Lĩnh vực XHNV 2008-12-26 17:33:23

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG CƠ SỞ THỜ TỰ CỦA CÁC TÔN GIÁO TRONG TỈNH, NHỮNG TÁC ĐỘNG VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI

Chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Nguyễn Văn Quang, Phó Ban Tôn giáo tỉnh Hải Dương.

Cơ quan thực hiện: Ban Tôn giáo tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Năm 2000 - 2003.

Đề tài đã được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

Xây dựng được hệ thống thông tin cơ bản về cơ sở thờ tự và đất đai của các Tôn giáo ở Hải Dương. Dự báo sự phát triển tín ngưỡng, Tôn giáo. Đề xuất các giải pháp cơ bản, các biện pháp, quy định cụ thể cho công tác quản lý Nhà nước đối với cơ sở thờ tự của các Tôn giáo nói riêng, công tác Tôn giáo nói chung.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Thực trạng về tôn giáo ở Hải Dương.

1.1. Phật giáo:

Đạo phật truyền vào Hải Dương từ khoảng cuối thế kỷ thứ I, đầu thế kỷ thứ II, được phát triển sâu, rộng về tín đồ và nơi thờ tự, đỉnh cao là thời Lý - Trần. Đời nhà Lý, chùa Hun (Thiên tư phúc tự, Công sơn tự) được xây dựng. Đến đời nhà Trần nơi đây trở thành một trong bốn trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm (gồm Yên Tử, Quỳnh Lâm - Quảng Ninh, Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang và Côn Sơn - Hải Dương). Đến nay Phật giáo Hải Dương có 199 Tăng ni. Trong đó, có 2 Hoà thượng, 3 Ni trưởng, 4 Ni sư, 152 Tỳ khiêu (37 Tỳ khiêu Tăng), 25 tăng Ni sinh (10 ni), 13 Hình đồng Ni sinh. Gần 12 vạn phật tử và 769 chùa. Số chùa có Tăng, Ni trụ trì là 99.

1.2. Công giáo:

Công giáo được truyền sang Việt Nam đầu thế kỷ XVII, cả nước hiện có khoảng 6 triệu giáo dân. Đạo Công giáo Hải Dương thuộc địa phận Hải Phòng. Toàn tỉnh hiện có 8 Linh Mục đang cắm xứ, 1 Linh Mục dòng 34.232 giáo dân và 488 chức việc của Đạo Công giáo, ngoài ra còn có 486 các nhóm (tổ chức) phục vụ lễ nghi tôn giáo (thường gọi là hội đoàn), trong đó hơn 300 hoạt động thường xuyên với hơn 11 nghìn người tham gia.

1.3. Đạo Tin lành:

Đạo Tin lành có mặt ở nước ta từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX do tổ chức Tin lành của Mỹ, đạo Tin lành được truyền vào Hải Dương từ năm 1929. Chi hội Thánh Tin lành Hải Dương có khoảng 1.200 tín hữu phân bố ở 5 cụm tín hữu thuộc địa bàn 4 huyện, thành phố. Chức sắc Tin lành có 1 Mục sư và 1 Giảng sư. Ban chấp sự Chi hội Thánh Tin lành gồm 7 người.

2. Thực trạng cơ sở thờ tự của các tôn giáo trong tỉnh:

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương có tổng số 896 cơ sở thờ tự của các tôn giáo bằng 149,25% so với năm 1991 (năm 1991 có 601 cơ sở thờ tự); trong đó có 35 chùa là di tích lịch sử, văn hoá. Các cơ sở thờ tự sử dụng hơn 3.000.000 m2 đất, chiếm gần 0,2 diện tích toàn tỉnh, bằng 300% so với năm 1991. Giá trị các công trình trong cơ sở thờ tự toàn tỉnh tính tại thời điểm tháng 6 năm 2000 là trên 100 tỷ đồng.

Tổng số tín đồ các tôn giáo là 154.948 người (Phật giáo 119.552, Công giáo 34.232, Tin lành 1.200) bằng 131 % so với năm 1991 (năm 1991 có 117.795 tín đồ).

Bình quân một cơ sở thờ tự trong một năm có từ 3 đến 5 ngày lễ lớn và số tín đồ bình quân trên một cơ sở thờ tự là 172 người. Số các tổ chức (nhóm) phục vụ lễ nghi tôn giáo "Hội đoàn" là 666 (Phật giáo 174, Công giáo 486, Tin lành 6) trong đó có 109 nhóm hoạt động không thường xuyên - cố định. Tổng số người tham gia các nhóm (tổ chức) phục vụ lễ nghi tôn giáo tại các cơ sở thờ tự trong tỉnh là 14.708 người.

3. Những giải pháp cơ bản về công tác tôn giáo và hoạt động quản lý nhà nước đối với tôn giáo ở Hải Dương:

3.1. Giải pháp chung về tính chất lịch sử văn hoá của tôn giáo - phát huy những giá trị lịch sử văn hoá của tôn giáo:

- Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo, phối hợp của các cấp uỷ đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể để quản lý hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân nói chung, đồng bào tín đồ các tôn giáo nói riêng về truyền thống dân tộc - Truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng và các chính sách pháp luật.

- Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá - nghệ thuật, danh thắng có tín ngưỡng, tôn giáo được nhà nước công nhận sao cho nơi cầu nguyện của các tôn giáo vừa là nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân, vừa là những công trình kiến trúc của các thời đại và là nơi phục vụ du khách vãn cảnh.

- Tăng cường và củng cố đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác tôn giáo ở các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có tính Đảng cao, có hiểu biết chuyên sâu về nghiệp vụ tôn giáo.

3.2. Giải pháp có tính chính trị - giữ vững an ninh chính trị ở vùng giáo, đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

- Việc xét duyệt cho đi đào tạo các chức sắc tôn giáo cần được tuyển chọn kỹ càng; việc tiếp nhận các chức sắc về trụ trì, cắm xứ cần được xem xét kỹ, thận trọng.

- Thường xuyên theo dõi diễn biến và quản lý các hoạt động tôn giáo, giám sát chặt chẽ việc bầu chọn chức việc các tôn giáo, các tổ chức tham gia phục vụ lễ nghi tôn giáo; việc xây sửa cơ sở thờ tự của các tôn giáo.

- Tăng cường vai trò tham mưu và tư vấn về quản lý các hoạt động tôn giáo của các ngành chức năng và các đoàn thể ở các cấp.

3.3. Tăng cường công tác vận động quần chúng thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước:

- Tập hợp đông đảo các tín đồ vào các tổ chức đoàn thể và các tổ chức xã hội để động viên, giáo dục các tín đồ hiểu biết đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo để củng cố lòng tin đối với Đảng và tinh thần trách nhiệm làm tròn nghĩa vụ công dân của tín đồ.

- Chú trọng xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng vững mạnh ở các vùng có đông đồng bào theo đạo; tuyển chọn các tín đồ tích cực làm tốt "việc đời, việc đạo" vào Đảng, tham gia HĐND các cấp, vào ban chấp hành các tổ chức đoàn thể - xã hội; phát huy sức mạnh nội lực của tín đồ và toàn dân xây dựng quê hương giàu đẹp.

- Thường xuyên sâu sát, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của chức sắc, chức việc, tín đồ để có giải pháp kịp thời, nhậy cảm "đúng ý Đảng, hợp lòng dân"

3.4. Hoàn thiện hệ thống tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo từ tỉnh đến huyện và cơ sở:

- Chăm lo việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lâu dài cho công tác tôn giáo. Cùng với việc chọn lựa cán bộ có kinh nghiệm làm công tác này, cần tuyển chọn cán bộ trẻ đưa đi đào tạo nghiệp vụ chuyên môn ở trình độ đại học trở lên để bố trí công tác tại Ban Tôn giáo cấp tỉnh, cấp huyện.

Tăng cường mở những lớp bồi dưỡng ngắn ngày, dài ngày cho cán bộ từ tỉnh đến cơ sở.

- Cần thường xuyên phối hợp đồng bộ, trách nhiệm (vừa phối hợp, vừa phối thuộc) và phân công, phân cấp từng ngành, từng cấp giữa Ban Tôn giáo với các ngành đoàn thể chức năng để thống nhất cao trong việc xem xét, đánh giá, xử lý các vấn đề về tôn giáo hoặc liên quan đến tôn giáo.

- Nghiên cứu cơ chế chính sách đảm bảo cho đội ngũ cán bộ tôn giáo các cấp yên tâm và có điều kiện tối thiểu thực hiện nhiệm vụ công tác có tính phức tạp, đặc thù này.

3.5. Các biện pháp kinh tế và văn hoá:

- Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các vùng đồng bào theo đạo, làm động lực trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và các hoạt động tôn giáo. Tăng cường quản lý, bảo vệ đối với cơ sở thờ tự của các tôn giáo

- Đối với các tín ngưỡng khác, ngành văn hoá thông tin và các cơ quan chức năng cần xem xét về các mặt kinh tế - văn hoá - xã hội để tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo, định hướng nên phát triển hay hạn chế hoặc dần loại bỏ hình thức tín ngưỡng dân gian nào nhằm đảm bảo tính phù hợp, làm lành mạnh hoá các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở các địa phương trong tỉnh.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả đề tài đang được áp dụng vào công tác nắm bắt xu hướng phát triển của tôn giáo và đã có những biện pháp quản lý hiệu quả đảm bảo tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo theo đúng pháp luật, cụ thể là:

- Hướng dẫn, xét duyệt xây dựng cơ sở thờ tự đảm bảo văn hoá kiến trúc và lễ nghi của từng tôn giáo.

- Tuyên truyền hướng dẫn việc tổ chức lễ hội, lễ nghi, bài trí nơi thờ phụng đảm bảo tín ngưỡng tôn giáo và văn hoá dân tộc, hạn chế mê tín dị đoan và các sinh hoạt, hoạt động phi tôn giáo tại các cơ sở thờ tự đạt hiệu quả hơn trước.

- Từ đề tài đã tạo cơ sở cho việc nắm bắt tình hình và quản lý chức sắc nhà tu hành, điều tiết việc xây dựng sửa chữa cơ sở thờ tự được hài hoà.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.