Cảnh giác với chất béo trong mì ăn liền !

38% mẫu mì ăn liền có chứa chất béo Trans fat... Ở các nước Âu Mỹ, nhà sản xuất phải ghi đầy đủ hàm lượng axít béo Trans trong thực phẩm trên nhãn sản phẩm Gần đây, Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM đã phát hiện Trans fat có trong nhiều sản phẩm mì gói đang tiêu thụ trên thị trường với con số đáng giật mình: Có tới 38% mẫu mì gói có chứa Trans fat...  
Cảnh giác với chất béo trong mì ăn liền !

Shortening  và Trans fat là chất gì?


Shortening là  một loại dầu dạng cứng (chứa nhiều axít béo no – đây là loại axít khó tiêu hoá) thường được tách ra  từ dầu cọ bằng phương pháp phân đoạn (phương pháp này không sinh ra axit béo dạng trans).

Axít béo dạng Trans (Trans fat) có thể tạo ra nếu sản xuất shortening theo phương pháp hydrogen hóa, làm mất các nối đôi ở vị trí trans và shorterning trở nên “trơ”, nghĩa là không bị oxy hóa  và vì vậy chúng ít bị ôi, khét khi mì được tồn trữ lâu ngày. 

Axít béo dạng Trans ở thể rắn có thể dùng như bơ còn có mặt trong các loại "fastfood" như mì tôm, khoai tây chiên, đậu phộng da cá.  

Trans fat làm tăng cholesterol xấu (LDL) và đồng thời cũng làm giảm cholesterol tốt  (HDL),  gây xơ vữa động mạch (gây hẹp lòng động mạch) nên làm giảm sự lưu thông của máu . Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trans fat gây tăng mức cholesterol xấu trong máu dẫn đến tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch.

Ngoài ra, khi xâm nhập vào cơ thể, chất béo này tạo ra những mảng mỡ bám vào thành mạch máu, dần dần bịt kín mạch máu, hậu quả là làm cho máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn và có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ đối với người mắc bệnh béo phì hoặc bệnh tim mạch.

Nhiều calo nhưng ít chất bổ

Thành phần của mì ăn liền:

- Gói mì sợi:   Bột mì, shorterning, tinh bột khoai mì (hoặc tinh bột khoai tây); muối; chất màu; chất bảo quản Butylathydroxyanisol BHA (320), Butylathydroxy toluen BHT (321). 

-  Gói súp :  Dầu cọ tinh luyện, muối, chất điều vị (monosodium glutamat - 621; dinatri Guanilate - 631; dinatri Inosinat - 627);  rau tươi; đường; axit xitric; chất chiết xuất từ nấm men. Một số loại mì có thêm nước cốt cô đặc từ thịt và xương; giả thịt; màu caramen tự nhiên; hương liệu; chất bảo quản (benzoat natri); chất ổn định Natrihydrocacbonat (E500i); Kalicacbonat (E 501i); tỏi; tiêu; ớt hoặc hành phi. Có loại còn bổ sung vitamin E và vitamin C.

Từ thành phần trên chúng ta thấy của mì ăn liền chứa rất nhiều chất béo bão hòa (shorterning), carbonhydrates (chất bột) và ít chất xơ. Đáng chú ý là trong mì ăn liền có thành phần chất béo chiếm từ 15 - 20%, trong đó có một lượng tương đối lớn và chủ yếu là dạng axít béo no (chất béo bão hòa).

Trong quá trình sản xuất, mì ăn liền được chiên trong dầu shorterning ở nhiệt độ cao nên dầu dễ bị oxy hoá.

Nnếu dầu dùng để chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ có khả năng tạo ra các chất béo dạng trans nhiều hơn, do vậy các nhà sản xuất cần có công nghệ chiên mì thích hợp hơn để lượng dầu không đọng lại trong mì quá cao (một số loại mì có hàm lượng axit béo no tới 20%). 

Ngoài ra trong gói gia vị của mì chứa rất nhiều chất phụ gia, tuy chúng có tác dụng tạo sự ngon miệng cho người ăn nhưng không có dinh dưỡng và cay nóng, người huyết áp cao hoặc thân nhiệt cao nên dùng ít loại mì có gia vị cay.

Về giá trị dinh dưỡng, mì ăn liền chủ yếu cung cấp chất bột từ bột mì và 9% chất đạm thực vật - cũng từ bột mì, nếu trộn khoai tây vào thì hàm lượng đạm  sẽ rất thấp,  khoai tây chỉ chứa 1 - 2% protein. Giá trị dinh dưỡng của mì ăn liền là không cân bằng vì thiếu đạm động vật và vitamin từ rau quả tươi.

