, nông sản mang thương hiệu gắn liền với các địa danh của tỉnh.

Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã thúc đẩy và định hướng quá trình sản xuất, kinh doanh một số nông sản của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp hơn, ổn định và an toàn hơn.

Cuối cùng, việc xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh, từng bước tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người sản xuất, kinh doanh. Một minh chứng cụ thể là sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng kinh Môn khi được đóng gói bao bì mang nhãn hiệu tập thể đã bán được từ 30.000 - 32.000 đồng/kg, (trong khi gạo cùng loại không đóng bao bì mang nhãn hiệu tập thểthường bán từ 22.000 -24.000 đồng/kg); Ổi Thanh Hà mang nhãn hiệu tập thể có giá bán tại hội chợ AgroViet 2015 là 25.000 đồng/kg, cao hơn thị trường 5.000 - 7.000 đồng/kg; bột sắn dây Kinh Môn giá bán 100.000 - 120.000 đồng/kg, cao hơn sản phẩm cùng loại không gắn nhãn hiệu tập thể từ 10.000 - 20.000 đồng/kg.[2]

Mặc dù việc xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các đặc sản, sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng phát triển của tỉnh tuy đã đạt được kết quả bước đầu nêu trên, song cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác quản lý, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ cho các nông sản đã xây dựng thương hiệu vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập đó là:

Công tác quản lý, khai thác giá trị tài sản trí tuệ các sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của các chủ sở hữu còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Việc kiểm soát tuân thủ quy chế quản lý, đặc biệt là quy trình kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cũng như vấn đề quản lý chất lượng, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm tại một số đơn vị quản lý và sở hữu nhãn hiệu tập thể còn chưa được thường xuyên. Trong khi đó ý thức tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm của các thành viên vẫn còn hạn chế.

Vấn đề quảng bá, giới thiệu nông sản đã bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn chưa được chủ sở hữu chú trọng.Việc đầu tư in ấn nhãn mác, hệ thống nhận diện phục vụ thương mại sản phẩm còn chưa được quan tâm. Do vậy, phạm vi thị trường biết đến các nông sản đã xây dựng thương hiệu của tỉnh còn khiêm tốn.

Hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm còn có nhiều khó khăn và mang tính thụ động. Chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ đã xây dựng thương hiệu chưa đảm đương tốt trách nhiệm của đơn vị đầu mối để xúc tiến thương mại và khai thác thị trường cho sản phẩm…

Để từng bước tháo gỡ những khó khăn nêu trên, nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ cho các đặc sản, nông sản có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thiết nghĩ trong thời gian tới trong khuôn khổ Đề án “Phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017 - 2020” đã được phê duyệt, cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và các địa phương để tiếp tục rà soát xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới các hình thức phù hợp cho các nông sản, các sản phẩm làng nghề có danh tiếng của tỉnh. Mặt khác, cơ quan sở hữu trí tuệ của tỉnh cũng cần tập trung hỗ trợ sâu về chuyên môn để nâng cao năng lực quản lý, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đã xây dựng thương hiệu; hướng dẫn ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ quản lý phù hợp để kiểm soát, ổn định và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; quan tâm hỗ trợ hơn nữa cho hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường đối với các sản phẩm đã xây dựng thương hiệu. Đồng thời các đơn vị quản lý, khai thác các thương hiệu sản phẩm cũng cần nâng cao năng lực tự chủ về mọi mặt, xây dựng kế hoạch khai thác, phát triển thương hiệu sản phẩm và phát triển thị trường cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, có biện pháp quản lý chặt chẽ và đảm bảo nguồn gốc, chất lượng sản phẩm đầu ra…Có như vậy, các đặc sản và nông sản đã xây dựng thương hiệu của tỉnh mới có thể khẳng định được danh tiếng bền vững trên thị trường trong và ngoài nước.

 


[1] Tham khảo: Niên giám thống kê tỉnh Hải Dương năm 2015, NXB Thống Kê – 2016, trang 10

[2] Tham khảo Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015”.

Bài của TS Lê Lương Thịnh - TP.Quản lỹ Công nghệ và Sở hữu trí tuệ
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6/2017

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.