Theo các chuyên gia tại Viện Dinh dưỡng của Học viện Khoa học Nga, thường xuyên sử dụng các sản phẩm ăn liền sẽ hại đến gan, tuyến tụy và gây chứng viêm dạ dày.

Ngoài ra, mì ăn liền còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, mạch máu, gây tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất vì vậy các chuyên gia khuyến cáo rằng, không nên dùng mì ăn liền thay cho các bữa ăn chính hằng ngày vì mì ăn liền thường chỉ cung cấp nhiều calo chứ không cung cấp đủ vitamin hay protein cho cơ thể.

Các nghiên cứu khoa học ở các nước Âu Mỹ đã chứng minh tác hại của Trans fat nên ngày nay, họ đã có luật cấm dùng các chất béo Trans trong thực phẩm, hoặc phải ghi đầy đủ hàm lượng axít béo Trans có trong thực phẩm trên nhãn sản phẩm để người tiêu dùng biết mà lựa chọn.

Trên thế giới, các nhà sản xuất phải cam kết không dùng dầu chiên chứa Trans fat và ghi rõ sản phẩm không chứa chất béo độc hại này trên bao bì. Tại Đan Mạch, Anh, Mỹ, Canada, từ năm 2003, chính phủ đã ban hành luật cấm dùng các loại dầu có chứa hàm lượng Trans fat cao hoặc yêu cầu các công ty sản xuất thực phẩm phải ghi rõ hàm lượng chất này trên bao bì.

Trong các sản phẩm mì ăn liền hiện nay được bán trên thị trường Việt Nam có nhiều loại không có hoặc có rất ít chất béo dạng trans (nếu shorterning không sản xuất theo phương pháp hydro hóa). Để chứng minh điều này, các nhà sản xuất cần phải công bố trên nhãn mác sản phẩm của mình không có Trans fat để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn khi mua mì ăn liền.

Tại Việt Nam chưa có bất cứ quy định nào của cơ quan quản lý thực phẩm về Trans fat.

Trong lúc chờ đợi những quy định về việc hạn chế Trans fat trong các sản phẩm thực phẩm ở Việt Nam, người tiêu dùng cần phải tự bảo vệ bản thân bằng cách chọn mua các sản phẩm của các nhà sản xuất có thương hiệu, nhất là các cơ sở đã áp dụng Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP/ISO 22000.

Mỗi người dùng hơn 62 gói mì mỗi năm

Ở Việt Nam hiện nay, mì ăn liền là một trong những mặt hàng quen thuộc, có thị trường rộng lớn nhất. Thật khó để liệt kê hết những loại mì ăn liền đang bày bán trên thị trường hiện nay. Theo số liệu thống kê không chính thức năm 2008, tại Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp (DN) sản xuất mì ăn liền, sản lượng đạt khoảng 5 tỷ gói/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 15% - 20%. Việt Nam với dân số trên 80 triệu người nên số lượng mì ăn liền gần đây được tiêu thụ rất lớn bởi tính tiện lợi của nó. 

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ, sản phẩm mì gói của các DN như Vina Acecook, Asia Food, Vifon, Uni-President, Massan, Miliket… đang chiếm lĩnh hơn 90% thị phần với hàng trăm nhãn hiệu khác nhau. Đó là chưa kể, hàng chục nhãn hàng nước ngoài đang hiện diện khắp nơi, tạo sự phong phú cho thị trường mì gói cả về bao bì, mẫu mã lẫn giá cả.

Giá của mỗi loại mì ăn liền cũng khác nhau, có loại bình dân giá khoảng 1.500 – 2.000 đồng/ gói;  loại trung bình được bán với mức giá 2.500 - 3.500 đồng/gói; loại cao cấp có giá từ 5.000 đến hơn 10.000 đồng/gói.

Tại Việt Nam, số liệu chưa đầy đủ cho thấy, sử dụng mì ăn liền đã trở thành thói quen không thể thiếu với mức tiêu thụ từ 1 - 3 gói/người/tuần. 

Việt Nam được xem là một trong những nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất châu Á. Theo dự báo của các chuyên gia, ngành sản xuất mì ăn liền sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ cao, sản lượng sẽ tăng lên khoảng 6-7 tỷ gói trong vòng 3 năm tới.

Mặt tốt của mì ăn liền là rẻ tiền, tiện dụng, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian. Chính vì vậy, mì ăn liền là thức ăn quen thuộc với mọi người, nhất là những người sống độc thân hoặc người thường xuyên bận rộn với công việc.

Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho sức khỏe khi ăn mì ăn liền, chúng ta nên bổ sung thêm rau xanh và các loại đạm từ thịt, trứng để bù đắp lượng vitamin và protein thiếu hụt của mì ăn liền. Những người bị bệnh tim mạch và béo phì thì không nên ăn mì ăn liền hàng ngày.

Nguồn vinacert.vn.

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây